Có những địa danh mang vẻ đẹp và chiều sâu văn hoá lịch sử của cả một vùng đất. Thác Ma Hao ở chân núi Chí Linh, thuộc huyện Lang Chánh, Thanh Hoá là một nơi như vậy.
Anh Nguyễn Trọng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Lang Chánh, lái xe đưa chúng tôi vào thăm thác Ma Hao. Qua câu chuyện trên đường, chúng tôi biết, Nguyễn Trọng Châu và vợ anh, Lê Thị Nguyệt, đều là những doanh nhân có nhiều năm gắn bó với vùng đất này. Con đường chạy qua những làng bàn bình yên bên chân núi, nếp nhà sàn thấp thoáng giữa rừng, sông suối trong xanh giữa thiên nhiên còn nhiều vẻ nguyên sơ. Từ trên vách núi cao hàng trăm mét, thác Ma Hao ào ạt tràn qua các triền đá, tung bọt trắng tinh khôi. Tiếng nước chảy tạo nên bản nhạc rộn ràng giữa thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ. Bầu không khí mang hơi nước mát lành lan toả giữa không trung.
Thác Ma Hao cùng với núi Chí Linh gắn bó với lịch sử vùng đất này. Núi Chí Linh là nơi người anh hùng dân tộc Lê Lợi lập căn cứ chống quân xâm lược nhà Minh từ những năm gian khổ khó khăn nhất. Đây cũng là nơi Lê Lai, khi nghĩa quan bị bao vây lần thứ hai, đã dẫn quân xuống núi, tự nhận mình là Lê Lợi, vì nghĩa lớn hy sinh, đánh lạc hướng kẻ thù để chủ tướng và nghĩa quân thoát khỏi hiểm nguy. Trong Chí Linh Sơn Phú, danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi từng viết về vùng núi này:
“Càn khôn mờ mịt, vận hội phi thường
Nhìn Linh Sơn cao vút, nhớ những ngày gian khổ…”
Thác Ma Hao cũng gắn bó với chuyện đẹp về chú chó trung thành của Lê Lợi, theo bên chủ tướng trong thời điểm hiểm nguy. Dù kiệt sức, chú chó vẫn quay lại đánh nhau với đàn chó của quân Min và quyên sinh trên dòng thác. Tên thác Ma Hao, tiếng Thái nghĩa là “ Chó Ngáp”, tương truyền là do Lê Lợi đặt, để tưởng nhớ về chú chó trung thành của ông.
Cùng với Nguyễn Trọng Châu, chúng tôi cũng đã đi thăm thác Mây, một ngọn thác đẹp nữa và bản Năng Cát, nơi còn lưu giữ nhiều vẻ đẹp nguyên sơ trong đời sống văn hoá của đồng bào Thái đen thuộc xã Trí Nang.
Tại bản văn hoá Năng Cát, chúng tôi có cuộc trò chuyện khá thú vị với anh Trịnh Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Trí Nang và cô Vi Thanh Tuyền, Phó Bí thư thường trực đảng uỷ xã. Được biết, trên cơ sở quy hoạch chung của huyện Lang Chánh, xã Trí Nang có chương trình xây dựng khu du lịch sinh thái thác Ma Hao và bản Năng Cát.Với diện tích trên 17, 4 hec ta, tổng số vốn đầu tư gần 114 tỷ đồng, Trí Nang muốn tập trung khai thác tiềm năng, nhằm biến khu vực này thành điểm du lịch hấp dẫn, cải thiện cảnh quan môi trường, giữ gìn bản sắc văn hoá, nâng cao đời sống người dân và thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương.
Theo Chủ tịch Trịnh Đức Hùng, trong thời gian qua, tình hình kinh tế xã hội ở Trí Nang có những chuyển biến tích cực. Toàn xã có gần 2.900 nhân khẩu, chủ yếu là người Thái và một vài cộng đồng thiểu số khác, với diện tích gần 7 ngàn héc ta. Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, đến nay, Trí Nang đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí theo chuẩn quốc gia. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 24 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 1,7 tỷ đồng. Xã đã đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng nông thôn ở Trí Nang tương đối hoàn thiện. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người một năm đạt trên 34,6 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn trên 5,8%. Đồng bào các dân tộc trong xã hài lòng với những đổi mới trên quê hương.
Vi Thanh Tuyền, Phó Bí Thư Đảng uỷ xã, trong khi trò chuyện, dành nhiều thời gian nói về những nét đặc sắc của thiên nhiên, con người nơi đây. Vi Thanh Tuyền sinh ra ở Trí Nang, năm nay 36 tuổi, mang nét đẹp đặc trưng của người Thái. Theo cô, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc là điều rất quan trọng trong quá trình phát triển. Với phương châm ấy, Trí Nang phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với việc tìm hiểu các giá trị lịch sử, văn hoá và đời sống của cộng đồng dân cư ở đây. Xã coi trọng việc gìn giữ các di tích, cảnh quan thiên nhiên, môi trường; xây dựng các sản phẩm du lịch văn hoá đặc thù như các điệu múa Xoè, Khua Luống… các lễ hội văn hoá, ẩm thực của người Thái cũng như của các dân tộc trong vùng.
Xã cũng chú trọng xây dựng hệ thống canh tác những thực phẩm bản địa tươi ngon như rau sạch, gạo ngon, chăn nuôi trâu bò, lợn cỏ, gà đồi, nuôi cá… để có nhiều sản phẩm phục vụ du khách. Mục tiêu chung là biến vùng du lịch thác Ma Hao, bản Năng Cát cũng như các thôn bản khác của Trí Nang thành những điểm đến hấp dẫn, thân thiện.
Bên sườn núi ở thác Ma Hao có một điện thờ bằng đá. Đấy là đền thờ Lê Lợi và các nghĩa quân Lam Sơn. Qua hơn 6 thế kỷ, câu chuyện chủ tướng Lê Lợi tự mình đặt tên cho thác Ma Hao và bản Năng Cát ở khu căn cứ chống giặc Minh này vẫn được người dân các thế hệ ở Trí Nang kể lại cho con cháu. Những trang sử hào hùng của một thời đất nước đã trở thành một phần lịch sử của vùng đất Trí Nang.
Quá khứ ấy như dòng thác Ma Hao qua năm tháng luôn là nguồn sống cho đất đai, con người, đồng ruộng nơi đây. Chúng tôi cảm nhận rất rõ điều ấy khi đi thăm làng bản, tìm hiểu về cuộc sống người dân ở Trí Nang. Ngay sát chân núi, đón dòng nước trong trẻo từ thác Ma Hao, anh Hà Khắc Sâm, một doanh nhân ở Lang Chánh, đã xây dựng thành công trang trại nuôi cá tầm. Điều này cùng với những cố gắng chung đã mở thêm một hướng đi cho Trí Nang, góp phần nhân thêm tiềm năng, sức mạnh từ thác nguồn Ma Hao cho cuộc sống hôm nay.
Nguồn: Báo Tin tức