Có thể nói Thủ tướng Phạm Minh Chính tuy nhậm chức chưa lâu nhưng đã thực hiện được một khối lượng công việc “làm vốn” không hề nhỏ trước khi trả lời Quốc hội. Những phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư, hay sự mềm dẻo linh hoạt bền bỉ trong ngoại giao đa phương, nhất là “Ngoại giao vaccine” đã tô đậm hình ảnh một nhà kỹ trị có tinh thần mạnh mẽ. Theo dõi phiên đăng đàn Quốc hội của Thủ tướng là một dịp không thể tốt hơn để người dân Việt Nam hiểu thêm về quan điểm, tư duy quản lý cũng như những kinh nghiệm mà ông đã đúc kết trong thời gian vừa qua.
Chức vị Thủ tướng Chính phủ là một công việc nặng nề, bao quát toàn bộ đời sống xã hội của một quốc gia, từ những việc nhỏ nhất như quản lý vỉa hè, cho đến kinh tế vĩ mô, ngoại giao, quốc phòng. Bài phát biểu và trả lời chất vấn của Thủ tướng ngoài những nhiệm vụ thông thường mà như ông nói là “đương nhiên phải làm” thì cũng có những ý khá nổi bật liên quan đến kinh nghiệm rút ra sau đại dịch, đường lối ngoại giao thời gian qua và chương trình phục hồi kinh tế cho 2 tháng cuối năm.
Kinh nghiệm và định hướng cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Một trong những điều Thủ tướng tâm đắc nhất và đề cập đầu tiên là chiến lược chủ thể toàn dân: Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Nhờ đó mà Việt Nam đã triển khai được nhiều biện pháp đồng bộ như xét nghiệm, truy vết, giãn cách đến tận cấp cơ sở, đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó chúng ta cũng huy động được tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tương thân tương ái cùng giúp đỡ nhau giữa đại dịch.
Tiếp theo là nâng cao năng lực, khả năng ứng phó linh hoạt trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, chưa từng có tiền lệ. Khi dịch bệnh xảy ra tại một địa phương mà năng lực y tế cấp cơ sở tại đó không đủ đáp ứng, chúng ta đã điều thêm các y bác sỹ và cả quân đội, công an tham gia cùng dập dịch. Có lẽ khó một quốc gia nào có thể thực hiện chính sách này nhanh đến như vậy, nó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thống nhất cùng một ý chí.
Nhiều biện pháp hành chính được đưa ra như truy vết, giãn cách, kiểm soát đi lại đã được thực hiện khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó là các chính sách an sinh xã hội trong hoàn cảnh thiếu vaccine, bắt buộc phải hạn chế các hoạt động kinh tế, giao thương của người dân. Với tình hình dịch bệnh lan rộng, trong khi điều kiện kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn thì đây quả là một cố gắng phi thường.
Chúng ta cũng đã thực hiện những nỗ lực ngoại giao chưa từng có để huy động sự giúp đỡ toàn cầu. Khi dịch bệnh bùng phát mạnh, nhu cầu vaccine toàn thế giới tăng cao và vì vậy tuy Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vaccine nhưng tiến độ giao hàng của nhà sản xuất quá chậm, không đáp ứng được nhu cầu trong nước. Đứng trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã triển khai chiến dịch ngoại giao vaccine, trong đó đề cập đến việc bán, nhượng lại, vay, chuyển giao công nghệ trong mọi cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước.
Thủ tướng cũng cho biết trong tình hình mới, chúng ta áp dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa ra. “Dĩ bất biến” là ưu tiên bảo vệ tối đa cho sức khỏe tính mạng của người dân. “Ứng vạn biến” là linh hoạt để phát triển kinh tế hiệu quả. Thời gian tới Chính phủ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu, sản xuất vaccine, bên cạnh đó là tăng cường thiết lập các trạm y tế lưu động, bệnh viện hồi sức cấp cứu để chăm sóc, điều trị người bệnh.
Ngoại giao “trong ấm, ngoài êm”
Thủ tướng cho biết công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo theo tinh thần “trong ấm, ngoài êm” và đạt được kết quả quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhất là ngoại giao vaccine. Nhiều quốc gia trên thế giới từ khắp châu Á, châu Âu, châu Mỹ đã tặng, viện trợ hoặc nhượng lại vaccine cho Việt Nam, đóng góp hiệu quả cho công cuộc chống dịch. Cần biết đây là một công việc không hề dễ dàng, trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, nhu cầu vaccine toàn cầu luôn rất cao, nếu Việt Nam không có vị thế và mối quan hệ tốt với các nước trên thế giới thì chắc chắn chúng ta sẽ không thể nào đạt được kết quả ấn tượng như vậy
Chúng ta đã tăng cường, củng cố các mối quan hệ hợp tác đa phương, song phương; duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác cho phát triển; đồng thời chủ động tham gia xử lý hiệu quả những thách thức mang tính toàn cầu, nhất là các vấn đề bảo đảm an ninh khu vực, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu. Việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện Việt Nam đang sẵn sàng đóng góp nhiều hơn và nỗ lực chung toàn cầu. Cần biết, ngay cả các nền kinh tế lớn như Nga và Trung Quốc cũng không tham dự Hội nghị này, cho thấy việc cam kết ứng phó biến đổi khí hậu sẽ phải đánh đổi nhiều thứ mà không phải quốc gia nào cũng dám tham gia. Việc Việt Nam là một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn nhưng cũng sẵn sàng đứng chung vai với các nước lớn trong nỗ lực chung toàn cầu về biến đổi khí hậu thể hiện vị thế của chúng ta hiện nay đã rất khác.
Chúng ta cũng tích cực thực hiện các chương trình, sáng kiến, dự án phát triển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc, được nhiều quốc gia, đối tác và cộng đồng quốc tế đánh giá cao và chia sẻ, cam kết ủng hộ, giúp đỡ trong thời gian tới.
Những định hướng về chương trình phục hồi kinh tế
Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế, trong đó có y tế dự phòng và y tế cơ sở, để đảm bảo đáp ứng khi tình hình dịch bệnh có thay đổi, diễn biến phức tạp. Ngoài ra Chính phủ cũng dự kiến đề xuất quỹ phòng chống dịch để chủ động chi tiêu cho các nhu cầu chống dịch khi cần thiết.
Tập trung cho con người và nguồn lực con người, trong đó có vấn đề đảm bảo an sinh xã hội. Do ảnh hưởng của đợt dịch bệnh vừa qua khiến kinh tế và đời sống của người dân bị ảnh hưởng, một bộ phận không nhỏ người dân cũng tạm thời về quê để tránh dịch khiến nhu cầu này trở nên hết sức cần thiết. Đảng và Nhà nước đã xác định con người Việt Nam là một trong 3 nguồn nội lực chính cho công cuộc phát triển đất nước: con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử.
Về chính sách cho các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết các doanh nghiệp lớn tại các khu công nghiệp đã phục hồi khá nhanh sau dịch bệnh, nhưng những doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm hơn 90%) tổng số doanh nghiệp cả nước còn gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian tới Chính phủ sẽ có biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp này.
Đầu tư phát triển hạ tầng cũng sẽ được chú trọng thời gian tới. Có thể sử dụng các gói đầu tư công tuy nhiên cần cân nhắc vì hiện nay tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương vẫn diễn biến khá chậm, còn thiếu hiệu quả. Biện pháp thứ hai là các gói hỗ trợ phi tài chính bao gồm cơ chế chính sách, thủ hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò