Trang chủ Luận bàn - Phản biện Đừng để những nỗ lực trở thành… bất lực!

Đừng để những nỗ lực trở thành… bất lực!

212
0

“Bệnh viện dã chiến TP.HCM quá tải, bệnh nhân phải nằm ghế bố khắp hành lang”; “Số ca tử vong của TP.HCM tăng” – đó là những gì tôi, bạn và chúng ta trong vài ngày gần đây đều thấy, nghe trên các phương tiện thông tin truyền thông.

Đừng để những nỗ lực trở thành… bất lực!

Đã bao giờ chúng ta đặt câu hỏi: Vì sao tỷ lệ bao phủ vaccine tại TP.HCM thuộc nhóm cao nhất cả nước, hàng loạt biện pháp hướng dẫn an toàn phòng dịch được triển khai nhưng số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn tăng?

Sau những tháng ngày chống dịch khốc liệt, khi TP bước vào giai đoạn “Bình thường mới” nhiều người dân phấn khởi. Nhiều thông báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phát đi, ai cũng biết “Bình thường mới” được thiết lập, hàng quán ăn uống được mở cửa nhưng phải kèm theo quy tắc 5K luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, không khó để bắt gặp ở bất kỳ đâu trong TP này cảnh hàng quán đông đúc người, không đảm bảo khoảng cách. Giới trẻ thậm chí vô tư tụm năm, tụm bảy ngồi cà phê vỉa hè, tám chuyện hàng giờ đồng hồ không ai đeo khẩu trang. Tưởng là chẳng sao nhưng chính cái ý thức kém đó khiến sự bảo vệ chính mình, người thân và cộng đồng vô hình trung bị phá vỡ.

Chỉ với một quận Bình Tân, khi các lực lượng chức năng kiểm tra ngẫu nhiên trên một số địa bàn thì phát hiện đến 5 quán karaoke hoạt động “chui”, đưa 170 người về trụ sở kiểm tra phát hiện có những trường hợp dương tính. Dĩ nhiên, trong phòng hát karaoke, quy tắt 5K là điều không thể thực hiện.

Lơ là, chủ quan trong công tác chống dịch, không cần đeo khẩu trang khi tiêm 2 liều vaccine, cái hội chứng “không còn sợ” đó đang tồn tại trong không ít người. Không chỉ có người dân, giới trẻ mà theo lời ông Nguyễn Trung Hòa – Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp cho biết: “Một địa phương có số ca mắc tăng gần đây khoảng 50% số ca mắc rơi vào nhóm đối tượng là công chức, viên chức; người làm việc trong các văn phòng, công ty, nhà máy và xí nghiệp”.

Đến đây chợt hỏi, chẳng lẽ lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ mất vì Covid-19 vừa qua của TP, rồi hàng nghìn người mất việc làm vì dịch bệnh không có ý nghĩa gì với mọi người hay sao? Sự chủ quan với dịch bệnh, ỷ vào vaccine đã tiêm và thiếu nhận thức đã cho chúng ta một dự báo về những nốt trầm buồn sẽ nổi lên không ít trong thời gian tới.

Đừng để những nỗ lực trở thành… bất lực!

TP.HCM đang trong giai đoạn “Bình thường mới”, nói như Chủ tịch Phan Văn Mãi: “Thực tế cho đến lúc này, sau hơn một tháng ngưng giãn cách, thành phố vẫn chưa thể mở lại hết các hoạt động kinh tế – xã hội như trước”. Và để đưa TP về được trạng thái “Bình thường mới” đúng nghĩa, để tất cả hoạt động kinh tế được phục hồi trọn vẹn thì không thể thiếu ý thức của người dân, bệnh viện không thể cứ trong tình trạng quá tải như hiện nay.

Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách – việc tưởng chừng như quá dễ dàng, là việc phải làm không cần nhắc nhở nhưng đến hôm nay có nhiều người vẫn không nhận thức được. Một người không đeo khẩu trang, một nhóm người tiếp xúc tụ hợp cũng không đeo khẩu trang, chỉ vì những lý do vớ vẫn “không đeo cho dễ thở”, khiến cho ca nhiễm tăng. Đồng nghĩa, nơi bệnh viện dã chiến, thời gian các chiến sĩ áo trắng, áo xanh mặc trên người cả bộ đồ bảo hộ kín mít 24/24 ngày càng nhiều.

Đến giờ phút này, Bí thư Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vẫn phải đích thân kiểm tra công tác kiểm soát dịch bệnh tại nhiều quận, huyện. Đã có chính sách chế tài, phạt nặng người cố tình vi phạm quy tắc 5k; những cá nhân giấu bệnh, tự test tại nhà biết nhiễm Covid nhưng không trình báo cơ quan chức năng, mắc bệnh vẫn vô tư đi khắp nơi; những chủ cơ sở kinh doanh mở cửa buôn bán không đúng quy định. Tuy nhiên, cần hơn hết là ý thức của người dân. Lực lượng chức năng có đi tuần tra, nhắc nhở, xử lý nhưng không thể có mặt 24/24 giờ trên toàn địa bàn để xử lý kịp thời tất cả các tình huống.

Đừng để những nỗ lực trở thành… bất lực!

Mọi sự việc trên đời đều có tác động, cộng sinh, nhất là với dịch Covid-19 thì ý thức và hành động của mỗi cá nhân sẽ tác động đến cộng đồng. Câu chuyện không còn là một cá nhân bệnh, mà nguy cơ cá nhân đó lây cho nhiều người, thành chuỗi, thành ổ dịch thì chắc chắn ảnh hưởng đến chính sách điều hành chung. Lúc đó, không chỉ một người mất sức khỏe, mất việc làm, mà ảnh hưởng đến nhiều gia đình. Điều quan trọng hơn, làm sao bản thân mình an toàn khi cộng đồng không kiểm soát được dịch?

Môi trường ổn định, dịch được kiểm soát là trách nhiệm chung của mỗi người, nếu hành động thiếu ý thức và thiếu kiến thức, suy nghĩ cho riêng mình – cho cái sở thích không đeo khẩu trang của mình, đồng nghĩa tự đạp đổ đi chén cơm của chính mình, tự phá đi cơ hội được sống đúng nghĩa “bình thường mới” mà khó khăn lắm mới có được, đó là sự nỗ lực của biết bao con người.

Xin hãy nghĩ đến sự hy sinh, vất vả của những người đang ở tuyến đầu; sự nỗ lực của cán bộ và những người không may mắn bước qua dịch bệnh, để chúng ta tự nghiêm khắc hơn với chính mình. Đó cũng là cách cùng nhau chúng ta góp một bàn tay để những nỗ lực trong suốt thời gian qua của biết bao người không trở thành bất lực, chỉ vì sự vô trách nhiệm, thiếu nhận thức đúng đắn.

Hải Yến


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây