Những ngày qua, đoạn clip về việc Bộ trưởng Tô Lâm dự tiệc tại nhà hàng Salt Bae (Anh Quốc) được lan truyền trên MXH. Trong khi phần lớn dư luận có cái nhìn thích thú, tích cực về những hình ảnh ngoại giao có phần khác lạ, thì vẫn có một số những bàn cãi không đáng có.
Trong sự việc này, có những người soi mói cả vào chuyện miếng thịt được cắt thành mấy lát, mỗi lát chia ra bao nhiêu tiền. Lố hơn nữa là soi cả cái cách ăn… Họ soi bằng những ngôn từ mà người bình thường nghe qua ai cũng thấy sượng, chói tai.
Nhưng chẳng hay, cái cuộc soi mói say sưa đó là ngồi lê đôi mách, soi mói để hả hê! Vì nói thẳng, luật pháp Việt Nam không cấm cán bộ cấp cao hàm Bộ trưởng nhận lời mời dự tiệc. Hội nghị COP26 vừa rồi, có cả trăm nước tham dự, thành viên các đoàn không chỉ có quan chức nhà nước, mà còn có cả doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, tập đoàn. Chỉ cần nhìn đoàn Việt Nam có cả những đại diện Tập đoàn lớn nhất nước cũng đủ thấy số lượng doanh nghiệp lớn có mặt COP26 nhiều đến mức nào. Việc một doanh nghiệp hoặc phái đoàn một nước khác có thiết đãi cán bộ Việt Nam ở một nhà hàng sang trọng, cũng chẳng có gì bất thường. Cái việc một người trong thâm tâm thừa sức hiểu nhưng cố tình bắt bẻ, vặn vẹo mới gọi là bất thường.
Chẳng ai chối rằng nhà hàng Salt Bae không phải là nơi sang trọng, bởi nếu không phải thì người ta đã chẳng chiêu đãi ở đó. Một món ăn do “Thánh rắc muối” đầu bếp Nusret Gökçe trực tiếp chế biến, phục vụ có giá niêm yết chính thức là 850 bảng anh, khoảng 20 triệu đồng. Nhưng đây là thủ đô London của nước Anh, thành phố đắt đỏ nhất thế giới. So với mức thu nhập của một lao động phổ thông tại London hơn 70.000 USD/năm thì giá bữa ăn tại nhà hàng Salt Bae chỉ là khá chứ chưa đến mức xa hoa. Nói về độ “xa xỉ”, nó chẳng hơn tô phở 1 triệu đồng tại nhà hàng Square One, khách sạn Park Hyatt TP.HCM là bao.
Không chỉ soi bữa ăn, có người còn soi, thậm chí là nhạo báng cả… cách ăn trong đoạn clip. Nhưng đó là phong cách của quán Salt Bae, ai đã “order” món ăn thì đều ăn như thế cả, mà cũng chỉ là miếng đầu. Chẳng qua đó là văn hóa, phong cách riêng của do nhà hàng. Nó chẳng khác gì việc ăn cà ri bằng tay không của các nhà hàng Ấn Độ, hay các đầu bếp Teppanyaki Nhật Bản ném đồ ăn vào miệng khách. Hay chăng là nên bắt các quán cơm niêu tại Saigon không được ném niêu cơm vèo vèo trước mặt khách, không được đập niêu nữa cho nó tiết kiệm?
Thực tế mà nói, trong bối cảnh một cuộc hội nghị tầm cỡ quốc tế quy tụ hàng trăm nước, việc Bộ trưởng Công an Tô Lâm hiện diện trong một bữa tiệc sang trọng chẳng có gì gọi là bất thường. Mà chính sự soi mói về món ăn, cách ăn của những người đố kỵ, thích chê bai mới là đáng bị chê cười. Trong thời đại mới, tiến bộ, miệng thì nói muốn Việt Nam “giàu có, phồn vinh”, nhưng cứ thấy cán bộ cấp cao dự tiệc, ngang hàng với các nước lớn thì liền chụp ngay chiếc mũ “xa hoa, phung phí”. Trong lòng hiểu rõ tại sao lại có bữa tiệc đó, miệng thấy sượng nhưng vẫn buông lời gièm pha. Cứ coi như là “lỡ đâm thì phải theo lao”, nhưng chiếc lao nào thì cũng chẳng bay mãi. Có lỡ một lời bỉ bôi, bây giờ dừng lại, cũng xem như là kịp lúc.
Hạnh Văn
Nguồn: Cánh cò