Trang chủ Tin tức Nhiều khó khăn trong phát hành, phổ biến phim cần được tháo...

Nhiều khó khăn trong phát hành, phổ biến phim cần được tháo gỡ

355
0

Hội nghị – hội thảo “Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim” đã diễn ra theo hình thức trực tuyến tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh ngày 8/12. Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Nhiều khó khăn trong phát hành, phổ biến phim cần được tháo gỡQuầy bán vé tại rạp CGV Vincom Đồng Khởi (Quận 1) vắng vẻ. Ảnh minh họa: Thu Hương/TTXVN

Phát biểu dề dẫn hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Thị Thu Hà nêu rõ: Trải qua 65 năm, nghệ thuật điện ảnh Việt Nam luôn song hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, nhiều tác phẩm điện ảnh đã ghi dấu ấn sâu sắc, được công chúng trong nước, quốc tế đánh giá cao. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tạo cơ sở vững chắc cho nền công nghiệp điện ảnh. Trong đó, công tác phát hành, phổ biến phim – đầu ra của điện ảnh chiếm vị trí thiết yếu, ảnh hưởng sâu rộng và tác động trực tiếp trong giáo dục chính trị, tư tưởng, thẩm mỹ cho công chúng, làm phong phú hơn cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Nếu thiếu vắng công tác này thì các tác phẩm điện ảnh sẽ không đến được với công chúng và không phát huy được giá trị.

Theo thống kê của Cục Điện ảnh, cả nước hiện có 5 cơ sở phát hành có vốn của Nhà nước; 7 cơ sở có vốn nước ngoài thường xuyên tham gia hoạt động phổ biến, phát hành phim. Số lượng các đơn vị phát hành và phổ biến phim tăng dần theo các năm, nhất là khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường điện ảnh. Trên thị trường phim điện ảnh chiếu rạp, số lượng phim Việt Nam chiếu tại các rạp như sau: Năm 2015 có 41 phim, năm 2016 là 42 phim, năm 2017 – 2018, mỗi năm có 37 phim, năm 2019 có 41 phim và đến năm 2020, do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, chỉ có 36 phim.

Số lượng phim Việt Nam chiếm 20,5% tổng số phim được phát hành tại rạp năm 2020, thu về hơn 40% tổng doanh thu phim chiếu rạp. Số lượng doanh thu phòng vé tăng nhanh trong những năm gần đây, cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao trên thế giới. Điện ảnh đã trở thành một trong những ngành có điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng, gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới cũng như đem lại lợi ích kinh tế.

Rất nhiều đại biểu lên tiếng chia sẻ về thực tế là những năm trở lại đây, các cụm rạp, phòng chiếu của nước ngoài chiếm thị phần lớn, công nghệ hiện đại, đầu tư bài bản đã có những tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường điện ảnh nước ta. Có vấn đề nan giải là phim Việt Nam gặp khó khăn để vào được hệ thống rạp của nước ngoài. Khi vào rạp thì suất chiếu cũng ở mức tối thiểu và chịu tỷ lệ phân chia không công bằng, khiến người làm phim Việt Nam gặp khó khăn khi thu hồi vốn.

Thống kê cho thấy, số lượng cụm rạp chiếu của một số công ty nước ngoài tại Việt Nam là: CGV chiếm 43% thị phần, Lotte chiếm khoảng 30%, Platinum chiếm 10%. Hai công ty tư nhân của Việt Nam là Galaxy chiếm 9%; BHD chiếm 6%. Hệ thống rạp chiếu của Nhà nước chỉ có 2%. Tại các đô thị lớn đều có cụm rạp của  CGV và các khu dân cư đông đúc, các đô thị mới, đều có cụm rạp của Lotte. Cụ thể, ở Hà Nội, Nhà nước chỉ sở hữu Trung tâm Chiếu phim Láng Hạ. Còn rạp Tháng Tám, một thời là địa điểm văn hóa điện ảnh sang trọng của Thủ đô nay hoạt động chưa hết công suất. Đặc biệt, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hệ thống rạp chiếu phim tại các thành phố lớn bị hưởng nghiêm trọng, phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng trong thời gian giãn cách xã hội. Tháng 5/2020, sau khi được phép mở cửa trở lại, dù có nhiều chính sách khuyến  mại, kích cầu nhưng số lượng khán giả đến rạp, doanh thu chỉ đạu gần 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Cục Điện ảnh và nhiều đại biểu nhận định: Thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh nhưng chưa phải là thị trường điện ảnh bền vững. Vì hơn 70% doanh thu thị trường điện ảnh đến từ  phim nước ngoài, doanh thu phim trong nước chiếm dưới 30%. Có thể nói là hoạt động phát hành, phổ biến phim còn gặp nhiều hạn chế về chính sách, nhân lực, đầu tư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị…, nên chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng, nội lực sẵn có cho thấy Việt Nam còn giữa khoảng cách khá xa trên con đường hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và Việt Nam đang phải gánh chịu tổn thất do đại dịch COVID-19 bùng phát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực điện ảnh – một trong những trị cột của ngành công nghiệp văn hóa mang lại giá trị kinh tế.

Các đại biểu cũng cho rằng, để phát triển lên tầm cao mới trong thời gian tới, trở thành trụ cột của ngành công nghiệp văn hóa đòi hỏi ngành ngành điện ảnh Việt Nam nói chung, hoạt động phát hành, phổ biến phim nói riêng cần đánh giá lại sự cân xứng trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến phim để định hướng, xây dựng, cập nhật chính sách mới; tạo dựng hành lang pháp lý phù hợp nhằm tăng hiệu quả quản lý các hoạt động điện ảnh trên cả nước.

Thanh Giang  (TTXVN)

Nhiều khó khăn trong phát hành, phổ biến phim cần được tháo gỡ

‘Mắt biếc’ đoạt giải Bông sen Vàng thể loại phim Truyện điện ảnh

Tối 20/11, tại Nhà hát Sông Hương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Lễ bế mạc và trao giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây