Trang chủ Chính trị Sự cay đắng ở phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung...

Sự cay đắng ở phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung và Đinh La Thăng

217
0

Trong lịch sử xét xử thì ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Đức Chung là quan chức cấp cao bị ra tòa trong nhiều vụ án nhất.

Đến mức, ông Đinh La Thăng phải thốt lên trước tòa “lúc nào cũng THĂNG, tôi chỉ muốn một lần GIÁNG”. Còn ông Chung cũng nhận trách nhiệm với vợ con.

Sự cay đắng ở phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung và Đinh La Thăng
Ông Nguyễn Đức Chung và Đinh La Thăng tại tòa

Khi còn sống, ông Nguyễn Đình Hương, người có thâm niên trong công tác tổ chức cán bộ nói: “Day dứt lớn nhất của người làm tổ chức là đưa những người tốt có năng lực nhưng sau khi vào bộ máy lại thoái hóa, biến chất, có khi bị tù tội”.

Điểm chung nhất của hai con người này là họ đều có tài, có đóng góp, được cất nhắc và có tương lai thực sự rộng mở.

Họ đi lên từ phong trào quần chúng. Họ là những nhân tố mới, những tấm gương tiêu biểu. Ông Đinh La Thăng đi lên từ kế toán của Tổng Công ty Sông Đà nức tiếng một thời với nhiều công trình đặc biệt quan trọng của đất nước.

Sự cay đắng ở phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung và Đinh La Thăng
Ông Đinh La Thăng

Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Chung từ một chiến sỹ công an, do có nhiều thành tích xuất sắc, phá những vụ án điển hình mà được phong anh hùng.

Vậy điều gì đã đẩy họ vào con đường sai phạm dẫn đến tù tội. Đến giờ này, chỉ có thể khẳng định, quyền lực nơi họ bị tha hóa.

Nếu chỉ đổ lỗi cho cơ chế, cho luật pháp chưa đầy đủ, chưa nghiêm minh…nghĩa là những yếu tố khách quan thì đó chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện. Bởi cùng cơ chế, cùng hành lang pháp lý đó, nhiều người khác chưa bao giờ vi phạm đến mức như vậy.

Như vậy, có thể khẳng định yếu tố chủ quan là quyết định. Nhân tố chủ quan cộng với tác động phần nào của khách quan khiến cả ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Đức Chung không giữ được sự vững vàng, đã sa ngã.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi tuyên bố xử lý kỷ luật các Ban cán sự đảng đều nêu rõ người đứng đầu thiếu dân chủ, chuyên quyền. Như vậy tiếng nói và hành động của người đứng đầu thay cho tập thể bất kể việc đó đúng sai hay nghiêm trọng đến mức nào.

Vụ án ông Nguyễn Đức Chung đang xét xử thể hiện rất rõ điều này. Ông đã coi thường tập thể, coi thường tổ chức đảng, tự phân phát quyền lợi bổng lộc cho người thân, e kíp. Vơ vào nhiều thứ không hợp pháp cho gia đình, người thân quen, từ việc giành hợp đồng cho Nhật Cường, đến việc thành lập công ty sân sau để nhận và trúng thầu.

Sự cay đắng ở phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung và Đinh La Thăng
Ông Nguyễn Đức Chung

Ngày 27-12 tới, Tòa án Nhân dân TP HN sẽ mở tiếp phiên tòa xét xử ông Nguyễn Đức Chung cùng nhiều đồng phạm về việc can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho công ty Nhật Cường trúng thầu.

Rõ ràng quyền lực đã không được thực thi vì lợi ích chung mà bị tha hóa vì mục đích của nhóm lợi ích, vì lợi ích của cá nhân.

Sự tha hóa đó có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất vẫn là thiếu tu dưỡng rèn luyện hay nói như dân gian là lòng tham. Lòng tham sẽ bất chấp tất cả.

Nếu quan chức nào đó không nghĩ rộng ra như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lẩy Kiều trong Hội nghị cán bộ vừa qua: “Nghĩ mình phương diện quốc gia/ Quan trên trông xuống người ta trông vào”…thì họ sẽ bất chấp tất cả để đạt được lợi ích cá nhân.

Nguyễn Đăng Tấn


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây