Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, sau khi rà soát tất cả điều kiện, TP Hồ Chí Minh tự tin với hệ thống nền tảng y tế, kinh nghiệm ứng phó của các doanh nghiệp, nhận thức của cộng đồng và đặc biệt đã có tỉ lệ tiêm vaccine cao để sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại.
Tất cả đã sẵn sàng
Tại buổi tọa đàm mới đây giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và đại diện các đại sứ quán, lãnh sự quán cùng biên tập viên, phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài thường trú tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, việc đón khách quốc tế quay trở lại TP Hồ Chí Minh là xu thế tất yếu để từng bước phục hồi ngành “công nghiệp không khói”.
“Trước đại dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch của cả nước. Năm 2019, TP Hồ Chí Minh đón hơn 8,6 triệu khách quốc tế, chiếm 50% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đóng góp gần 11% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Gần 2 năm qua, đại dịch hoành hành, những người làm trong ngành du lịch chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày hàng loạt công ty kinh doanh du lịch, khách sạn lớn nhỏ, các dịch vụ ăn uống, các khu đón khách tham quan, mua sắm gần như đóng cửa toàn bộ; các nhân viên làm du lịch phải tìm kiếm nghề khác mưu sinh”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết.
Du khách trải nghiệm đạp xe trong tour mới “Bình Chánh – những điều chưa kể” .
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, TP Hồ Chí Minh đang hội đủ điều kiện cần thiết để đón du khách. Đó là người dân (18 tuổi trở lên) đã được tiêm vaccine mũi 1 đạt tỷ lệ gần 100%, mũi 2 đạt tỷ lệ trên 90%. Bên cạnh đó, hệ thống y tế TP Hồ Chí Minh đã sẵn sàng nhân lực, vật lực, trang thiết bị, vật tư y tế và có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh trong phòng, chống dịch COVID-19. Số ca tử vong và chuyển nặng trên địa bàn đã giảm mạnh, hệ thống y tế không còn quá tải…
Đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, tham gia đón khách đều tuân thủ các quy định về an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Tất cả người lao động tham gia trực tiếp vào quy trình đón, phục vụ du khách được tiêm đủ liều vaccine; thực hiện thông điệp “5K” trong quá trình làm việc; thiết lập đường dây nóng, bố trí cán bộ, người lao động làm đầu mối thông tin hỗ trợ khách; tập huấn an toàn, hướng dẫn khách xét nghiệm nhanh, lưu giữ kết quả… Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú chủ động bố trí phòng hoặc khu vực cách ly tạm thời các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như vậy, tôi tin TP Hồ Chí Minh có thể tổ chức đón khách du lịch quốc tế, khai thác hiệu quả mùa cao điểm của du lịch quốc tế (mùa trú đông, đón Giáng sinh, năm mới 2022, Tết Nguyên đán, các sự kiện du lịch MICE cuối năm và đầu năm…). Từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế của Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng, góp phần khôi phục ngành du lịch và các ngành kinh tế dịch vụ liên quan”, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Du khách nước ngoài rất thích văn hóa, ẩm thực của người dân Việt Nam.
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist cho biết, TP Hồ Chí Minh đã hoàn toàn đủ điều kiện để đón khách quốc tế ngay từ bây giờ, cùng nhịp với 5 địa phương đang chuẩn bị thí điểm là Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh. Về tiêu chí y tế, ngoài tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 trong dân khá cao, đặc biệt sau khi trải qua 4 tháng chống chọi với dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh đã có rất nhiều kinh nghiệm; hạ tầng dịch vụ chăm sóc người nhiễm bệnh cũng tốt hơn các địa phương rất nhiều. Đối với cơ sở hạ tầng là du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng 4 – 5 sao, đội ngũ nhân lực tại TP Hồ Chí Minh đều có sẵn và chỉ chờ đón khách. Chưa kể, một lợi thế rất lớn của TP Hồ Chí Minh là sân bay Tân Sơn Nhất – 1 trong 2 cửa ngõ chính đón khách du lịch quốc tế tới TP Hồ Chí Minh.
“Mọi hạ tầng, hệ thống cung ứng dịch vụ du lịch của TP Hồ Chí Minh đều đã sẵn sàng, Chính phủ nên xem xét cho phép TP Hồ Chí Minh mở cửa đón khách quốc tế cùng đợt thí điểm với 5 tỉnh, thành đã được phê duyệt. Vấn đề là hiện nay cần đẩy nhanh xây dựng quy trình pháp lý trong việc đón, nhận khách như thủ tục xuất nhập cảnh, bộ quy trình y tế… Những thủ tục này cần ban hành trước để các doanh nghiệp nghiên cứu điểm đến, tour tuyến và quảng bá, mời gọi đối tác”, ông Nguyễn Hữu Y Yên đề xuất.
An toàn tới đâu mở cửa tới đó
Trong khi đó, ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour – Luxury cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ đi đầu cả nước trong tiến trình bắt nhịp lại cuộc sống trong giai đoạn bình thường mới. Các hoạt động ăn uống, tham quan, giao lưu, sinh hoạt cộng đồng… của TP Hồ Chí Minh cũng sẽ nhanh chóng được hoạt động lại sớm. Đặc biệt, các công ty đón khách quốc tế lớn hầu hết đều nằm ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những công ty hiện đảm nhận việc đón khách quốc tế tới thí điểm tại Phú Quốc, Quảng Ninh hay Quảng Nam… đều là các công ty từ trước đến nay nhận nhiệm vụ chuyển tiếp, cung ứng dịch vụ tại địa phương, không phải đơn vị trực tiếp nhận nguồn khách lớn từ nước ngoài.
TP Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng để đón khách quốc tế trong dịp cuối năm.
“Các công ty lớn ở TP Hồ Chí Minh có hàng trăm, hàng ngàn đối tác nước ngoài nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng đủ lớn để thực hiện các chuyến charter bay thẳng tới Phú Quốc, Đà Nẵng. Nếu chỉ vài công ty làm thí điểm như vậy thì không giải được bài toán du lịch đúng nghĩa. Muốn khách đông thì phải mở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng – những nơi có sân bay, có khả năng đón khách lớn. Mở chuyến bay thương mại áp dụng hộ chiếu vaccine, tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đón khách quốc tế mới giải quyết được bài toán nguồn khách khi Việt Nam mở cửa du lịch quốc tế. Đối với TP Hồ Chí Minh, muốn thu hút khách quốc tế trở lại, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh cần tập trung hoàn thiện những sản phẩm hiện có và phát triển các sản phẩm này để các công ty lữ hành có sản phẩm giới thiệu với du khách nước ngoài. Ngoài việc phát triển các sản phẩm, các dịch vụ đi kèm cũng cần nâng chất hơn với nhiều trải nghiệm và tiện ích phù hợp với du khách quốc tế trong giai đoạn bình thường để đảm bảo an toàn phòng dịch trong ngành du lịch”, ông Trần Thế Dũng đề xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, vừa qua, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh liên tục thực hiện các tour du lịch khảo sát về huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi… để làm mới thêm nhiều sản phẩm du lịch nội thành nhằm đón khách trở lại dịp cuối năm. Trong đó, các tuyến điểm Hóc Môn, Bình Chánh là điểm đến mới nhất sắp được đưa vào khai thác vào dịp cuối năm. Thực tế, TP Hồ Chí Minh vẫn còn rất nhiều điểm, nhiều nơi khách du lịch chưa tìm hiểu, nhiều làng nghề dân gian đưa vào sản phẩm du lịch hấp dẫn để đón khách trong và ngoài nước để ngành du lịch khôi phục mạnh mẽ sau dịch bệnh.
Ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đang thực hiện khảo sát tour du lịch “Bình Chánh – Những điều chưa kể” với các điểm tham quan như: Khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò, khu truyền thống cách mạng Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bát Bửu Phật Đài (Chùa Phật cô đơn), làng nghề làm nhang gần 100 năm ở xã Lê Minh Xuân, Công viên Văn hóa Láng Le… để chuẩn bị đưa vào chương trình tour mới trong dịp cuối năm 2021.
Theo ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, việc tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác, đồng thời là mắt xích quan trọng để tháo gỡ những khó khăn trong lĩnh vực kinh tế. Trước bối cảnh TP Hồ Chí Minh từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, các “vùng xanh” dần được mở rộng, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã chủ động tham mưu, nỗ lực mở lối đi bình thường mới với kế hoạch phục hồi du lịch giai đoạn cuối năm 2021 và năm 2022. Theo lộ trình mở cửa du lịch của TP Hồ Chí Minh, đến đầu 2022, TP Hồ Chí Minh mới khôi phục tất cả các hoạt động và sản phẩm du lịch, trong đó có du lịch quốc tế. Sau giai đoạn thử nghiệm thí điểm các tour Cần Giờ, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đang tăng tốc bám sát kế hoạch phục hồi ngành du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn COVID-19 đến năm 2022 trên nguyên tắc “an toàn đến đâu mở cửa tới đó” kể cả việc đón khách quốc tế.
Nguồn: Báo Tin tức