Trang chủ Chính trị Nước nhỏ cạnh nước lớn không khéo léo thì rất nguy hiểm

Nước nhỏ cạnh nước lớn không khéo léo thì rất nguy hiểm

220
0

Nói về xung đột giữa hai nước Nga và Ukraine, Thượng tướng Võ Tiến Trung cho biết, quốc gia muốn yên ổn và phát triển cần giữ được sự độc lập, tự chủ, không lệ thuộc nước nào, không là đồng minh với nước nào, không có những hành động gây ảnh hưởng tới an ninh cho quốc gia khác.

Liên quan sự kiện Nga triển khai chiến dịch quân sự vào Ukraine, PV đã có trao đổi nhanh với Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng để nhìn nhận về cuộc chiến này.

Nước nhỏ cạnh nước lớn không khéo léo thì rất nguy hiểm
Thượng tướng Võ Tiến Trung

Nhìn nhận sự kiện Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng cho rằng:

Ukraine trước đó thân thiện với cả Nga và phương Tây và đất nước yên ổn, phát triển. Nhưng sau cuộc cách mạng cam, Ukraine ngả hẳn sang phương Tây, không những vậy còn thực hiện chính sách tạo căng thẳng với Nga, đặc biệt đã miệt thị và có đối xử không tốt đối với những người gốc Nga và những người nói tiếng Nga đang sinh sống ở Ukraine. Bên cạnh đó, Ukraine còn xin gia nhập khối NATO.

Nước nhỏ cạnh nước lớn không khéo léo thì rất nguy hiểm
Khói lửa bốc lên gần một tòa nhà quân sự sau một cuộc tấn công của Nga ở Kiev, Ukraine Ảnh AP

Trước tình hình đó, Tổng thống Putin đã đưa ra tối hậu thư cho Mỹ và NATO không được kết nạp Ukraine và các nước Liên Xô cũ vào liên minh, và không được hỗ trợ quân sự. Bởi làm như vậy nghĩa là NATO đưa vũ khí, trang bị quân sự áp sát biên giới Nga, đe dọa an ninh của nước Nga, đẩy Nga tới bước đường cùng. Nhưng NATO từ chối.

Nga cho rằng Mỹ và các nước phương Tây đã tạo chiến dịch bao vây, bôi nhọ Nga. Trước bối cảnh này, Ukraine lẽ ra nên trung lập nhưng họ cũng nói xấu Nga.

Đáp lại chính quyền của Tổng thống Putin đã công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Lugansk (LPR) ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Ông Putin sau đó ra lệnh cho Bộ Quốc phòng Nga đưa quân tới vùng ly khai ở miền đông Ukraine với mục đích “gìn giữ hòa bình”.

Hành động trên của Nga sẽ càng bị Mỹ và các nước phương Tây bao vây cấm vận, gặp khó khăn về kinh tế nhưng chính quyền của ông Putin đã lựa chọn để chủ động bảo vệ biên giới hành lang của Nga.

Nước nhỏ cạnh nước lớn không khéo léo thì rất nguy hiểm
Một bức ảnh do văn phòng Tổng thống Ukraine cung cấp cho thấy một vụ nổ lớn ở thủ đô Kiev của nước này vào đầu ngày thứ Năm 24/2 sau khi Tổng thống Nga Putin công bố một chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Ảnh CNN

Ngày 24/2, Nga đã mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, ở góc độ nghiên cứu quân sự Thượng tướng có cho rằng chiến tranh sẽ leo thang?

– Theo tôi cuộc chiến Nga –Ukraine sẽ không leo thang. Có thể Nga chỉ đánh phủ đầu để cảnh báo Ukraine đừng thù địch với Nga, đừng ra nhập khối NATO. Việc Nga tấn công Ukraine vừa để đe dọa, vừa tiêu hao sinh lực quân sự của nước này.

Ukraine đã đi theo con đường của Mỹ và các nước phương Tây dựng lên chiến dịch đe dọa, gây căng thẳng với Nga nên Nga đã chủ động hành động trước.

Hành động của Nga để nói cho Mỹ và các nước phương Tây đây là vạch đỏ, nếu như cho Ukraine ra nhập NATO, triển khai vũ khí, lực lượng quân sự đến sát biên giới của Nga thì nước này không ngồi im.

Nước nhỏ cạnh nước lớn không khéo léo thì rất nguy hiểm
Các quân nhân Ukraine đứng gần một xe bọc thép BTR-3 ở phía tây bắc của Kiev, vào ngày 24/2. Ảnh Timesofisrael

Trước chiến dịch quân sự của Nga tấn công vào Ukraine, phản ứng của Mỹ và các nước phương Tây theo Thượng tướng có gì đặc biệt?

– Mỹ và NATO đã có chiến dịch bôi nhọ Nga nên trước hành động Nga tấn công vào Ukraine họ càng quyết liệt bao vây cấm vận đối với Nga. Về phía Nga, họ chấp nhận thiệt hại về kinh tế còn hơn bị đe dọa đến an ninh quốc gia khi khối NATO tiến sát đến biên giới.

Hành động của Nga thể hiện quan điểm nếu kết nạp Ukraine vào khối NATO nghĩa là tuyên chiến với Nga, buộc nước này phải hành động trước.

Cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, đã được chính quyền của Tổng thống Putin tính toán rất kỹ, ông nghĩ sao?

– Đúng vậy. Nga đã tấn công vào các khu vực quân sự, đặc biệt là lực lượng phòng không, hải quân chứ không tấn công rộng. Tôi nghĩ nếu Nga đạt được mục đích răn đe, cảnh báo thì cuộc tấn công sẽ dừng lại. Phía Ukraine sẽ không dám có những hành động quân sự tại hai vùng mới tuyên bố ly khai.

Theo suy nghĩ của tôi, Nga bảo vệ 2 vùng mới tuyên bố ly khai tại Ukraine để tạo bước đệm. Giả sử tình huống NATO kết nạp Ukraine vào khối này thì Nga vẫn có vùng đệm để bảo vệ biên giới của mình.

Từ sự kiện Nga tấn công quân sự vào Ukraine, đây được xem là bài học trong mối quan hệ ứng xử giữa các nước nhỏ bên cạnh các nước lớn, thưa ông?

– Đối với Ukraine một bên là Nga, một bên là phương Tây, nếu họ có chính sách thân thiện với hai bên thì được cả hai. Còn Ukraine ngả theo phương Tây đe dọa an ninh của Nga dẫn tới nước này có hành động.

Đối với nước nhỏ trước những nước lớn, thế lực lớn đan xen thì phải khôn khéo trong chính sách đối ngoại, làm sao để dân tộc mình giữ được mối quan hệ tốt với các nước, đặc biệt các nước lớn, tận dụng thời cơ phát triển kinh tế-xã hội.

Quốc gia muốn yên ổn và phát triển cần giữ được sự độc lập, tự chủ, không lệ thuộc nước nào, không là đồng minh với nước nào, không có những hành động gây ảnh hưởng tới an ninh cho quốc gia khác, bình thường hóa với các nước, coi các nước là đối tác. Còn như có hành động tạo sự căng thẳng với một nước lớn nào đó thì rất nguy hiểm.

Xin cảm ơn Thượng tướng (!)

Lương Kết


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây