Trang chủ Luận bàn - Phản biện Tháng 7 về… – Xã hội dân sự

Tháng 7 về… – Xã hội dân sự

118
0

Theo suốt chiều dài lịch sử, tháng 7 đã trở thành tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của “uống nước nhớ nguồn” và đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ để tôn vinh những hy sinh, mất mát của những người đã không tiếc máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Tháng 7 về… - Xã hội dân sự

Hơn một triệu liệt sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc mà trong đó rất đông trong số họ là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. 

Tính từ ngày 27/7/1947, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh toàn quốc” để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Từ đó, ngày 27/7 hằng năm đã trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng, mang đậm tính nhân văn cao cả của Dân tộc Việt Nam, là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, sự tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Khắc ghi điều đó, trong suốt 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng.

Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện, thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta… Gần đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng với nhiều điểm mới, quy định chặt chẽ, khả thi, bảo đảm chế độ cho người có công và thân nhân.

Cùng với đó, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trong 5 năm qua (2016 – 2021), chúng ta đã xây dựng mới gần 43.700 nhà tình nghĩa, sửa chữa gần 28.500 nhà tình nghĩa trị giá hơn 2.553 tỷ đồng. Đã có 9,2 triệu người có công được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi.

Xác định rõ, không bỏ sót người có công, thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương tập trung phối hợp giải quyết những hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công với cách mạng một cách khách quan, công khai minh bạch. Từ năm 2017 – 2022, đã xem xét, giải quyết trên 7.000 hồ sơ tồn đọng. Dù có thể là hơi muộn, nhưng việc giải quyết được các hồ sơ tồn đọng này là sự tri ân có ý nghĩa thiết thực nhất đối với người có công. 

Hướng về Ngày Thương binh, liệt sỹ (27/7) năm nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đi thăm và tặng quà đại diện bà mẹ Việt Nam anh hùng, những thương bệnh binh, người có công với cách mạng, thắp những nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính đối với những người đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc…

Các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa,” chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội.

Bởi ai cũng hiểu rằng để có được cuộc sống hòa bình ngày hôm nay, biết bao người đã anh dũng hy sinh, biết bao người đã để lại chiến trường một phần xương máu của mình. Sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ, các bậc lão thành cách mạng để đất nước có được hòa bình, độc lập là hết sức thiêng liêng, không gì có thể đo đếm được. Và để tri ân tốt nhất, thiết thực nhất chính là phải làm tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách không chỉ ở “tháng tri ân” mà cần được lan tỏa và thực hiện qua tình cảm và hành động hằng ngày của mỗi cá nhân, tổ chức.

Tuy nhiên, tri ân, tưởng nhớ không chỉ là những việc làm cụ thể bằng chế độ chính sách, bằng những ngôi nhà tình nghĩa, bằng những gói quà, những lời nói động viên… Có một sự tri ân, tưởng nhớ, biết ơn mà mỗi con người Việt Nam hôm nay cần phải nhớ đó là phải sống sao để xứng đáng với sự hi sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc.

Thiết nghĩ, đời người, xin hãy một lần đặt chân đến các nghĩa trang liệt sĩ. Tin rằng, mỗi người dân Việt Nam, nhất là các bạn trẻ sẽ nhận ra rằng, những gì mà mình biết về cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc còn quá ít ỏi so với những khốc liệt mà cha anh đã thực sự nếm trải và cũng là để để cảm nhận được sự khốc liệt của chiến tranh. Hơn một triệu liệt sĩ đã ngã xuống trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc mà trong đó rất đông trong số họ là những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi – Họ ra đi giữa mùa Xuân của đất trời, giữa mùa Xuân của cuộc đời để rồi tên mình “khắc vào đá núi”. Đó là chưa nói đến việc hơn 200 ngàn liệt sĩ chưa được tìm thấy hài cốt, danh tính đã để lại nỗi đau khôn nguôi cho người cha, người mẹ, những người con và thân nhân của họ. Đó là sự mất mát, đau thương không thể đo đếm được.

Tháng 7 về… - Xã hội dân sự

Tuổi trẻ Thủ đô thắp nến tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng, liệt sỹ.

Với riêng tôi, nhiều lần đến với các nghĩa trang liệt sĩ, tôi đã nhận ra rằng, ngoài nỗi đau, nỗi xót xa thì nơi đây cũng góp phần làm mình thêm thiết tha yêu, thêm ắp đầy trong huyết quản niềm tự hào dân tộc, niềm tự tôn đất nước, giống nòi… Vì chính nơi đây – chính những cái chết đã hóa thành bất tử của lớp lớp ông cha đang yên nghỉ, đã phục sinh cho cõi sống trường tồn của dân tộc.

Tháng 7 về làm mỗi chúng ta nhớ những câu hát đầy xúc động: “Ba lần tiễn con đi/Hai lần khóc thầm lặng lẽ/Các anh không về/ Mình mẹ lặng im…; những câu thơ đầy tình nghĩa tặng những người con đã “nằm xuống”: “Đò lên Thạch Hãn xin… chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…” luôn làm nao nao những trái tim khi nghĩ về một thời khói lửa.

Tháng Bảy về, có ngàn vạn ngọn nến tri ân hòa cùng khói hương thiêng liêng ở khắp các nghĩa trang. Những dòng sông cũng trở nên lung linh bởi triệu đóa hoa đăng xuôi dòng tưởng nhớ những linh hồn bất diệt. Ngày 27/7 đã trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên, không thể quên. Sự tri ân của hậu thế dẫu lớn đến nhường nào, thì vẫn mãi mãi chưa thể xứng với lớp lớp cha anh đã không tiếc xương máu vì sự trường tồn của Tổ quốc, của dân tộc, của dải đất hình chữ S yêu thương./.

Thu Hà (ĐCSVN)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây