Trang chủ Chính trị “Chúng ta càng làm quyết liệt chống tham nhũng, họ càng chống...

“Chúng ta càng làm quyết liệt chống tham nhũng, họ càng chống phá”

251
0

Đánh giá về công cuộc phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. 

Quan điểm này của người đứng đầu Đảng ta đã được tuyệt đại đa số ý kiến người dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Vậy nhưng, vẫn tồn tại những suy nghĩ, quan điểm cho rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhằm đấu đá phe nhóm, triệt hạ cán bộ.

“Giải mã” những suy nghĩ lệch lạc này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết, chúng ta càng đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thì những người thiếu thiện chí càng đẩy mạnh chống phá.

Xuyên tạc cuộc đấu tranh chống tham nhũng để hòng xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín thì chúng ta càng làm tốt, họ càng chống phá. Đó là bản chất, là thuộc tính của họ.

Thứ nhất, họ mượn chuyện tham nhũng để hướng vào chống phá chế độ. Họ cho rằng “tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam, bản thân bộ máy đẻ ra tham nhũng, do xã hội thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công”.

Thực chất của những giọng điệu ấy chỉ là lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng để xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu, hòng xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam.

Thứ hai, thông qua tham nhũng để chĩa mũi nhọn chống phá Đảng. Họ cho rằng, tham nhũng là căn bệnh kinh niên của “chế độ độc đảng cầm quyền”, “do đảng cầm quyền độc đoán cai trị nên tình trạng tham nhũng tất yếu xảy ra…”; và rồi vòng vo thế nào, họ cũng sẽ kết luận kiểu như “căn nguyên tạo ra tham nhũng là do đảng đứng trên pháp luật. Vì thế, phải thực hiện đa đảng để không còn hoặc là hạn chế tham nhũng”. Họ phủ định kết quả to lớn và quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta khi lớn tiếng “phán” rằng: “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam không thể thành công”. Tất cả những lời lẽ xuyên tạc đó mục đích chính vẫn là để phủ định, hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng.

“Chúng ta càng làm quyết liệt chống tham nhũng, họ càng chống phá”
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tín, Tổng cục Chính trị, Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Thứ ba, qua chống tham nhũng để chống phá công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ của Đảng. Họ cho đây là “cuộc chiến nội bộ đã đẩy nhiều cán bộ vào bi kịch, oan nghiệt”, triệt để khai thác đời tư cán bộ, thêu dệt, gán ghép tạo sự tò mò, hiếu kỳ, đổ đồng, cào bằng, biến sai phạm phải xử lý của cá nhân một số cán bộ thành bản chất mặc định của cả đội ngũ, cố tình quy chụp, cho đó là “sự thất bại nặng nề của công tác nhân sự mà Đảng lãnh đạo”.

Thứ tư, họ xuyên tạc mục đích, phủ nhận thành quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng, cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là sự “đấu đá”  do ý muốn chủ quan của cá nhân, vì lợi ích của một nhóm người; lập lờ “đánh lận con đen”, xuyên tạc hòng biến việc xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực và cán bộ sai phạm ở nước ta thành chuyện “thanh trừng nội bộ, triệt tiêu phe cánh”.

Từ những thông tin cóp nhặt trên mạng xã hội, họ thêm mắt, thêm râu, cắt xén, nhào nặn, tưởng tượng, dựng nên câu chuyện về các phe nhóm nội bộ ở Trung ương và địa phương, cấp tiến và bảo thủ, miền Nam và miền Bắc…Họ cho rằng, các biện pháp chống tham nhũng của Việt Nam là nửa vời, “làm lấy lệ”, “chỉ tắm từ vai”, chỉ để “đánh bóng tên tuổi”…

Khi công tác chống tham nhũng chưa mang lại kết quả như mong muốn, họ lớn tiếng rằng, Đảng, Nhà nước ta không chịu chống tham nhũng; khi công tác này mang lại những kết quả quan trọng thì họ lại cho rằng, việc chống tham nhũng không được sự ủng hộ của người này, nước kia. Họ thường suy diễn, chụp mũ, xuyên tạc những ý kiến chỉ đạo chống tham nhũng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước…

Những giọng điệu ấy nhằm xuyên tạc mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của cuộc đấu tranh này; gây phân tâm trong xã hội, làm giảm sút ý chí, quyết tâm phòng chống tham nhũng và lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân do chưa hiểu đúng, hiểu rõ về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước nên hoài nghi, có những phát ngôn lệch lạc, làm ảnh hưởng đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

“Chúng ta càng làm quyết liệt chống tham nhũng, họ càng chống phá”
Chống tham nhũng: “Chúng ta càng làm quyết liệt, họ càng chống phá”

Họ đẩy mạnh tuyên truyền để chống phá công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay với các thủ đoạn như: rỉ tai, kể chuyện ngụ ngôn, tiếu lâm chính trị. Vì mục đích xuyên tạc nên các chiêu thức như tung hỏa mù, đơm đặt, bơm phồng, bôi đen, biến “không” thành “có”, ít xít ra nhiều, nhặt nhạnh hiện tượng, quy nạp, quy chụp thành bản chất, rồi đổ đồng, cào bằng…

Họ đăng tải những thông tin thật – giả lẫn lộn, tạo dựng các chiến dịch truyền thông, triệt để khai thác thông tin lề trái, thông tin cũ, thông tin cắt ghép, giật tít, làm mới, “làm nóng” vấn đề để câu view; tổng hợp tin tức từ các báo chính thống sau đó tinh vi cài một phần thông tin xấu độc vào, tạo nên cái gọi là “tài liệu chứng minh” để tạo ra sự khách quan.

Họ triệt để khai thác truyền thông báo chí như BBC, RFI, VOA tiếng Việt, đăng tin, phản ánh sai sự thật, ngụy tạo, che lấp bằng một vài thông tin, sự kiện tỏ vẻ “trung thực”, lồng ghép có chủ ý, đưa vào những thông tin, tài liệu không có thật, trái với bản chất sự việc, nhằm đầu độc, dẫn dắt, chi phối người đọc theo chủ kiến chính trị đã bày đặt của chúng.

Họ lập ra hàng ngàn Website, Blog, Fanpage, Facebook.., triệt để lợi dụng tính năng và lợi thế của mạng xã hội, công nghệ truyền thông hiện đại, cắt ghép, kỹ thuật, kỹ xảo, đưa thông tin lan truyền nhanh, dễ chia sẻ, liên kết, tương tác tăng hiệu ứng xã hội. Gần đây, họ khai thác nhiều hơn hình thức livestream và các nền tảng Youtube, Tiktok…

“Chống tham nhũng, không phải cốt xử nhiều là tốt”

Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII khẳng định “Thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”. Quan điểm trước sau như một của Đảng ta là sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, không có “vùng cấm”. Không phải đến bây giờ Đảng ta mới nghiêm minh như thế mà đó là xuyên suốt, nhất quán.

Từ năm 2013 đến 2020, cả nước đã có hơn 1.900 vụ án tham nhũng bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử; 131.000 đảng viên, trong đó có hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, 30 sĩ quan cấp tướng thuộc lực lượng vũ trang) đã bị xử lý kỷ luật.

6 tháng đầu năm 2021, liên quan đến tham nhũng đã có 266 vụ/646 bị can bị khởi tố, điều tra; 250 vụ với 643 bị can bị truy tố; 214 vụ với 525 bị cáo bị xét xử sơ thẩm. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã kiểm tra, xử lý kỷ luật và kiến nghị, yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (trong đó có 3 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 Thứ trưởng, 1 nguyên Chủ tịch tỉnh, 1 nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, 13 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn. Quan điểm xuyên suốt trong việc xét xử các vụ án tham nhũng là để giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, ngăn chặn là chính. Trong chỉ đạo đấu tranh chống tham nhũng, Tổng Bí thư luôn yêu cầu “không phải cốt xử nhiều là tốt, mà phải làm sao để không phải xử, không để xảy ra mới là tốt”; xét xử không phải để dìm con người xuống tận bùn đen mà là xử đúng người, đúng tội.

Bản chất ưu việt của chế độ còn được thể hiện trong xét xử các vụ án nói chung, án tham nhũng nói riêng, các tình tiết giảm nhẹ luôn được vận dụng xem xét để làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể được giảm đi, như tự giác khai báo, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả, đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, có thành tích trong quá trình công tác, người phạm tội tự thú, thành khẩn khai báo hoặc ăn năn hối cải, đã lập công chuộc tội, tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện hoặc điều tra tội phạm, có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ, người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, phụ nữ có thai.

Việc pháp điển hóa các tình tiết giảm nhẹ vừa hiện thực hóa yếu tố nhân văn, nhân đạo đồng thời tăng thêm tính giáo dục của pháp luật Việt Nam. Có trường hợp tòa án đã lui ngày nghị án cho bị cáo có thêm thời gian trả lại tiền nhận hối lộ để được khoan hồng, giảm án.

“Chúng ta càng làm quyết liệt chống tham nhũng, họ càng chống phá”
Quan điểm xuyên suốt trong việc xét xử các vụ án tham nhũng là để giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe

Tính nhân văn, nhân đạo được thể hiện ngay trong việc tổ chức các phiên tòa. Theo tinh thần đổi mới tư pháp, vụ án hình sự được xét xử không có vành móng ngựa, giúp cho bị cáo cảm nhận được quyền con người, quyền công dân, khi chưa bị kết tội; chưa phải là bị cáo thì họ vẫn được tôn trọng. Tại các phiên tòa xét xử, chủ tọa phiên tòa dành nhiều thời gian cho bị cáo được tự bào chữa, tự bảo vệ mình, được sự bảo vệ của các luật sư.

Sự nhân văn không chỉ được thừa nhận từ xã hội, từ các đánh giá của quốc tế mà nó được ghi nhận một cách khách quan, tâm phục, khẩu phục từ chính bản thân những người bị xét xử. Đó là sự thừa nhận tội lỗi của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, là hành động cúi đầu xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhà nước, xin lỗi nhân dân, xin lỗi các thế hệ lao động ngành dầu khí, xin lỗi người lao động ngành giao thông vận tải, người dân TP Hồ Chí Minh, bày tỏ tin tưởng ở đường lối xử lý công tâm, khách quan, công bằng, nhân văn của Hội đồng xét xử của bị cáo Đinh La Thăng tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 17/1/2018.

Đó còn là lời thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã tuyên của bị cáo Nguyễn Bắc Son tại phiên phúc thẩm đại án AVG ngày 23/4/2020 và cũng là lời của bị cáo Nguyễn Đức Chung tại TAND TP Hà Nội trong ngày 11/12/2020.

Đặc biệt, sự nhân văn còn được thể hiện từ những chia sẻ gan ruột của người lãnh đạo cao nhất của Đảng “cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên “tự soi” “tự sửa”, tự răn mình để tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, không để bị nhúng chàm và nếu đã ít nhiều trót nhúng chàm thì phải sớm tự giác gột rửa”.

Không chỉ bằng lời nói, người đứng đầu Đảng ta cùng toàn Đảng và cả hệ thống chính trị đã và đang rất quyết liệt trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực; hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng các quy định để quản lý, xác minh các tài sản, thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn; cơ chế khuyến khích và bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng; đổi mới chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước…

Đức Anh 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây