Ở bất kỳ chế độ chính trị nào, nếu còn tồn tại Nhà nước thì chắc chắn sẽ tồn tại nguy cơ tham nhũng. Tuy nhiên, các đối tượng chống đối lại cố tình đánh lận bản chất vấn đề, xuyên tạc công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam, đổ lỗi cho rằng việc xảy ra tham nhũng là do lỗi của thể chế chính trị, đòi đa nguyên đa đảng…
Gần đây, Việt Nam Thời báo lại rêu rao bài viết với tiêu đề “Việt Nam chống tham nhũng bằng đề cao Nhân – Nghĩa – Lễ”. Trong đó, những luận điệu độc hại, sai trái đã được tung ra như: “Sở dĩ Việt Nam không thể chống tham nhũng như các quốc gia khác bằng việc chọn pháp trị… vì lẽ rất đơn giản là thể chế chính trị ở Việt Nam không có yếu tố cạnh tranh giữa các đảng phái, nên cũng không mấy đặt nặng phổ thông đầu phiếu từ dân chúng”, “tham nhũng quyền lực trong thể chế chính trị đơn nguyên là rất dễ dàng, vì thiếu hẳn sự giám sát mang yếu tố cạnh tranh về sức ảnh hưởng với dân chúng giữa các đảng phái chính trị”, “còn độc quyền báo chí nên dân chúng không được đáp ứng về chuyện yêu cầu cả Chính phủ lẫn Đảng phải minh bạch mọi vấn đề”…
Trong báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế về Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2020, bức tranh tham nhũng vẫn là những “mảng xám”. Cũng theo Tổ chức này, hơn 2/3 trong số 180 quốc gia được đánh giá chỉ đạt điểm dưới 50 trên thang điểm 100 về tham nhũng. Nói vậy để thấy tham nhũng là vấn nạn chung của tất cả các quốc gia, bất kể họ theo chế độ chính trị nào. Chính vì vậy, đa nguyên, đa đảng không phải là điều kiện, thước đo, tiêu chuẩn, hình mẫu cho công tác phòng, chống tham nhũng. Ngược lại, không phải cứ chế độ đơn đảng sẽ diễn ra tham nhũng nhiều hơn.
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam được đẩy mạnh. Chúng ta vừa “phòng”, vừa “chống”. Những kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam là không thể phủ nhận. Trong giai đoạn từ năm 2013 đến đầu năm 2021, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ/24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ/22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Nhiều cán bộ cấp tướng, lãnh đạo cấp Bộ, người đứng đầu các địa phương khi có hành vi tham nhũng đã bị đưa ra xét xử một cách công khai, kết án nghiêm minh. Vậy lý do gì các “nhà bình loạn” lại quy chụp Việt Nam không chống tham nhũng bằng pháp trị?
Thực tế, các đối tượng xấu vẫn luôn chọc ngoáy, công kích công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam. Mục đích của chúng là gieo rắc sự hoài nghi trong quần chúng, hướng lái người dân nghĩ rằng tham nhũng là bản chất của chế độ, để tiến hành âm mưu đa nguyên, đa đảng ở Việt Nam.
Bảo An
Nguồn: Cánh cò