Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) là một thỏa thuận thương mại tự do quan trọng giữa Việt Nam và 27 quốc gia thành viên EU. Để giám sát quá trình thực hiện thỏa thuận, EVFTA đã dự tính thành lập 2 nhóm tư vấn.
Tại Điểm 4, Điều 13.15, Chương 13 của Hiệp định đã quy định rõ về nhóm tư vấn trong nước (DAG) là “Nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước này bao gồm các tổ chức đại diện độc lập, bảo đảm sự đại diện cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường”. Như vậy, các thành viên nhóm tư vấn Việt Nam phải là các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, đại diện cho các lợi ích chính đáng nước ta liên quan đến thương mại và phát triển bền vững. Ngày 17/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký quyết định cho biết danh sách thành viên của nhóm DAG Việt Nam bao gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Viện Công nhân và Công đoàn; và Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững. Đồng thời cũng nhấn mạnh danh sách nói trên có thể được điều chỉnh, bổ sung theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Lợi dụng vấn đề trên, một số chức hoạt động bất hợp pháp hoặc không đại diện cho lợi ích chính đáng của Việt Nam đã viết thư xin tham gia nhóm DAG. Ngày 2/7, Công An TP. Hà Nội khởi tố hai vụ án trốn thuế tại hai tổ chức phi chính phủ là Hội đồng Khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục Cộng đồng (MEC) và Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD). Kết quả điều tra cho thấy Mai Phan Lợi là chủ mưu trốn thuế với số tiền lên đến 2 tỷ đồng tại MEC. Tương tự như vậy, đối tượng Đặng Đình Bách cũng đã thực hiện hành vi trốn thuế tại LPSD. Hai tổ chức tự cho là “đại diện cho lợi ích chính đáng tại Việt Nam” nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật của đất nước thì hoàn toàn không xứng đáng được tham gia nhóm DAG.
Với sự việc 2 tổ chức MEC và LPSD không đủ tiêu chuẩn để được tham gia nhóm DAG, một số tổ chức, lực lượng chống phá đã xuyên tạc, phản ánh sai sự thật nguyên nhân 2 đối tượng Phạm Mai Lợi và Đặng Đình Bách bị bắt. Rõ ràng 2 đối tượng trên bị bắt vì tội trốn thuế đã được quy định rõ trong pháp luật, nhưng các tổ chức chống phá lại bịa đặt chính quyền nước ta làm như vậy để 2 tổ chức mà chúng tham gia không được vào nhóm DAG. Bài viết “Lý do thật sự nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách bị bắt là gì?” được Tiếng Dân News đăng tải ngày 7/12 với luận điệu chống phá như vậy.
Chúng táo tợn đặt ra câu hỏi “có phải “trốn thuế” là lý do thật sự để bắt giam hai nhà hoạt động xã hội dân sự này?”. Chúng cố tình ngụy biện mà cho rằng 2 trong 3 thành viên của nhóm VN-DAG là tổ chức Nhà nước, không phải tổ chức xã hội dân sự độc lập và khẳng định cho rằng điều này “vi phạm Hiệp định EVFTA”. Hoặc là chúng đã không tìm hiểu kỹ, hoặc là chúng cố tình phản ánh sai sự thật này để che dấu âm mưu của chúng. Hai tổ chức MEC và LPSD không được tham gia thành viên của DAG bởi không đạt được các tiêu chí, điều kiện của hiệp định là chuyện không phải bàn cãi nhưng Tiếng Dân News vẫn cố tình đưa ra luận điệu 2 đối tượng Phạm Mai Lợi và Đặng Đình Bách bị bắt là “nhằm ngăn chặn MEC và LPSD trở thành thành viên DAG”.
Âm mưu của Tiếng Dân News còn được phơi bày hoàn toàn, chúng nói “nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và kết án tới 15 năm tù hồi tháng 1/2021 chỉ vì lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đặt điều kiện nhân quyền đối với Việt Nam”. Có thể thấy, việc Tiếng Dân News bất ngờ “bẻ lái” từ vụ án trốn thuế tại MEC và LPSD đã phơi bày chủ đích thực sự của trang mạng trên. Đó là ý đồ hướng lái, chuyển sự chú ý của dư luận sang đối tượng Phạm Chí Dũng. Như vậy, thực chất trang mạng trên không hề quan tâm đến tính chất của các vụ án, mà chỉ “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng vụ việc để tẩy trắng, chối tội cho Phạm Chí Dũng, một đối tượng chống phá cộm cán đã bị xử án với đầy đủ bằng chứng, vật chứng rành rành về tội lỗi của y.
Việt Nam luôn tôn trọng và tuân thủ nghiêm túc Hiệp định EVFTA nói riêng và các hiệp định khác mà Việt Nam là thành viên nói chung. Các đối tượng, lực lượng, tổ chức luôn tìm cách chống phá, xuyên tạc, phủ nhận những nỗ lực, cố gắng đó của nước ta. Chúng ta cần nhận thức đúng đắn trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động. Đồng thời, cần phải tích cực đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, âm mưu bẩn thỉu của chúng.
Hoàng Chung
Nguồn: Cánh cò