Trang chủ Luận bàn - Phản biện Bàn về khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” và “hồng...

Bàn về khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” và “hồng trước, chuyên sau”

234
0

Vừa qua, giáo sư Trần Ngọc Thêm đưa ra quan điểm bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã làm dấy lên nhiều luồng ý kiến tranh cãi phản biện. Đó chỉ đơn thuần là một quan điểm học thuật, nếu phù hợp sẽ được áp dụng, sai thì sẽ bị đào thải. Thế nhưng lại có những người té nước theo mưa, móc nối vào câu khẩu hiệu “vừa hồng vừa chuyên” trong công tác đào tạo cán bộ ra để chỉ trích.

Bàn về khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” và “hồng trước, chuyên sau”

Những cuộc tranh luận về câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” đã diễn ra từ lâu, song hành với quá trình cải cách liên tục nhiều năm qua của ngành giáo dục. Và kết quả sau tất cả những cuộc tranh luận đó là người ta không tìm ra đủ lý do để loại bỏ, cũng không thể tìm ra câu khẩu hiệu nào tốt hơn.

Lần này, giáo sư Trần Ngọc Thêm đưa ra lý giải: “Bởi vì khẩu hiệu Tiên học lễ, hậu học văn là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo, phục vụ cho mục tiêu đào tạo người thừa hành, coi việc đòi hỏi người dưới phải phục tùng và giữ “lễ” với người trên là yêu cầu số 1. Một nguồn nhân lực như vậy giỏi lắm chỉ có thể giữ cho xã hội ổn định, chứ không thể giúp xã hội phát triển”. Áp vào việc xây dựng triết lý giáo dục: “Muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo. Để sáng tạo, phải chủ động và có tư duy phản biện” cho nên ông đề xuất loại bỏ câu cách ngôn “Tiên học Lễ, hậu học Văn” ra khỏi trường học. Quan điểm này làm dấy lên nhiều ý kiến phản bác trong xã hội, thể hiện đây là một vấn đề có ảnh hưởng to lớn. Và các thế lực thù địch như Việt Tân cũng không bỏ lỡ cơ hội tham gia, nhưng bằng một cách thức lươn lẹo, bác bỏ quan điểm của giáo sư Thêm nhưng lại lái vấn đề sang câu khẩu hiệu “vừa hồng vừa chuyên” vốn dùng trong công tác đào tạo cán bộ.

Khái niệm “hồng” và “chuyên” thực chất không xa rời “tiên học lễ, hậu học văn” về mặt ngữ nghĩa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lớp người xây dựng chủ nghĩa xã hội phải vừa “hồng”, vừa “chuyên”, chính là vừa phải có đạo đức, vừa phải có trình độ chuyên môn. Nói cụ thể là phải có đức và tài. Đảng ta yêu cầu một cán bộ phải có đủ trình độ cả hai lĩnh vực chính trị và chuyên môn, trong đó cái gốc là chính trị, chuyên môn là quan trọng. Câu nói “hồng trước chuyên sau”, “hồng thắm thì chuyên mới thâm” không phải chỉ là tiêu chuẩn cho một cán bộ thời chiến mà ngay trong hòa bình xây dựng, trình độ khoa học kỹ thuật phát triển cao, một cán bộ tốt vẫn phải có đủ hai yếu tố hồng và chuyên. Nếu chỉ có hồng mà không có chuyên sẽ không đáp ứng được nhu cầu phục vụ hay lãnh đạo. Nếu chỉ đơn thuần chuyên môn mà không có trình độ chính trị thì không khác gì con người chỉ đứng một chân, sẽ không vững vàng. Có trình độ chính trị là điều kiện cho chuyên môn phát triển.

Bàn về khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” và “hồng trước, chuyên sau”

Nhìn rộng ra, ta nhận thấy những lý lẽ phê bình “tiên học lễ, hậu học văn” hay “hồng và chuyên” phản ánh một kiểu tư duy chủ quan, duy ý chí của những người làm học hay các “chuyên gia” thích lý luận. Để có một luận cứ và quan điểm vững chắc, người ta cần có thế giới quan đủ lớn và một tư duy giải quyết vấn đề đủ sâu. Bàn về lễ, hãy nhìn sang Nhật Bản. Bàn về trật tự trên dưới, hãy nhìn người Hàn Quốc. Và muốn chê bai về Nho giáo, hãy nhìn người Trung Quốc. Những quốc gia này đều phát triển mạnh mẽ nhờ duy trì cái gốc văn hóa của dân tộc và học hỏi hòa hợp chứ không hòa tan với văn hóa phương Tây. Một nhà khoa học như giáo sư Thêm lại thiếu đi tầm nhìn, thế giới quan của các nhà lãnh đạo nên có vẻ ông chưa thật hiểu khái niệm “xã hội phát triển” là gì, và những “chuyên gia hóng hớt” của Việt Tân vốn quen ném đá hội nghị thì tư duy càng què cụt. Người ta đang tư duy theo kiểu muốn làm một con diều dễ bay lên, bằng cách cắt bỏ bớt bộ phận để giảm trọng lượng, nhưng những con diều như thế sẽ chỉ bay được không quá xa lũy tre làng.

Việt Nam hiện nay là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, và chúng ta cũng đã đạt được vị thế chưa từng có trong lịch sử, với nhiều tiềm năng ở phía trước. Càng phát triển, càng ở vị thế cao, chúng ta càng cần tôn vinh văn hóa dân tộc, bản sắc của người Việt Nam, không thể chạy theo những quan điểm học đòi phương Tây. Quan điểm đòi bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn” để sáng tạo, chủ động, có tư duy phản biện và lý lẽ đòi bỏ “vừa hồng vừa chuyên”, chống phá, bôi nhọ thể chế chính trị Việt Nam tiếc hay đều trùng hợp ở quan điểm đề cao một cách thái quá văn hóa phương Tây, nhưng lại dựa trên những hiểu biết hời hợt. Cần giữ gìn với “Tiên học lễ, hậu học văn”, “hồng trước chuyên sau” và coi đó như niềm tự hào về bản sắc dân tộc.

An Diễm


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây