Trang chủ Chính trị Lạng Sơn cần phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi...

Lạng Sơn cần phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội

196
0

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, trong đó cần xác định phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 320/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả to lớn trên mọi mặt, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn năm 2021 đạt 6,3%; GRDP bình quân đầu người đạt 46,5 triệu đồng; giải ngân vốn đầu tư công đến hết năm đạt 97,4% kế hoạch.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện với tinh thần chủ động, quyết liệt, kịp thời ngăn chặn và kiểm soát tốt dịch bệnh trên địa bàn theo quy định tại Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Đến nay, Lạng Sơn có 199/200 xã, thị trấn “vùng xanh” và chỉ có một xã “vùng vàng.”

Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Lạng Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như: quy mô kinh tế còn nhỏ, kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; xuất nhập khẩu tăng trưởng chưa ổn định. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm; thu ngân sách chưa bền vững; kết cấu hạ tầng còn yếu kém. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán và chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế; năng lực sản xuất, năng suất lao động thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.

Tiến độ công tác giải phóng mặt bằng còn chậm; công tác quản lý trật tự đô thị, đất đai, tài nguyên khoáng sản tại một số nơi chưa chặt chẽ, tình trạng vi phạm pháp luật về đầu tư, đất đai, khai thác khoáng sản, ô nhiễm môi trường còn xảy ra.

Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; tình trạng công dân xuất cảnh trái phép vẫn còn diễn ra.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Lạng Sơn phải chấn chỉnh ngay những hạn chế, yếu kém này và có lộ trình khắc phục cụ thể.

Lạng Sơn cần phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tập trung thực hiện tốt 3 trụ cột phòng, chống dịch

Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn cần triển khai quyết liệt, hiệu quả “Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021; chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện nhưng dứt khoát không được chủ quan, không dùng biện pháp hành chính làm đứt gãy các hoạt động sản xuất, kinh doanh và ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.

Tập trung thực hiện tốt 3 trụ cột phòng, chống dịch là cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, chặt nhất, thực hiện các biện pháp y tế, an sinh xã hội kịp thời, hiệu quả để giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở để người bệnh không chuyển nặng, giảm tử vong. Đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine đủ hai liều cho người từ 18 tuổi trở lên chậm nhất trong tháng 12 năm 2021 và tiêm cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc; trong đó cần xác định phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương. Bảo đảm hoàn thành hồ sơ quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021 hoặc chậm nhất trước tháng 6 năm 2022.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, để phát huy các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương, đó là: Kinh tế cửa khẩu, du lịch bền vững, nông nghiệp thông minh gắn với công nghiệp phụ trợ và chế biến, chế tạo.

Tỉnh tiếp tục rà soát kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kiên quyết thực hiện việc cắt giảm các dự án chưa cấp bách, hiệu quả thấp để điều chuyển và tập trung vốn thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, nhất là các dự án phải hoàn thành trong năm 2021.

Lạng Sơn đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn; khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo chung cho cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia và tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoàn thành Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn (dự án thành phần 2); đoạn tuyến kết nối cao tốc Hữu nghị-Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, tạo điều kiện phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, đồng thời cần nghiên cứu và triển khai đồng bộ công tác quy hoạch các khu công nghiệp, khu đô thị để mở ra không gian phát triển và tạo động lực phát triển mới cho tỉnh Lạng Sơn.

Mở rộng hợp tác đối ngoại, đa dạng hóa đối tác, đa dạng hóa quan hệ, góp phần củng cố niềm tin, thu hút đầu tư cũng như hiệu quả thực thi pháp luật tại các khu vực biên giới, cửa khẩu để thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có năng lực, phẩm chất, khát vọng cống hiến.

Phải đoàn kết, thống nhất cao với tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc; nội lực là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa, phải lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định; ngoại lực là quan trọng, đột phá với tinh thần biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thể chế, phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, cải cách hành chính. Phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành kinh tế trọng điểm.

Tỉnh phối hợp chặt chẽ với tỉnh Cao Bằng trong việc triển khai dự án cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn)- Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng); chịu trách nhiệm tổ chức công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư.

Rà soát quy hoạch dự án thành phần 2 tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn

Về một số kiến nghị của tỉnh, đối với dự án thành phần 2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn rà soát quy hoạch, làm việc với Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và các bộ, cơ quan liên quan để xem xét thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 2 với phạm vi bao gồm đoạn tuyến từ Hữu Nghị đi Tân Thanh-Cốc Nam (dài khoảng 19 km) theo hình thức đối tác công-tư theo quy định để bảo đảm việc kết nối với tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh và các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam.

Lạng Sơn cần phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội
Tuyến đường cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, đoạn tuyến Bắc Giang-Chi Lăng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đề xuất nguồn vốn hỗ trợ bổ sung từ ngân sách Trung ương cho tỉnh Lạng Sơn theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư để tham gia thực hiện đoạn tuyến từ Hữu Nghị đi Tân Thanh-Cốc Nam; kịp thời trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn bố trí vốn ngân sách địa phương, bảo đảm tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án thành phần 2 (bao gồm cả vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương) theo đúng quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan và nhà đầu tư để khẩn trương hoàn thành hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 2 trước ngày 30/11/2021; chịu trách nhiệm thực hiện dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư tổ chức thi công, hoàn thành dự án trong thời hạn chậm nhất trong 2 năm, đưa vào sử dụng năm 2023.

Đối với tuyến đường Quốc lộ 4B, việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 4B là rất cần thiết để kết nối liên vùng giữa các tỉnh biên giới Cao Bằng-Lạng Sơn-Quảng Ninh, thành phố Hải Phòng và các tỉnh, thành phố khác, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Quảng Ninh và các bộ, cơ quan liên quan để thống nhất quy mô đầu tư, phương án đầu tư và nguồn vốn đầu tư, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công-tư.

Tùng Lâm 


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây