Thời gian gần đây có nhiều dư luận xung quanh ứng xử của hai thí sinh Việt Nam tham dự các cuộc thi Hoa hậu quốc tế. Có người khen, có người chê thiếu tinh tế, và cũng không thể thiếu ý kiến từ các “chuyên gia” cơ hội như Tiếng Dân News.
Bài viết mới của Tiếng Dân News tường thuật khá chi tiết về dư luận xung quanh hai thí sinh Việt Nam tham dự các cuộc thi hoa hậu quốc tế. Đầu tiên là tiết mục biểu diễn “Cô gái vót chông” tại Miss World 2021 của thí sinh Đỗ Thị Hà được nhiều người khen là thể hiện lòng tự hào dân tộc. Một số người khác trong đó có Tiếng Dân News cho rằng đó là thể hiện sự “thù hằn” của Việt Nam với nước Mỹ. Tiếp theo là hành động giơ 3 ngón tay của Hoa hậu Hòa bình Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị nhiều người trong nước đánh giá là thiếu tinh tế khi chọn một biểu tượng của các phong trào phản kháng chính quyền tại Thái Lan, Hồng Kong, Myanmar.
Về tiết mục biểu diễn của Đỗ Thị Hà, cần nói rõ đó là thể hiện lòng tự hào dân tộc trong một cuộc thi tầm cỡ thế giới. Không có lý gì người ta lại mang sự thù hằn đến một bữa tiệc vui như thế cả. Điều đó có thực sự là “xúc phạm” hay “thù hằn” nước Mỹ hay không? Hãy nhớ về những lễ kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít của Mỹ và châu Âu hàng năm, phát xít đó chính là các nước Đức, Nhật, Italia của năm 1945. Và bây giờ tất cả họ vẫn là đồng minh thân thiết. Nước Nhật hàng năm cũng có ngày kỷ niệm sự kiện hai thành phố Nagasaki và Hiroshima bị ném bom nguyên tử bởi nước Mỹ năm 1945. Và bây giờ họ vẫn là đồng minh.
Trong quan hê ngoại giao người ta thường nói “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, quá khứ đã qua không thể thay đổi, nhưng tương lai thì còn ở phía trước. Không quên quá khứ, hoặc đôi khi nhắc lại quá khứ cũng chẳng có gì to tát, bởi vì nó sẽ giúp người ta trân trọng những mối quan hệ hiện tại. Nhưng cũng nên nhớ đó là những quá khứ đã thực sự khép lại, đã đi qua và không còn ý nghĩa cho thời điểm hiện tại.
Vì sao hành động giơ 3 ngón tay của Thùy Tiên nên bị chỉ trích? Bởi vì nó là biểu tượng “nhạy cảm” trong thời gian hiện tại. Nó làm nhiều người liên tưởng đến các cuộc biểu tình, bạo loạn đẫm máu vừa mới diễn ra cách đây chưa lâu, và rõ ràng nó đang trở thành một biểu tượng không tốt. Cũng như ở nước Đức người ta cấm các biểu tượng liên quan đến phát xít, ở châu Âu và Mỹ cấm các hành vi phân biệt chủng tộc. Dù thế giới có phát triển và kết nối đến mức độ nào đi nữa, dù các nền văn hóa có cởi mở đến đâu thì vẫn luôn có những vùng cấm, những điều không nên làm. Ta không thể so sánh một thứ đã qua và khép lại với một thứ vẫn còn dai dẳng, nhạy cảm trong thời kỳ hiện tại.
Phải thừa nhận hành động của hai bạn thí sinh này xuất phát từ tuổi trẻ hơi bồng bột và có lẽ suy nghĩ chưa đủ sâu. Việc chưa đủ tinh tế khiến cho một số kẻ cơ hội lợi dụng, lấy cớ xuyên tạc. Bản chất của vấn đề nằm ở chỗ người trong cuộc thì có thể vô tư, hồn nhiên, người ngoài lại đủ ý tứ nhận xét trái chiều. Câu chuyện và bản chất chỉ có thế.
Tiếng Dân News chính trị hóa hành động của các thí sinh, và họ chính trị hóa luôn những bình luận khen chê của khán giả và các nhà báo. Rõ rằng họ chẳng muốn làm người tốt để khen chê hay nhắc nhở, mà mục đích chính của họ là chính trị hóa mọi việc, với mưu đồ chỉ để xuyên tạc và kích động chống phá mà thôi.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò