Những cuộc chiến tranh đã lùi xa bốn thập niên, song dư âm của chúng đến giờ vẫn tạo ra những cuộc đối thoại trong các sản phẩm văn hóa đại chúng. Điện ảnh với sức ảnh hưởng rộng rãi đã từng đi đầu trong việc tạo ra nhận thức về chiến tranh, đặc biệt là đề tài thương binh liệt sĩ. Khác với âm hưởng sử thi được khắc họa từ các cuộc kháng chiến, những suy tư hậu chiến đã nảy sinh trong các nhà làm phim khi họ nhìn vào số phận thân nhân của người ra trận. Đáng chú ý, nếu kể tên những bộ phim hay nhất của điện ảnh Việt Nam hậu chiến lại có đến vài tác phẩm khai thác mảng đề tài con người đối diện với sự hi sinh mất mát.
Ở độ lùi tổng kết sau bốn mươi năm, có thể không cường điệu mà nói rằng, các nhà làm phim gọi ra được một tâm thế kiếm tìm sự nhìn thẳng vào một sự thật: Liệu những nỗi đau riêng tư có giới hạn nào cho việc khắc họa hay không? Hay vẫn luôn còn đó những ranh giới có tính khuôn sáo nhằm mỹ hóa những mất mát?
Thập niên 1980 đánh dấu một sự chuyển mình trong cái nhìn về chiến tranh. Một trong những khía cạnh là nói đến sự bi tráng của sự hi sinh, điều không thể bỏ qua, bởi lẽ ở góc độ nhân văn, đề cập sự mất mát hi sinh vừa ghi công ơn người đã ngã xuống, vừa làm dịu nỗi đau của thân nhân những chiến sĩ đã bỏ mình hay những người đã để lại một phần thân thể nơi chiến trường. Nhưng ghi công ơn như thế nào là một bài toán hóc búa. Không thể lặp lại hình ảnh mang tính tượng đài ở một vài phim trước đây, khi chỉ có ta thắng địch thua. Giờ đây chỉ có “ta với ta” cùng những thương tổn hậu chiến.
Chính ở thời điểm này, các nhà làm phim đã bắt được tần số của thời đại. Bao giờ cho đến tháng mười của Đặng Nhật Minh ra đời năm 1984, nhưng đã khởi động vài năm trước đó, bắt nguồn từ những suy tư của đạo diễn về người cha liệt sĩ của mình – giáo sư bác sĩ Đặng Văn Ngữ, người đã hi sinh năm 1967 khi đang nghiên cứu bệnh sốt rét trên chiến trường miền Nam.
Từ những mất mát riêng tư, từ góc nhìn của người ở lại, Bao giờ cho đến tháng mười như một cuộc hành trình tìm câu trả lời: Những người còn sống làm thế nào để chấp nhận khoảng vắng của người đã khuất và lấp đầy bằng cách nào? Liệu cộng đồng vốn nặng lòng tưởng nhớ những sự hi sinh có chấp nhận việc bù đắp cho người ở lại bằng cách giúp họ lật qua một trang đời khác không?
Khung cảnh Bắc bộ của bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười.
Mang nội dung kể về Duyên, một phụ nữ đã giấu gia đình và làng xóm về sự hi sinh của chồng mình ở chiến trường biên giới Tây Nam. Cô nhờ Khang, một thầy giáo ở làng viết những bức thư giả gửi về nhà cho bố chồng để kéo dài sự hi vọng gặp lại con trai của ông, và dĩ nhiên cái kim trong bọc rút cục cũng lộ ra. Nhưng bộ phim không thuần túy kể lại diễn biến dễ đoán đó. Để khiến cho bộ phim mang bi kịch điển hình về việc dùng phương tiện giả nằm đạt mục đích thật không sa vào minh họa, phim đã dùng biện pháp lồng ghép các chất liệu diễn xướng dân gian hay đan cài tư duy giữa hai bờ mộng thực của nữ nhân vật chính.
Chẳng hạn, khi Duyên diễn vở chèo Trương Viên, trong trường đoạn người vợ tiễn chồng ra trận trùng khớp với tâm trạng của cô, Duyên đã không kiềm chế được cảm xúc. Từ đó bộ phim đi theo mạch hư ảo và đi được đến cùng tới độ thăng hoa khiến cho thông điệp trở nên có tầm vóc đầy ám ảnh. Mạch kể này dẫn người đọc chạy theo những bước chân chênh chao của Duyên, gặp vị Thành hoàng cũng là tráng sĩ tử trận xưa kia, được vị nhân thần chỉ tới phiên chợ Âm Dương, nơi Duyên gặp người chồng trong một không khí siêu nhiên. Bộ phim đã vượt qua 13 lần duyệt để giữ được trường đoạn lúc đầu bị coi là “mê tín” này, để rồi thành một ký ức cộng đồng suốt gần bốn mươi năm qua.
Bao giờ cho đến tháng mười từ bấy đã rất quen thuộc với công chúng, được CNN chọn vào số 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại, chính là vì kết hợp những cách thức uyển chuyển của quá trình hóa giải sự mất mát trong một cộng đồng đặt đầy áp lực lên vai người vợ, người mẹ, người cha, thậm chí cả những người thân thích của liệt sĩ một từ ghép là “gương mẫu”.
Nhắm đến đối tượng thanh niên và mang khung cảnh đô thị, Truyện cổ tích cho tuổi 17 (1988) của Xuân Sơn lại sử dụng một câu chuyện đầy chất thơ, gửi gắm những triết lý nhân sinh. Nội dung phim kể về mối tình của An, một nữ sinh cuối cấp, dành cho một người lính chưa từng gặp mặt. Cô chia sẻ những cảm xúc với mẹ của anh, cũng là một người vợ liệt sĩ. An đã bỏ qua tình cảm của một người bạn cùng lớp, để rồi cứ mãi giữ tình yêu đầu đời được lý tưởng hóa kia, kể cả khi chàng trai đã hi sinh. Hai người phụ nữ, một già một trẻ, rút cục xây dựng nên một mối tình trong tưởng tượng.
Nữ diễn viên Thanh Tú trong phim Truyện cổ tích cho tuổi 17 cho biết có nhiều cảnh quay rất dễ khóc nhưng đạo diễn lại không cho khóc
An tâm sự với bố về mối tình với Thái, một người lính sau này hy sinh.
Một trong những khía cạnh bộ phim khiến người xem dấy lên câu hỏi: Sự mất mát của người vợ, người mẹ và cả người bạn gái ôm ấp một tình yêu tưởng tượng được kỳ vọng bảo toàn phải chăng chính là một áp lực, một loại chuyện cổ tích phi thực tế? Kết phim là cảnh An gặp người bạn cùng lớp ở trước một ngôi chùa rồi chia tay, để ngỏ một cái kết. Dáng vẻ nhẫn nại của nữ diễn viên Lê Vi đi bên dưới mái chùa rêu phong có lẽ phảng phất hình ảnh của người chị Lê Vân trong bộ phim nổi tiếng trước đó, làm tăng lên không khí huyền thoại của những người phụ nữ đầy chịu đựng, như những câu thơ trong Bao giờ cho đến tháng mười: “Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/ Những hi sinh, mất mát, khổ đau/ Khi trời thu vẫn xanh mãi ở trên đầu”.
An, một nữ sinh cuối cấp, dành tình yêu cho một người lính chưa từng gặp mặt trong phim Truyện cổ tích cho tuổi 17
Tìm kiếm câu trả lời qua cây cầu tâm thức dân gian cũng là một giải pháp được không khí văn học thời Đổi Mới cổ vũ, như nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết vào nửa sau thập niên 1980. Các truyện ngắn Cây bạch đàn vô danh của Nguyễn Quang Thân hay tiểu thuyết Bến không chồng của Dương Hướng lấy bối cảnh những làng quê Bắc Bộ đậm đặc không khí cổ truyền. Ở bình diện tuyến tính, các câu chuyện kể về quá trình các thiết chế làng xã xưa bị các cuộc chiến tranh tàn phá và sự hàn gắn những đổ vỡ như một cuộc phục hưng các giá trị cộng đồng. Nhưng ở bình diện những lát cắt ngang, là những số phận của thân nhân liệt sĩ như ông Bạch Vân, cha của liệt sĩ trong Cây bạch đàn vô danh hay thương binh bị mặc cảm hoàn cảnh như Vạn trong Bến không chồng, đều đang tìm kiếm một chỗ dựa tình cảm mới ở nửa quãng đời còn lại.
Chồng đi bộ đội không tin tức gì, chị Bình Dân chống gậy thay chồng khi mẹ chồng mất
Hai bộ phim cùng tên ra đời năm 1996 và 2001 trưng ra một màu sắc ấm áp của làng quê, nhưng cũng tiệm cận khắc họa góc cạnh trần trụi, giáo điều của một thiết chế vẫn hẹp cửa với những thân nhân liệt sĩ giờ lẻ bóng cần tìm kiếm hạnh phúc mới. Nếu Bến không chồng (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) chưa thật thành công trong việc vượt qua những diễn tả bề mặt thân phận thì Cây bạch đàn vô danh (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân-Nhuệ Giang) lại có được sự hoàn chỉnh trong sự chất vấn về lựa chọn hạnh phúc của các nhân vật.
Hồng Sơn trong vai Vân có con là liệt sĩ và Lê Vi trong vai Bình, một vợ liệt sĩ được khuyến khích lao động đắp đê “chỉ thiếu 2000 khối đất là được phong anh hùng”, diễn tả xuất sắc vai diễn của họ, những nhân vật bị làng xã trông đợi giữ gìn tiết hạnh và không được phép tái giá để làm ảnh hưởng đạo đức cộng đồng.
Nếu ở Truyện cổ tích cho tuổi 17, Lê Vi mới chớm nở một tài năng thì ở bộ phim này, chị đã đạt tới độ xuất thần, có thể so sánh với vai Duyên của chị gái mình. Bình của Lê Vi đã khác với những nữ nhân vật trước đây, cô không cam chịu, mà mạnh mẽ và bộc trực chọn lấy những cách đương đầu với xã hội, thậm chí là có thể từ bỏ những ràng buộc quá khứ để lên đường xây dựng một cuộc đời mới với ông Vân. Ánh mắt nhập vai của Lê Vi cùng sự điềm tĩnh kìm nén của Hồng Sơn đã khiến cho thành cặp đôi nông thôn đẹp và có chiều sâu bậc nhất màn ảnh Việt Nam đến giờ.
Sau này, khi cuộc tranh luận về việc mẹ Việt Nam anh hùng khi tái giá có còn được hưởng quyền lợi liên quan không (lúc có lúc không tùy địa phương), cái nhìn cấp tiến của bộ phim Cây bạch đàn vô danh này càng được thể hiện rõ hơn.
Mối tình giữa chị Bình Dân (vợ liệt sĩ) và ông Bạch Vân (cha liệt sĩ)
Cây bạch đàn vô danh mở đầu với cảnh ngôi từ đường của dòng họ và kết thúc cũng bằng cảnh Bình đưa đứa con của Bạch Vân về thắp hương nhận họ, tạo ra một cấu trúc vòng tròn được phủ bóng bằng không khí tâm linh vừa đủ độ.
Diễn viên kỳ cựu quá cố Trịnh Thịnh là một mẫu hình xuất sắc cho vai diễn ông cả Hàn đảm nhiệm đường dây xuyên suốt truyện phim. Khác với nhân vật ông bố chồng của Duyên thụ động chờ tin con, ông cả Hàn khi cứng đầu thủ cựu khi ngượng ngập thừa nhận lỗi lầm, khi vui mừng đón nhận dòng máu sót lại của em trai mình… dường như phản chiếu chính thái độ của cộng đồng làng xã, dẫu giáo điều nhưng cũng lại rất dễ sửa sai, dễ bao dung.
Các bộ phim giai đoạn giao thời bước sang thế kỷ 21 như Người yêu đi lấy chồng (đạo diễn Châu Huế) hay Đời cát (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân-Nhuệ Giang) cũng tiếp tục khắc họa câu chuyện tìm kiếm hạnh phúc của những người thân nhân liệt sĩ. Chúng cũng mau chóng tạo ra những điển phạm nhân vật. Trong Người yêu đi lấy chồng, Trần Lực và Chiều Xuân thành công trong vai anh bộ đội chung thủy và cô thanh niên xung phong trở về với mặc cảm có chồng liệt sĩ không hôn thú đến độ thành “thương hiệu” của họ. Thêm vào đó, chính cặp đôi này đã làm nên hiện tượng phim truyền hình Mẹ chồng tôi cùng thời điểm ấy.
Trong Đời cát, các vai diễn của Đơn Dương, Mai Hoa và Hồng Ánh, hay cả anh thương binh do Công Ninh đóng, cũng tạo ra một ấn tượng sâu đậm về sự kiếm tìm hạnh phúc của con người hậu chiến, tuy nhiên ít gặp vấn đề về thách thức lễ nghĩa thủ cựu như các bộ phim nói ở trên.
Nhìn lại cả chặng đường ngay bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười, mặc dù đưa ra một cái nhìn phá cách về quan niệm xã hội nhưng rút cục lại trở thành một điển phạm. Các diễn viên Lê Vân, Hữu Mười đã tỏa sáng trong bộ phim này và thậm chí, trở thành khuôn mẫu của những con người Việt Nam hậu chiến.
GS John C. Schafer đã chỉ ra, Lê Vân được đồng nhất với hình ảnh người phụ nữ điển hình, để rồi đến lượt chị cũng gặp dư luận không thuận chiều khi đời sống người diễn viên không như hình tượng đã hóa thân, sau khi chị xuất bản cuốn tự truyện gây tranh cãi kể về những chuyện tình sóng gió và phơi bày cuộc hôn nhân không hạnh phúc của bố mẹ, cũng đều là những nghệ sĩ nổi tiếng. Người ta cho rằng Lê Vân đã làm điều trái với đạo lý truyền thống và làm hỏng hình ảnh những chị Duyên, chị Dậu mà nữ nghệ sĩ đã hóa thân xuất sắc, đã trót gieo vào lòng công chúng một hình ảnh thần tượng cả về nhan sắc lẫn đức hạnh.
Nhân vật của Lê Vân trong Bao giờ cho đến tháng mười cuối cùng cũng gặp người chồng đã hy sinh của mình tại phiên chợ Âm DươngẢnh TL
Trong Bao giờ cho đến tháng mười, một câu hỏi được đặt ra: những người còn sống làm thế nào để chấp nhận khoảng vắng của người đã khuất và lấp đầy bằng cách nào
Đó cũng là nghịch lý của một cộng đồng mà có lẽ vẫn còn chưa tách bạch được sự ghi nhận đóng góp của các cá nhân với tôn trọng khát vọng riêng tư của họ. Ví dụ tưởng chừng rất xa này lại vô tình nói lên rằng, cái nhìn về sự lựa chọn cuộc sống của những người thân trong mỗi ngôi nhà sau sự hy sinh của người thân thật sự cũng nằm trong chính cái nhìn về sự lựa chọn hạnh phúc của mỗi con người trong xã hội.
Bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười theo chân hành trình vô vọng đến phi lý của chị Duyên để đi gặp lại chồng, cuối cùng chị cũng toại nguyện ở phiên chợ Âm Dương ngày rằm tháng Bảy. Câu nói của người chồng có lẽ cũng không quá đặc biệt, song vào khoảnh khắc ngưng đọng của hình ảnh, có sức nặng đáng kể: “Anh chỉ muốn những người đang sống được hạnh phúc”. Một câu nói đơn giản song có lẽ gói tất cả những ý muốn hóa giải sức ép từ sự kỳ vọng của cộng đồng lên thân phận người còn lại.
Báo Thanh Niên
27.07.2022