“Blogger Điếu Cày” mới đây đã đăng tin rằng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) muốn “xúi dại” các chính trị gia Mỹ gây sức ép đòi Việt Nam trả tự do cho các đối tượng bị buộc tội giả danh “nhân quyền” để kích động, chống phá Nhà nước. Bản thân việc can thiệp nội bộ vào công việc của một nước khác đã là phi pháp và phi lý, can thiệp đòi thả các tội phạm đang bị điều tra giam giữ lại càng xằng bậy. Các đối tượng này cần hiểu không ai và không có một thế lực nào có thể “bắt ép” Việt Nam làm bất cứ điều gì.
Theo lời HRW vu vạ thì “có ít nhất 145 người đang bị giam giữ ở Việt Nam chỉ vì thực hành các quyền cơ bản và có 31 người bị kết án trong năm nay”. Một “tổ chức” khác tự xưng là Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cũng vu vạ cho Việt Nam đang giam giữ gần “300 tù nhân lương tâm”, với ít nhất 79 người bị bắt trong năm qua. Cần biết, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” và chính quyền chỉ giam giữ cũng như kết án những người vi phạm pháp luật. Theo thống kê thì năm 2020, Tòa án cấp sơ thẩm đã ra quyết định thi hành án đối với 85.177 người bị kết án. Nếu cứ nay có một “tổ chức” tự xưng này, mai một tổ chức khác lấy các lý do vô lý và phi pháp để đòi “thả tự do” cho một vài người trong số đó thì không hiểu kỷ cương xã hội của Việt Nam sẽ đi về đâu? Làm thế nào mà họ, những kẻ chỉ sống ở nước ngoài nghe “tin nồi chõ” lại có thể tin rằng những đối tượng vi phạm pháp luật ở Việt Nam cần được thả tự do chỉ vì có suy nghĩ giống như họ? Quốc có quốc pháp, mọi quốc gia trong đó có Việt Nam đặt ra luật pháp là để bảo đảm kỷ cương, trật tự xã hội, bảo vệ cuộc sống của người dân. Và hiển nhiên, những kẻ vi phạm pháp luật phải bị kiên quyết xử lý.
Quyền con người – hay nhân quyền – là giá trị phổ quát mà tất cả người dân các quốc gia đều mong muốn. Ở Việt Nam, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, mà trước hết là quyền dân tộc tự quyết – được ghi nhận tại Điều 1 của Công ước về các quyền dân sự chính trị (ICCPR), chính là mục tiêu và thành quả quá trình đấu tranh, hy sinh gian khổ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng xác định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”. Từ khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua đến nay đã có hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới, bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế quan trọng của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao về Chỉ số phát triển con người (xếp hạng 116/189 quốc gia); Chỉ số bình đẳng giới (xếp hạng 67/160 quốc gia).
Đại dịch Covid-19 vừa qua, với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam đã nhanh chóng đưa ra các chính sách, biện pháp đồng bộ, hiệu quả, với ưu tiên hàng đầu là kiểm soát dịch bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân; đồng thời cũng duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Được biết, trước chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Hà Nội hồi cuối tháng 8/2021, nhiều “tổ chức nhân quyền” cũng kêu gào bà thúc giục các nhà lãnh đạo Việt Nam trả tự do cho các đối tượng vi phạm pháp luật vì các tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”. Nhưng cuối cùng, câu nói ấn tượng nhất của bà Kamala Harris tại Việt Nam là trong cuộc họp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: “Chúng ta có thể làm gì để nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược?”. Điều này không những thể hiện sự tôn trọng của nước Mỹ với Việt Nam như một người bạn, một đối tác mà còn cho thấy nước Mỹ cũng đồng tình với các chính sách của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Bản thân nước Mỹ trước đây từng có lúc tuyên bố rút khỏi Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc vào năm 2018 vì “bất bình” với các nhận xét và chỉ trích của cơ quan này. Điều đó cho thấy trong quan hệ quốc tế, người ta cần phải tôn trọng quyền tự quyết của nhau, và việc nhân danh các quyền tự do, dân chủ để nhằm xâm phạm hoặc phá hoại lợi ích của nước khác là việc không thể chấp nhận.
Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) đã dành Điều khoản đầu tiên để nói về quyền tự quyết của các dân tộc: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.”. Với hành vi “xúi giục” phi lý của mình, cái gọi là “Tổ chức theo dõi nhân quyền” đã thực sự vi phạm Công ước này, là văn bản quốc tế mà đáng ra họ phải là người tuân thủ đầu tiên.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò