GS Trần Văn Thọ – trí thức hàng đầu tại Nhật – đề xuất Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nâng tỷ lệ đầu tư cho khoa học trong nước từ 0,7% lên 1% GDP.
Tối 23/11, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc gặp gỡ với cộng đồng người Việt tại đây.
Chia sẻ với Thủ tướng, ông Trần Văn Thọ, người đang là Giáo sư kinh tế tại Đại học Waseda, Tokyo, dành thời gian để nói về việc làm sao để lĩnh vực khoa học công nghệ phát triển và đóng góp cho đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Ông Thọ dẫn thống kê cho thấy, chi tiêu cho khoa học công nghệ ở Việt Nam trên tổng GDP mới đạt 0,7%. Ông cho rằng, tỷ lệ này bằng với của Hàn Quốc cách đây 40 năm, của Trung Quốc cách đây 30 năm.
Thời gian tới, ông kiến nghị nâng tỷ lệ chi tiêu cho khoa học công nghệ lên 1% GDP trong đó tăng cả chi tiêu phát triển công nghệ ở cả Chính phủ và doanh nghiệp. Đồng thời, theo ông nên có biện pháp kích thích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ và công ty nước ngoài đầu tư vào các công ty công nghệ.
Một vấn đề khác chuyên gia kinh tế đang sinh sống tại Nhật Bản trăn trở là nguồn nhân lực và phát triển mạng lưới các nhà khoa học. Theo ông, cộng đồng Việt Nam ở Nhật Bản có nửa triệu người, trong số này có 65.000 du học sinh; 2.000-3.000 người là nghiên cứu sinh, tiến sĩ và 1.000 người đã xong tiến sĩ, đang nghiên cứu sau tiến sĩ.
“Với khoảng 200 người trong nhóm này, tôi mong Thủ tướng làm sao kết nối được những nhà khoa học ở Nhật với trong nước; có thể làm việc ở Nhật nhưng về nước thường xuyên”, ông nói.
Ông Trần Văn Thọ từng là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông là một trong ba người nước ngoài đầu tiên được mời làm việc trong Hội đồng tư vấn kinh tế nhiều đời của Thủ tướng Nhật. Ông cũng từng làm cố vấn cho nhiều cơ quan của Chính phủ Nhật Bản.
Ngay sau cuộc gặp cộng đồng người Việt, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng gặp riêng đại diện trí thức người Việt hàng đầu ở Nhật Bản. Thủ tướng khẳng định sẽ tổ chức kênh để trao đổi trực tuyến với cộng đồng trí thức tại đây theo từng nhóm về kinh tế, y tế, công nghiệp điện tử hay trí tuệ nhân tạo. Thực tế, ông cũng từng hai lần làm việc trực tuyến với Giáo sư Trần Văn Thọ và một số giáo sư khác của Việt Nam đang làm việc tại châu Âu hay Mỹ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, sự đóng góp của các trí thức cho nước Nhật thực chất cũng là cho Việt Nam khi góp phần củng cố tình hữu nghị hai bên.
Tại cuộc trao đổi, các trí thức đầu ngành của Việt Nam tại Nhật Bản cũng chia sẻ với Thủ tướng những đóng góp thời gian qua và giới thiệu những sản phẩm, thành quả trong nhiều lĩnh vực điện tử, năng lượng tái tạo, sức khoẻ, AI… Trong đó, một trí thức kiến nghị giải pháp để các nhà khoa học có thể chia sẻ chi phí bản quyền thiết kế vi mạch vốn đắt đỏ và là trở ngại trong nghiên cứu hiện nay.
Vị này dẫn chứng thực tế tại Nhật, bằng cách hợp tác giữa các trường đại học, giáo dục, các kỹ sư Nhật có thể chia sẻ bản quyền mỗi năm 1.000 quyền (license). “Việc chia sẻ cho 900 trường đại học giúp giảm chi phí rất nhiều, nhờ đó giúp xây dựng được thư viện mở về vi mạch”, trí thức này cho hay.
Tùng Lâm
Nguồn: Cánh cò