Trang chủ Luận bàn - Phản biện Việt Tân là ai mà dám tranh luận với Thủ tướng về...

Việt Tân là ai mà dám tranh luận với Thủ tướng về “Nhân quyền”

243
0

Phàm là lãnh đạo, từng câu từng chữ nói ra ắt hẳn đã được cân nhắc rất kỹ càng. Với lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Phạm Minh Chính, lại phát biểu trong chuyến công tác tại châu Âu về một vấn đề rất nhạy cảm như “Nhân quyền” thì độ chắc chắn phải được nâng lên hàng chục lần. Thế mà tổ chức Việt Tân mới đây lại đòi tranh luận về nhân quyền qua phát ngôn của Thủ tướng trong khi những thứ họ dẫn chứng ra lại rất mơ hồ, vô căn cứ.

Việt Tân là ai mà dám tranh luận với Thủ tướng về “Nhân quyền”
Thủ tướng khi phát biểu trước kiều bào Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland

Nhân quyền hay quyền con người là một định nghĩa rất rộng, và đôi khi bị hiểu nhầm thành “người ta thích cái gì thì có quyền làm cái đó, và gọi là nhân quyền”. Không phải vậy! Con người thời đại mới sống trong tập thể, cộng đồng, xã hội, đất nước thì những “quyền” liên quan đến cái tôi của anh ta phải bị dẹp bỏ bớt để nhường cho cái chung. Ở nơi đông người, anh không được nói to, không hút thuốc. Ở công viên khi anh muốn dắt chó đi chơi anh phải rọ mõm. Dù anh ta có khăng khăng cãi là anh ta có “quyền” như vậy nhưng khi cái “quyền” của anh ta vi phạm quyền được an toàn, quyền được sống trong lành của người khác thì nó sẽ bị dẹp bỏ. Khi nói tới “nhân quyền”, đương nhiên chúng ta nói tới “nhân quyền” của cả một xã hội, một cộng đồng, một quốc gia và khi đó “nhân quyền” không và không thể nào theo kiểu “quyền thích gì làm nấy”. Việt Tân có lẽ cần học lại rất nhiều điều trước khi có ý định “tranh luận” với Thủ tướng.

Việt Tân là ai mà dám tranh luận với Thủ tướng về “Nhân quyền”
Bài viết đầy luận điệu kệch cỡm của Việt Tân.

Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Nguyên văn trích dẫn lời Thủ tướng khi phát biểu trước kiều bào như sau: “Với Việt Nam, nhân quyền lớn nhất của chúng ta là không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; khi khó khăn chúng ta không để ai bị bỏ lại phía sau. Nhân quyền lớn nhất là chúng ta ổn định chính trị. Để bảo vệ nhân quyền thì phải có pháp quyền, và chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.”

Đầu tiên, hãy chú ý từ “lớn nhất”. Điều này thể hiện sự thận trọng khi lựa chọn ngôn từ của Thủ tướng. “Lớn nhất” có nghĩa rằng “không để ai thiếu ăn, thiếu mặc; khi khó khăn chúng ta không để ai bị bỏ lại phía sau” là ưu tiên hàng đầu, ưu tiên số một, những cái khác vẫn có thể có nhưng phải xếp thứ hai, thứ ba.

Quả thực là như vậy, nhu cầu đầu tiên và cơ bản của bất kỳ con người nào sống trên đời là ăn no, mặc ấm, không bị cộng đồng bỏ lại phía sau, và được sống trong môi trường xã hội ổn định. Nhà tâm lý học Abraham Maslow từng đưa ra mô hình kim tự tháp mô tả 5 cấp bậc nhu cầu của con người, trong đó cấp dưới cùng là cấp cơ bản nhất, mô tả những nhu cầu về sinh lý: thức ăn, nước uống, nơi ở, không khí. Mô hình này được ứng dụng rất nhiều trong kinh doanh hiện đại. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời các nhà báo: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Và quả thực, tâm huyết của Bác Hồ được toàn dân Việt Nam ủng hộ, cùng đứng lên chiến đấu để giữ nước và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp hơn.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” là một quyền cơ bản khác thể hiện tính nhân văn của dân tộc Việt Nam. Khi xã hội phát triển, quá trình phân hóa giàu nghèo diễn ra sẽ khiến nhiều người yếu thế bị cộng đồng bỏ lại, ngày càng nghèo hơn kéo theo mức bất bình đẳng thu nhập ngày càng lớn. Điều này không những ảnh hưởng đến cuộc sống của họ mà còn gây bất ổn xã hội, đe dọa lợi ích của cộng đồng. Ta có thể chứng kiến rất nhiều người vô gia cư không nhà cửa đi lang thang trên các con phố xa hoa của nhiều thành phố hiện đại tại Mỹ và châu Âu.

Việt Nam luôn quan tâm đến quyền con người

Ngay trong Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, câu viết đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trang trọng dành cho các quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của con người lần đầu tiên xuất hiện trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ:

“Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

Với ý thức sâu sắc về quyền con người, trong khoảng gần 3 thập kỉ (từ năm 1981 đến năm 2007) Việt Nam đã liên tục tham gia và cam kết thực hiện nhiều công ước quốc tế và nghị định thư quan trọng về quyền con người.

Hiến pháp mới nhất của Nhà nước CHXHCN Việt Nam đã dành 21 điều quy định về quyền con người. Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền Công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2 Điều 14). Một số quy định đáng chú ý khác như:

Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật (khoản 1 Điều 16);

Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, vãn hóa, xã hội (khoản 2 Điều 16);

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam (khoản 1 Điều 18);

Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước (khoản 2 Điều 18);

Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật (Điều 19);

Việt Nam cũng đã tham gia Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (International Convenant on Civil and Political Rights) (viết tắt là Công ước hoặc ICCPR) vào năm 1982. ICCPR được coi là một phần của Bộ luật quốc tế về quyền con người, cùng với ICESCR (Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) và Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 (Universal Declaration of Human Rights – UDHR), được đặt dưới sự giám sát riêng của Ủy ban nhân quyền, độc lập với Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc. Từ khi tham gia ICCPR, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để bảo đảm các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong ICCPR được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR)

Đương nhiên như đã nói ở đầu bài viết, muốn tranh luận về khái niệm quyền con người phải có căn cứ cụ thể, và Việt Tân đã dẫn ra Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị rồi cho rằng Việt Nam không tuân thủ công ước này dù đã gia nhập. Những “quyền” cơ bản mà Việt Tân cho rằng Việt Nam không đáp ứng là “quyền tự do tư tưởng để suy nghĩ, học hỏi; quyền tự do ngôn luận để phát biểu công khai điều mình suy nghĩ và quyền tự do báo chí là quyền tự do diễn đạt”.

Điều đầu tiên cần nói là có vẻ như Việt Tân chưa hề đọc Công ước này, bởi nếu đọc, Việt Tân sẽ biết Công ước này tôn trọng tối đa quyền tự quyết của các dân tộc và pháp luật đặc thù của từng nước. Các nội dung cụ thể là:

Khoản 1 Điều 1 nêu: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.”

Khoản Điều 4: “Trong thời gian có tình trạng khẩn cấp xảy ra đe doạ sự sống còn của quốc gia và đã được chính thức công bố, các quốc gia thành viên có thể áp dụng những biện pháp hạn chế các quyền nêu ra trong Công ước này, trong chừng mực do nhu cầu khẩn cấp của tình hình, với điều kiện những biện pháp này không trái với những nghĩa vụ khác của quốc gia đó xuất phát từ luật pháp quốc tế và không chứa đựng bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội.”

Về quyền tự do ngôn luận, khoản 1 và 2 Điều 19 đề cập rõ đến quyền này nhưng có thêm Khoản 3 như sau:

Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để:

a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác,

b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội.

Điều 22 về quyền tự do lập hội cũng có khoản 2 về việc hạn chế:

Việc thực hiện quyền này không bị hạn chế, trừ những hạn chế do pháp luật quy định và là cần thiết trong một xã hội dân chủ, vì lợi ích an ninh quốc gia, an toàn và trật tự công cộng, và để bảo vệ sức khoẻ hoặc đạo đức của công chúng hay các quyền và tự do của người khác. Điều này không ngăn cản việc đặt ra những hạn chế hợp pháp trong việc thực hiện quyền này đối với những người làm việc trong các lực lượng vũ trang và cảnh sát.

Đặc biệt, điều 20 quy định rõ việc nghiêm cấm các hành vi kích động, thù địch, tuyên truyền bạo loạn lật đổ

Mọi hình thức tuyên truyền cho chiến tranh đều bị pháp luật nghiêm cấm.

Mọi chủ trương gây hằn thù dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo để kích động sự phân biệt đối xử về chủng tộc, sự thù địch, hoặc bạo lực đều phải bị pháp luật nghiêm cấm.

Như vậy, ta cũng thấy căn cứ theo Điều 20 thì đề xuất của Việt Tân liên quan đến việc thả các đối tượng phản động, kích động bạo loạn lật đổ như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy… thật là lố bịch và khó hiểu.

Hi vọng Việt Tân chịu khó học hỏi thêm trước khi có ý định “đòi tranh luận” với Thủ tướng, nếu không e chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

An Diễm


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây