Trang chủ Tin tức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Phim độc lập 'đọ...

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Phim độc lập 'đọ sức' với phim 'câu lạc bộ trăm tỷ'

175
0

Tranh giải Bông sen Vàng phim truyện điện ảnh năm nay sẽ có những cái tên nổi trội của dòng phim độc lập như Ròm, Miền ký ức “đọ sức” với loạt phim trong “câu lạc bộ trăm tỷ” về doanh thu như Bố già, Mắt biếc…

Diện mạo của điện ảnh Việt Nam đương đại

Danh sách phim tham gia tranh giải, thành viên ban giám khảo của các hạng mục vừa được công bố trong Lễ khai mạc Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XXII diễn ra ngày 18/11 tại Thừa Thiên -Huế (kéo dài đến 20/11).

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Phim độc lập 'đọ sức' với phim 'câu lạc bộ trăm tỷ'Phim “Bố già” đạt kỷ lục doanh thu phòng vé trong nước là 400 tỷ. Ảnh: TT&VH

Thứ trưởng Tạ Quang Đông – Trưởng ban Chỉ đạo LHP Việt Nam lần thứ XXII nhận định, thành công đầu tiên là số lượng phim lớn hơn kỳ trước và phim ở các thể loại đã phản ánh những nét mới, những điểm nổi trội, hiện thực cuộc sống đang diễn ra ở các thể loại phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim khoa học và phim hoạt hình.

Phim truyện điện ảnh tranh giải năm nay bao gồm: Bằng chứng vô hình, Bình minh đỏ, Bố già, Chị Mười Ba (2) – 3 ngày sinh tử, Con đường có mặt trời, Cơn giông, Gái già lắm chiêu V, Khúc mưa, Kiều, Lính chiến, Mắt biếc, Miền ký ức, Nắng 3 – Lời hứa của cha, Ngốc ơi tuổi 17, Ròm, Tiệc trăng máu, Võ sinh đại chiến.

17 bộ phim dự thi bao gồm phần lớn là phim tâm lý xã hội, tình cảm gia đình, tâm lý – hài. Bên cạnh đó là sự góp mặt khiêm tốn của 2 bộ phim hành động, 1 bộ phim hình sự cùng 2 phim remake (làm lại). Những bộ phim được tuyển chọn vào hạng mục phim truyện dự thi lần này phản ánh phần nào diện mạo của nền điện ảnh Việt Nam đương đại với sự đa dạng các thành phần làm phim, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nhà làm phim trẻ với những tìm tòi sáng tạo.

Tuy bị ảnh hưởng không nhỏ từ dịch COVID-19 nhưng điện ảnh Việt Nam vẫn ghi nhận những kỷ lục doanh thu mới được thiết lập, tạo niềm tin cho các nhà làm phim Việt và truyền cảm hứng cho người yêu điện ảnh. Đáng chú ý phải kể đến Bố già với kỷ lục doanh thu 400 tỷ đồng trong nước và 1 triệu USD thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, Tiệc trăng máu thu 180 tỷ đồng, Mắt biếc thu 172 tỷ đồng, Chị Mười Ba (2) – 3 ngày sinh tử thu hơn 100 tỷ đồng. Ròm lập kỳ tích doanh thu của dòng phim độc lập với 63 tỷ đồng.

Bên cạnh những đạo diễn đã tạo dựng được tên tuổi, tiếp tục có sự bứt phá về nghề như Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành với Bố già, Victor Vũ với Mắt biếc, Nguyễn Quang Dũng với Tiệc trăng máu, LHP Việt Nam năm nay có sự xuất hiện trẻ trung, tươi mới của những đạo diễn làm phim đầu tay như Trần Thanh Huy với Ròm, Nguyễn Mạnh Hà với Lính chiến, Vũ Anh Nhất với Con đường có mặt trời, Mai Thu Huyền với Kiều…

Bên cạnh Ròm, có thể kể tới phim độc lập Miền ký ức của đạo diễn kiêm biên kịch Bùi Kim Quy chưa chính thức ra mắt khán giả Việt nhưng được hội đồng duyệt phim đánh giá cao và đã từng tranh giải ở hạng mục New Currents tại LHP Busan – Hàn Quốc 2021.

Trưởng ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh – đạo diễn, NSƯT Nguyễn Vinh Sơn – chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN): “Có nhiều năm, mặt bằng phim tham gia liên hoan khá thấp, chúng tôi buồn lắm và nói mình cố gắng… so bó đũa chọn cột cờ. Mấy kỳ liên hoan phim gần đây, chất lượng phim đã tốt hơn.

Năm nay, có rất nhiều phim tham gia câu lạc bộ trăm tỷ như Bố già, Mắt biếc, Tiệc trăng máu… lại có cả những phim được đánh giá tốt ở các liên hoan phim quốc tế như Ròm. Các tác phẩm rất đa dạng, mà như thế, ban giám khảo sẽ khó lựa chọn”.

Theo NSƯT Nguyễn Vinh Sơn, sẽ có những bàn luận giữa những người trong nghề, nhưng phải căn cứ bộ phim đem lại gì cho khán giả, đem tới cho người xem cảm xúc để sau khi xem phim có nhân vật, chi tiết, hay điều gì còn đọng lại trong tâm trí. Ngoài vấn đề kỹ thuật, chất lượng nghệ thuật, sự sáng tạo mới mẻ và cả hơi thở cuộc sống đời thường sẽ là những yếu tố quan trọng để ban giám khảo chấm chọn.

Kỳ liên hoan phim đặc biệt, đậm phong cách Huế

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn xã hội, các ngành kinh tế, các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trong đó có ngành điện ảnh. Trong hơn 2 năm qua, hoạt động điện ảnh trên thế giới và trong nước đều bị đình trệ.

Tại buổi lễ khai mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông bày tỏ sự trân trọng đối với những nỗ lực và sự ứng phó kịp thời, điều chỉnh các phương thức sản xuất, phát hành, phổ biến phim để thích ứng hoàn cảnh mới, thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19 của toàn ngành điện ảnh; để sau hơn 2 năm đối mặt với khó khăn, các nhà sản xuất, các nghệ sĩ điện ảnh đã có thể tụ hội tại Liên hoan lần này với loạt tác phẩm điện ảnh đặc sắc.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, LHP Việt Nam phải hạn chế các hoạt động, hạn chế khách tham dự, chương trình giới thiệu phim toàn cảnh tại một số cụm rạp tại Huế phải tuân thủ quy định phòng chống dịch… Ban Tổ chức cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đưa 67 phim dự LHP phát trên nền tảng số VTVGo, đáp ứng nhu cầu xem phim của khán giả trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

LHP Việt Nam lần thứ XXII trở lại Huế sau 22 năm, là dịp để Thừa Thiên – Huế giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc, tinh hoa của văn hóa Huế đến với đông đảo bạn bè trong nước với định hướng hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên lĩnh vực điện ảnh.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, đồng Trưởng ban Chỉ đạo LHP, cho biết, dù gặp không ít khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, nhưng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, để LHP Việt Nam 2021 vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa đảm bảo sự trang trọng, đậm chất Huế từ các chương trình, sự kiện, trang phục…

Lễ Bế mạc và Trao giải thưởng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII sẽ được diễn ra lúc 20 giờ ngày 20/11 tại Nhà hát Sông Hương, thành phố Huế, được truyền hình trực tiếp trên VTV1, VTV8, và tiếp sóng trên Đài PT-TH Thừa Thiên – Huế; trên nền tảng kỹ thuật số VTVGo.

Bên lề Liên hoan phim

– Triển lãm Thừa Thiên Huế – điểm đến của các nhà làm phim khai mạc sáng 18/11 tại Nhà hát Sông Hương, thành phố Huế, trưng bày 200 hình ảnh bối cảnh đẹp, nét văn hóa đặc sắc của Thừa Thiên – Huế; hình ảnh từ 19 bộ phim quay tại Thừa Thiên – Huế và 10 tấm pano giới thiệu chân dung 10 NSND và NSƯT của ngành điện ảnh là người con xứ Huế.

– Triển lãm ảnh Di sản và bạn khai mạc sáng 18/11 tại khuôn viên Học viện Âm nhạc Huế, thành phố Huế, với hơn 60 bức ảnh được chọn lọc nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh những điểm đến của du lịch Thừa Thiên – Huế.

– Chương trình thời trang Áo dài với điện ảnh – một sáng kiến của Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên – Huế nhằm tôn vinh vẻ đẹp của chiếc áo dài Huế – áo dài Việt Nam đồng thời khẳng định và quảng bá thương hiệu “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam”.

– Tour du lịch khám phá thành phố Huế với 2 chương trình du lịch gồm “Khám phá bối cảnh phim trường Huế cùng áo dài ngũ thân” và “Tìm hiểu dấu ấn của triều Nguyễn và nét văn hóa Huế” (diễn ra ngày 19/11).

– Chương trình giao lưu với các chuyên gia điện ảnh và các nghệ sĩ do VTV Digital tổ chức trực tuyến ngay sau lễ khai mạc ngày 18//11. Tại đây, khán giả có cơ hội trò chuyện với đại diện Ban tổ chức và Ban giám khảo của các hạng mục tại LHP Việt Nam. Bên cạnh đó, Ban giám khảo Liên hoan cũng sẽ đưa ra những nhận định, đánh giá đầu tiên về chất lượng, thay đổi trong các tác phẩm tham gia năm nay.

Theo Thethaovanhoa.vn

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII: Phim độc lập 'đọ sức' với phim 'câu lạc bộ trăm tỷ'

Khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII    

Ngày 18/11, tại thành phố Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức khai mạc Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII với chủ đề “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây