Với mục tiêu tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư từ các nguồn vốn của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo nguồn lực cho việc xây dựng và phát triển ngành du lịch Côn Đảo theo hướng bền vững, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 3779/QĐ-UBND (ngày 9/11/2021) phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn 2021-2030.
Vườn quốc gia Côn Đảo có thành phần thực vật tương đối phong phú, đa dạng với 1.077 loài thực vật bậc cao thuộc 640 chi, 160 họ. Hệ động vật rừng Côn Đảo đến nay đã ghi nhận được 155 loài (lớp thú có 25 loài, chim 85 loài, bò sát 32 loài, lưỡng cư 13 loài).
Hệ sinh thái biển của Vườn quốc gia Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với nhiều hệ sinh thái đặc trưng như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn. Các nghiên cứu đã xác định được khoảng 1.725 loài sinh vật biển thuộc các nhóm thực vật biển, sinh vật phù du, san hô, giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác, da gai, cá rạn san hô.
Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi có số lượng lớn rùa biển lên đẻ hằng năm, nơi thực hiện việc bảo tồn và cứu hộ loài Rùa xanh (Green turle) nhiều nhất của Việt Nam và quan trọng của khu vực Đông Nam Á – Ấn Độ Dương.
Về tài nguyên du lịch, hiện nay, Vườn quốc gia Côn Đảo chứa đựng các hệ sinh thái tự nhiên có giá trị cao về đa dạng sinh học rừng, đất ngập nước và biển, rất thuận lợi cho việc hình thành các loại hình du lịch sinh thái có đẳng cấp quốc gia, quốc tế, hấp dẫn khách du lịch thích các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu các hệ sinh thái tự nhiên. Các loài động vật, thực vật đặc hữu, quý, hiếm tiêu biểu cho các hệ sinh thái, đã, đang và sẽ trở thành các tiềm năng cho đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái như: Xem rùa đẻ trứng, lặn xem san hô, leo núi ngắm rừng, du lịch thể thao, khám phá thiên nhiên. Vườn quốc gia Côn Đảo được nhiều tổ chức quốc tế công nhận danh hiệu như: Khu Ramsar của thế giới, thành viên chính thức của mạng lưới các Khu bảo tồn rùa biển Ấn Độ Dương – Đông Nam Á…
Hiện nay, theo Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 18/6/2020 của UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Côn Đảo đến năm 2030, Vườn quốc gia Côn Đảo có 20 địa điểm cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn thiên nhiên với diện tích 888,23 ha thuộc hợp phần rừng và 20 ha thuộc phân khu dịch vụ hành chính hợp phần biển phù hợp với hợp với Phương án quản lý rừng bền vững và Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn 2021-2030.
Theo Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn 2021-2030, địa phương sẽ xây dựng 17 tuyến du lịch sinh thái như: Tuyến Đảo Côn Sơn – các đảo nhỏ; tuyến Ma Thiên Lãnh – Hang Đức Mẹ – Ông Đụng; Đất dốc – Núi Nhà Bàn; Sân bay Cỏ Ống – Hòn Cau… Đề án quy định chủ đầu tư phải lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trình cấp thẩm quyền phê duyệt trước khi triển khai dự án trên thực địa; công trình chỉ được xây dựng tại đất trống, trảng cỏ, nơi có cây bụi không có khả năng tự phục hồi… và nhiều quy định xây dựng cụ thể khác.
Việc phát triển du lịch sinh thái tại địa phương dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có của Vườn quốc gia Côn Đảo về cảnh quan, môi trường và sự đa dạng về tài nguyên tự nhiên của hệ sinh thái rừng, biển, đất ngập nước, di tích lịch sử…, kết hợp với mục tiêu thông qua phát triển du lịch góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân và du khách các giá trị về tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn của Côn Đảo để nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Tỉnh hy vọng thông qua đề án, các loại hình và sản phẩm du lịch phục vụ nghỉ ngơi, giải trí, tham quan, học tập và nghiên cứu khoa học… cũng sẽ được phát triển, làm phong phú thêm các hoạt động du lịch của huyện Côn Đảo.
Sau khi đề án được phê duyệt, Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo có thể ký hợp đồng cho thuê đối với một số dự án đã có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh, trên cơ sở đảm bảo mục tiêu hàng đầu về bảo vệ, bảo tồn… duy trì giá trị hoang sơ của cảnh quan thiên nhiên Côn Đảo. Những dự án chưa có chủ trương đầu tư phải chờ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Côn Đảo đến 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với hiện trạng phong phú, đa dạng loài thực vật, động vật ở rừng và cả hệ sinh thái biển, Côn Đảo có hệ sinh thái tự nhiên được đánh giá cao về đa dạng sinh học, thuận lợi cho việc hình thành du lịch sinh thái có đẳng cấp quốc gia, quốc tế, hấp dẫn khách du lịch thích các sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu các hệ sinh thái tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo, Vườn quốc gia Côn Đảo là đơn vị tiên phong trong việc tổ chức hoạt động du lịch sinh thái, giáo dục thiên nhiên, đóng góp hiệu quả vào bảo tồn và phát triển bền vững của Vườn và cộng đồng địa phương. Hiện đơn vị cùng địa phương đang hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch có tiềm năng phát triển cao như: Khám phá thiên nhiên; giải trí, thư giãn, thể thao; nghỉ dưỡng và tĩnh dưỡng, chữa bệnh…
Hiện nay, Vườn quốc gia Côn Đảo cùng huyện Côn Đảo đã có những sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù và nổi tiếng như: Trải nghiệm xem rùa biển đẻ trứng; xem thả rùa con về biển; bơi, lặn khám phá hệ sinh thái biển; tham quan yến tự nhiên làm tổ tại các hang yến; khám phá sân chim biển đảo Hòn Trứng…
Sau khi Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt, Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng, biển, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật thông tin diễn biến tài nguyên rừng cho từng lô, khoảnh, tiểu khu rõ ràng và xây dựng bản đồ hiện trạng tài nguyên thiên nhiên rừng và biển. Bên cạnh đó, tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng theo phương châm 4 tại chỗ; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng hệ thống chòi canh phù hợp nhằm thực hiện nhiệm vụ quan sát lửa rừng, phát hiện sớm cháy rừng để huy động lực lượng chữa cháy kịp thời.
Ngoài ra, Vườn quốc gia Côn Đảo phối hợp cùng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra, ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng, chăn thả gia súc, săn bắt động vật hoang dã và các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, biển; phát triển các dịch vụ trồng, chăm sóc và gắn biển tên cho du khách tham gia trồng cây vì môi trường ở những khu vực phù hợp tạo doanh thu, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch; phát triển các chương trình truyền thông, chương trình giáo dục bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng người địa phương, học sinh, lực lượng vũ trang và du khách thông qua các trò chơi thiên nhiên, diễn giải môi trường và hệ thống bảng biểu, pano tuyên truyền, hướng dẫn du khách ứng xử tốt với môi trường.
Nguồn: Báo Tin tức