Nhiều vị quan chức khi kết thúc nhiệm kỳ để lại nhiều lưu luyến, cũng có không ít những trường hợp kết thúc con đường quan lộ là lúc dư luận đàm tiếu, thiếu sự thiện cảm.
Trong tuần vừa qua, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến trở thành tâm điểm dư luận khi vụ án Sagri đưa ra xét xử. Trong vụ án này, ông Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận mình đã ký quyết định chuyển nhượng dự án của Sagri cho Tổng công ty Phong Phú – một quyết định thể hiện rõ sự cố tình vi phạm của ông: Tự quyết, không đưa ra đấu giá, cố tình không công khai, minh bạch, làm thiệt hại ngân sách nhà nước hơn 672 tỷ đồng.
Thừa nhận là ký quyết định nhưng cựu Phó Chủ tịch UBND TP ra sức bao biện cho hành vi tham ô của mình một cách đầy nghịch lý rằng: “Chỉ là người ký thay”. Để hạ thấp tội cho mình, ông còn xảo quyệt bao biện rằng “vì cả nễ mà ký” chứ không phải là tham ô.
Với những gì đã gây ra, ông Trần Vĩnh Tuyến bị Viện KSND TP.HCM đề nghị mức án từ 7-8 năm tù. Thay vì ăn năn, hối lỗi với hậu quả mà mình đã cố tình gây ra, thì ông Trần Vĩnh Tuyến ra sức kêu gào: “Tại sao lại bị đề nghị mức hình phạt hết sức cao”!?
Trải qua nhiều phiên tòa, cựu Phó Chủ tịch UBND TP không chỉ xin cho ông, mà còn xin cho tất cả thuộc cấp của ông trong vụ án này: “Họ đều đáng thương hơn đáng trách, xứng đáng được hưởng sự khoan hồng”.
Và khi “không xin được”, ông nói lẫy: “Sau phiên tòa này, tất cả chúng ta phải đối diện với tòa án lương tâm. Tạo nghiệp thì sẽ bị quả báo”.
Sai phạm của ông Trần Vĩnh Tuyến nhìn từ hồ sơ vụ án ai cũng đã thấy quá rõ. Hành vi tham ô của ông gây thiệt hại hơn 672 tỷ đồng ngân sách nhà nước, đến giờ này vẫn chưa thu lại được dù chỉ là 1 xu.
Đó là chưa kể, sự sai trái này kéo theo sự đình trệ, ảnh hưởng đến hệ thống vận hành chung của những dự án liên quan Sagri – nhiều bất cập mà đến thời điểm này vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Khác hoàn toàn với các vị quan chức, cán bộ sai phạm khác, trước pháp luật đều biết nhận sai, nhận tội, giữ cho mình chút tự trọng cuối cùng, thì ông Tuyến vẫn tìm mọi cách để bản thân có lợi.
Đến giờ vẫn không biết ăn năn, hối lỗi, vẫn ngoan cố trong sai lầm. Ông đem cả vấn đề “quả báo” ra “uy hiếp” Hội đồng xét xử nhưng quên mất, việc ngày hôm nay đứng trước vành móng ngựa, trước bản án đó chính là minh chứng cho công lý được thực thi – đó mới chính là “quả báo” nhãn tiền mà ông phải nhận lấy cho một loạt hành vi sai trái của mình!
Hành vi vi phạm pháp luật, thiếu đạo đức của ông Tuyến đó là một căn bệnh trầm kha, nguy hiểm đã và đang hình thành trong cán bộ, quan chức hiện nay. Mà vừa mới đây, Tổng Bí thư đã chỉ đạo, yêu cầu rõ: “Xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”.
Với những cán bộ, quan chức cố tình vi phạm để trục lợi, làm ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, làm lũng đoạn sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân như hành vi của ông Trần Vĩnh Tuyến cần được xử nghiêm minh trước pháp luật, để tăng tính răn đe. Kẻ cố tình và ngoan cố trong sai lầm như ông Tuyến không đáng để nhận sự khoan hồng của pháp luật.
Thụy Vũ
Nguồn: Cánh cò