Trang chủ Luận bàn - Phản biện Hãy dùng sức mạnh để chấm dứt hành vi “tắt tiếng” Quốc...

Hãy dùng sức mạnh để chấm dứt hành vi “tắt tiếng” Quốc ca!

258
0

Có thể nói, đêm qua là lần đầu tiên trong lịch sử xem trực tuyến bóng đá của đội tuyển Việt Nam mà người dân không thể nghe được đội tuyển của mình hát Quốc ca – bị tắt tiếng bởi bản quyền ca khúc do công ty tư nhân BH Media nắm giữ. Bức xúc, tổn thương và phản ứng dữ dội – đó là thái độ chung của tất cả người dân. Hàng loạt câu hỏi đặt ra đằng sau vụ việc này?

Hãy dùng sức mạnh để chấm dứt hành vi “tắt tiếng” Quốc ca!
Hình ảnh dòng chữ ngắt tiếng bài hát Quốc ca trên màn hình.

Quốc ca bị ngắt tiếng vì lý do bản quyền

Quốc ca Việt Nam – ca khúc đã được Hiến định rõ ràng, thuộc sở hữu của toàn dân. Nhưng trớ trêu thay, bản ghi âm hiện nay mà mọi người sử dụng, bản quyền lại thuộc về BH Media. Nghiễm nhiên ai muốn sử dụng bản ghi âm Quốc ca thiêng liêng của Tổ quốc trên nền tảng số, dù chỉ một đoạn ngắn cũng phải được sự cho phép của BH Media.

Điều đáng nói, Quốc ca Việt Nam bị công ty tư nhân BH Media đánh bản quyền trên nền tảng số – đây không phải là lần đầu tiên diễn ra. Mà trước đó đã có rất nhiều phản ứng, tiếng nói lên án khi công ty BH Media đánh bản quyền sở hữu bản ghi âm Quốc ca ngay trong lễ Quốc Tang của Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, Quốc Tang của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp truyền hình trực tiếp trên sóng quốc gia – một nghi lễ quan trọng, trang nghiêm tiễn đưa vị lãnh đạo của đất nước. Hành vi này với người dân Việt Nam là sự xúc phạm nghiêm trọng, để lại nhiều tổn thương và chẳng thể nào chấp nhận.

Tại sao một công ty tư nhân như BH Media lại được phép ngang nhiên đánh bản quyền Quốc ca của Việt Nam trên nền tảng số, mà không ai làm gì được trong suốt thời gian qua? Trên lý thuyết, bản ghi âm Quốc ca được sử dụng hiện nay thuộc bản quyền của Hồ Gươm Audio – một công ty kinh doanh Mỹ thuật và vật phẩm Văn hóa. BH Media được Hồ Gươm Audio ủy quyền bảo vệ tác quyền. Nghĩa là bất kỳ ai sử dụng bản ghi âm Quốc ca này của Hồ Gươm Audio trên đều phải xin phép. Về tác quyền thì Hồ Gươm Audio và BH Media được thực hiện điều đó.

Tuy nhiên, điều không thể chấp nhận được ở đây là: Việt Nam không có một bản ghi âm Quốc ca nào chất lượng thuộc sở hữu của toàn dân trên nền tảng số. Bản ghi âm chất lượng và thông dụng, được sử dụng nhiều nhất lại thuộc bản quyền của công ty tư nhân.

Bất cập này dẫn đến thực trạng nghịch lý: Bản ghi âm Quốc ca của toàn dân lại trở thành độc quyền trong tay một đơn vị cá nhân và ai muốn sử dụng bản ghi âm Quốc ca chuẩn nhất đều phải dùng bản này của BH Media, hoàn toàn không có sự lựa chọn.

Hãy dùng sức mạnh để chấm dứt hành vi “tắt tiếng” Quốc ca!
Thông báo tắt tiếng Quốc ca trên YouTube ngày 6/12. (Ảnh chụp màn hình)

Cần xử lý kịp thời

Đồng ý rằng bản quyền bản ghi âm Quốc ca hiện nay mà toàn dân sử dụng thuộc về Hồ Gươm Audio, BH Media. Nhưng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với vai trò là cơ quan quản lý cao nhất của Nhà nước về Văn hóa, được trao quyền bảo vệ tác phẩm Quốc ca, thì hoàn toàn không khó để thương thảo với BH Media – một đơn vị tư nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, để mua lại nền nhạc Quốc ca và phát hành lại dưới dạng giấy phép mở (CC0) để toàn dân đều được sử dụng hợp pháp.

Nếu như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thương thảo, thỏa thuận không thành công với đơn vị BH Media đang sở hữu bản ghi âm Quốc ca này để mua tác quyền, để toàn dân sử dụng, thì có một cách khác. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoàn toàn có thể chủ động hơn trong việc sản xuất, thực hiện một bản ghi âm mới để cả nước và các sự kiện trọng đại đều dùng. Chúng ta không nhất thiết cứ “cắm mặt” dùng phiên bản ghi âm của Hồ Gươm Audio và nghiễm nhiên để BH Media thao túng bản quyền ghi âm Quốc ca Việt Nam một cách nhố nhăng như suốt thời gian qua.

Về việc sản xuất bản ghi âm mới cho Quốc ca Việt Nam, toàn dân tin rằng: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dư sức phát động một dự án thu âm vô cùng ý nghĩa này, cũng dư sức thực hiện một bản ghi âm chất lượng, mang tính toàn dân. Và chắc chắn, khi Bộ phát động, tất cả người dân đều hào hứng tham gia dự án này với tất cả niềm tự hào dân tộc.

Rõ ràng, để chuyện nhiễu nhương cho phép một công ty tư nhân thao túng Quốc ca của Việt Nam là điều không thể nào chấp nhận được nữa. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có động thái mạnh mẽ và dứt khoát, để xử lý những lỗ hổng nghiêm trọng. Quan trọng hơn hết, Quốc ca là biểu tượng của quốc gia, dân tộc, cơ quan quản lý không thể nào dửng dưng để thể diện của Quốc gia bị đem ra làm trò đùa như thế mãi được.

Hãy dùng sức mạnh để chấm dứt hành vi “tắt tiếng” Quốc ca!
Tiến Quân Ca – Quốc ca là ca khúc được thu thanh trước 1975. Đây là ca khúc đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhân dân và Tổ quốc, đã được Hiến định

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam! 

Sáng 7/12, Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã làm việc với các cơ quan liên quan về sự cố doanh nghiệp ngắt âm thanh Quốc ca Việt Nam trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020, ngày 6/12/2021, trên một số nền tảng số trái quy định pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ quan điểm:

Ca khúc Tiến quân ca là Quốc ca của Việt Nam. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và phải thực hiện các biện pháp cần thiết gìn giữ phát huy giá trị của Quốc ca.

Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.

Tường Vi 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây