Vấn đề xã hội dân sự (XHDS) lâu nay được nhiều cá nhân, tổ chức, nhiều hãng thông tấn, báo chí nước ngoài quan tâm, bàn luận. Tuy nhiên, dù bàn nhiều nói nhiều, họ vẫn không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn là khăng khăng đòi hỏi mô hình theo kiểu các nước phương Tây vốn không phù hợp với Việt Nam.
Trong một vài bài viết mới đây, Việt Nam Thời Báo đặt vấn đề là xã hội dân chủ giúp củng cố phát triển và dân chủ, đóng góp cho sự phát triển. Họ lu loa rằng, Nhà nước chưa đủ mạnh nên Đảng phải ra cấm đoán. Bỏ qua những lập luận ngụy biện cổ súy của họ cho cái “phong cách dân chủ” theo kiểu phương Tây, thì có cảm giác họ luôn luôn tư duy một chiều. Đối với họ, dường như chỉ có một phương pháp duy nhất, đó là phương pháp chủ quan, duy ý chí của họ để tìm đến “chân lý”.
Nhưng không phải vậy, từ lâu các nhà triết học đã nói rõ rằng chỉ có thực tiễn mới là tiêu chuẩn của chân lý. Một mô hình hay tổ chức chỉ có thể phù hợp với một xã hội nào đó nếu nó đáp ứng được hai yếu tố, một là có hiệu quả, hai là phù hợp với những thứ còn lại. Cũng giống như một người mới tham gia một công ty, một tổ chức thì họ phải có năng lực và thái độ phù hợp. Công ước về các quyền dân sự chính trị (ICCPR) luôn kêu gọi củng cố các quyền con người cũng dành điều khoản đầu tiên để đề cao quyền tự quyết của mỗi dân tộc, tôn trọng tối đa luật pháp của mỗi nước. Điều đó là gì nếu không phải đề cập đến khái niệm về sự “phù hợp”?
Ở nước ta hiện có 380 hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, liên tỉnh, thành phố (so với 115 hội vào năm 1990); 18 tổ chức công đoàn ngành, 6.020 tổ chức ở cấp địa phương và hàng nghìn hiệp hội, câu lạc bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực xã hội. Các tổ chức này đã có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp chung vào phản biện chính sách và mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Có thể khẳng đinh mô hình xã hội dân sự mang bản sắc Việt Nam hoàn toàn đủ ưu việt để mang lại những hiệu quả cần thiết, dù có thể không “ưu việt” như những người sính ngoại thường cổ súy.
Mặt trái của mô hình “xã hội dân sự” theo kiểu phương Tây là “có thể trở thành lực lượng đối kháng với Nhà nước, là nòng cốt cho những cuộc bạo loạn, lật đổ chế độ xã hội, thậm chí có thể kết nối với các thế lực thù địch bên ngoài gây chiến tranh, làm tổn hại đến độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia”. Điều này đúc kết từ thực tiễn bao năm, qua những cuộc chiến và phong trào phá hoại ở Libya, Syria, Iraq do các chính quyền phương Tây phát động dưới cái mác mang “tự do và dân chủ”. Vì sao những loại hình “tự do dân chủ” phương Tây không thể bám rễ được ở các quốc gia đó kể cả trước, trong và sau chiến tranh dù hàng chục năm đã trôi qua? Bởi vì văn hóa, tôn giáo, đời sống tinh thần, thói quen… của người dân những nước đó không chấp nhận. Bởi vì xã hội của họ không chấp nhận những yếu tố ngoại lai đó. Vậy nếu ở Việt Nam, chúng ta đã có mô hình xã hội dân chủ đủ tốt của riêng mình thì tại sao phải áp dụng mô hình kiểu phương Tây?
Bản chất quan điểm về “xã hội dân sự” của các thế lực cơ hội chính trị còn thể hiện cái mà Đảng đã nhận diện từ lâu là “căn bệnh chủ quan, duy ý chí”. Trong bài viết “Xây dựng những con người của chủ nghĩa xã hội” từ năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay thế cho điều kiện thực tế.”
Cốt lõi của bệnh nóng vội, chủ quan duy ý chí là tuyệt đối hóa vai trò chủ quan, của ý chí con người trong cải tạo thực tiễn mà bỏ qua, ít tính đến điều kiện thực tiễn, coi thường hoặc thoát ly quy luật khách quan và xa rời thực tiễn. Xem cái cách lập luận, khen ngợi hết lời của Việt Nam Thời Báo đối với mô hình xã hội dân sự của phương Tây thì ta càng thấy rõ điều này. Họ không căn cứ trên các điều kiện thực tế của Việt Nam, kinh nghiệm thành công hay thất bại ở các quốc gia khác chỉ lập luận một chiều, và tư duy này chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại.
Hẳn nhiên, đó là khi chúng ta tranh luận một cách song phẳng, công khai cùng Việt Nam Thời Báo, chỉ e mục đích chính của họ không phải là tìm đến chân lý, mà là mưu toan lợi dụng cổ súy cho cái gọi là XHDS để nhằm mục đích chống phá chế độ của Việt Nam.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò