Còn hơn một tháng nữa là đến Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III tại tỉnh Lai Châu. Để đảm bảo Ngày hội diễn ra an toàn, thành công, Lai Châu đã và đang tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình ngày hội và xây dựng phương án phòng, chống dịch.
Theo kế hoạch, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại Lai Châu năm 2021 được tổ chức từ ngày 24 – 26/12/2021, với sự tham gia của 14 tỉnh (Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Đắk Lắk, Cao Bằng và Lào Cai) có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, công tác chuẩn bị cho Ngày hội đang được thực hiện bài bản theo đúng kế hoạch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu thành lập Ban Tổ chức Ngày hội của tỉnh, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Tổ chức; tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất về thời gian tổ chức, kịch bản chương trình nghệ thuật khai mạc Ngày hội; xây dựng dự thảo Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản Chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc, bế mạc Ngày hội…
Về điều kiện cơ sở vật chất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã rà soát, thống kê trên địa bàn Lai Châu có 129 khách sạn, nhà nghỉ, homestay với hơn 1.980 phòng, sức chứa hơn 4.300 người và có 138 nhà hàng. Trong đó, thành phố Lai Châu có 46 khách sạn, nhà nghỉ với hơn 1.000 phòng, chứa được trên 2.000 người và 46 nhà hàng. Từ đó, Sở lập danh sách khách mời và dự kiến phương án bố trí đón tiếp chu đáo.
Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho Ngày hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng xây dựng phương án phòng, chống dịch gửi Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, các tỉnh tham gia; chủ động phối hợp các cấp, ngành, địa phương đảm bảo công tác y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống dịch COVID-19 tại tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, địa điểm du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn. Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh dịch vụ không đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng chống dịch, bệnh. Sở cũng phối hợp các ngành, chức năng xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ trong thời gian diễn ra các hoạt động Ngày hội.
Từ nay đến ngày diễn ra sự kiện, Lai Châu tiếp tục phối hợp với các tỉnh chuẩn bị tốt các nội dung, chương trình theo kế hoạch đề ra.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III có chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông – Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng gồm các tiết mục dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc trưng của dân tộc Mông; trình diễn trang phục, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa và các trò chơi dân gian của dân tộc Mông; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch của 14 tỉnh tham gia Ngày hội; thi giã bánh giầy; triển lãm “Đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; hoạt động thể thao quần chúng dân tộc Mông; tổ chức đoàn Famtrip (các hãng lữ hành trong nước) khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại Lai Châu…
Trong khuôn khổ Ngày hội, tỉnh Lai Châu còn tổ chức nhiều hoạt động như Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lai Châu năm 2021; không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, sản phẩm OCOP, nông sản địa phương của các huyện, thành phố, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thuộc Lai Châu; không gian giới thiệu ẩm thực; triển lãm ảnh về miền đất, con người Lai Châu.
Dự kiến Lễ khai mạc sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Lai Châu và truyền thanh trực tiếp trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III là dịp để các tỉnh tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; đồng thời, là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch, kinh tế-xã hội.
Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III còn là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với Lai Châu và các địa phương tham gia, góp phần kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh sau thời gian dài nhiều hoạt động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Nguồn: Báo Tin tức