Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Tháp có cơ sở để đẩy mạnh kết nối, phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương trong điều kiện thích ứng an toàn với COVID-19.
Phát triển du lịch gắn với đặc trưng
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Đồng Tháp có trên 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp. Những năm gần đây, Đồng Tháp đã có sự phát triển mạnh về du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng, trải nghiệm làng nghề. Loại hình du lịch này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế bền vững mà còn góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa bản địa. Đặc biệt, trong bối cảnh “bình thường mới” thì loại hình này càng có nhiều cơ hội phát triển mạnh trong thời gian tới. Do đó, Đồng Tháp cần đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch này để giới thiệu đến với du khách TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh đề nghị tỉnh Đồng Tháp chú trọng khai thác Di tích lịch sử và khảo cổ Gò Tháp xây dựng thành sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử và về nguồn trong chương trình du lịch liên tuyến; cần nghiên cứu khai thác cửa khẩu quốc tế Dinh Bà với nước bạn Campuchia, bởi đây cũng là một trong những cơ hội có thể khai thác đưa khách quốc tế đến Đồng Tháp và các vùng lân cận trong liên kết…
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện Đồng Tháp là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, phù hợp với thị trường khách du lịch TP Hồ Chí Minh như: sản phẩm du lịch gắn với mùa nước nổi, sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp, sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử, sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống nổi tiếng, làng hoa Sa Đéc nổi tiếng, sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực vùng đất sen hồng…
Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng xác định Đồng Tháp cũng là thị trường khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh với các sản phẩm du lịch chủ lực như: du lịch đô thị, du lịch mua sắm, giải trí, chăm sóc sức khỏe, văn hóa – lịch sử…
Hiện nay, du khách đi du lịch phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn…
Tuy nhiên, vừa qua, chương trình liên kết du lịch cũng còn một số hạn chế tồn tại như: liên kết xây dựng tour du lịch gắn kết 2 địa phương chưa tạo ra các chương trình, sản phẩm mới thật sự hấp dẫn; đặc biệt là các chương trình du lịch thu hút khách từ Đồng Tháp đến TP Hồ Chí Minh chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trên báo đài, website du lịch, các trung tâm thông tin du lịch của hai địa phương chưa hiệu quả cao; các chính sách kích cầu về giá và dịch vụ chưa cụ thể nên chưa tạo được sức hấp dẫn cho doanh nghiệp lữ hành xây dựng các chương trình du lịch đến Đồng Tháp.
Để khắc phục các hạn chế trên, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa cho rằng, hai địa phương cần đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của hai địa phương để có sản phẩm liên kết chủ lực; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao nhận thức và định hướng phát triển du lịch cho đội ngũ cán bộ ngành và doanh nghiệp tại Đồng Tháp nói riêng và các tỉnh ĐBSCL nói chung.
Các tỉnh miền Tây luôn thu hút du khách TP Hồ Chí Minh với sản phẩm du lịch đường sông. Ảnh chụp khi chưa có dịch bệnh
“Hòa nhập nhưng không hòa tan”
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du Ngoạn Việt cho rằng, khi liên kết du lịch với nhau, mỗi tỉnh, thành cần phải giữ nguyên thế mạnh của mình trên tinh thần “hòa nhập nhưng không hòa tan”. “Vừa qua, chúng tôi đi khảo sát du lịch ở Đồng Tháp thấy có sản phẩm du lịch là tham quan bè cá. Đây không phải sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp mà là của tỉnh An Giang. Đến Đồng Tháp, du khách được tham quan Tràm Chim, đây mới là sản phẩm đặc sản của tỉnh. Đồng Tháp cần phát triển và làm đa dạng sản phẩm này để hút khách về tỉnh”, ông Phan Xuân Anh nói.
Cũng theo ông Phan Xuân Anh, việc liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng phải được thực hiện đồng bộ về chính sách, sản phẩm, cách làm… Cụ thể, du khách đến TP Hồ Chí Minh dễ dàng nhưng khi về Đồng Tháp lại bị chặn, như vậy không phải là liên kết, nó còn thể hiện sự không thống nhất về chính sách đón khách du lịch giữa các tỉnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho biết, việc liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây sẽ phát huy hiệu quả hơn nữa khi thí điểm đón khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh. Bởi, TP Hồ Chí Minh hiện không chỉ là trung tâm du lịch lớn nhất cả nước mà Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là trung tâm nhận và trung chuyển nguồn khách quốc tế đi các điểm đến lân cận, trong đó có các tỉnh miền Tây.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp Hội du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, liên kết du lịch giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh cần được đẩy mạnh khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và tỉ lệ người dân tiêm vaccine cao. Ảnh: CTV
“Nếu xét theo độ phủ vaccine, hiện TP Hồ Chí Minh là điểm đến an toàn và đáp ứng yêu cầu thí điểm đón khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”. Khi đề xuất thí điểm được thông qua, nguồn khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh, sau đó có thể đi những tour khép kín, tour trọn gói khám phá các điểm đến ở ĐBSCL, gia tăng hiệu quả liên kết du lịch cũng như thêm sự lựa chọn cho du khách và nhanh chóng khôi phục ngành du lịch”, ông Nguyễn Hữu Ý Yên chia sẻ thêm.
Về tình hình mở cửa ngành du lịch của Đồng Tháp, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện tỉnh đang có mức độ dịch ở mức độ 2 (nguy cơ trung bình); các cơ sở, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch được hoạt động trở lại. Vì vậy, tỉnh đã xác định “mở cửa phải an toàn, an toàn mới mở của” và tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp ứng phó linh hoạt, thích nghi an toàn với các ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Tháp cũng triển khai các giải pháp khôi phục lại hoạt động du lịch, tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động kích cầu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch với các sản phẩm đặc thù. Để mở cửa ngành du lịch, tỉnh còn huy động sự tham gia hưởng ứng của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm xây dựng các chương trình du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thu hút được du khách. Đồng thời, Đồng Tháp cũng đã phát huy liên kết giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long với phương châm “Liên kết – Hành động – Phát triển”.
Đồng Tháp nổi tiếng với sản phẩm du lịch tại vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: CTV
Tuy nhiên, để rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp, theo bà Phan Thị Thắng, tỉnh Đồng Tháp cần nâng cấp hạ tầng giao thông của Quốc lộ N2, Quốc lộ 30 và Quốc lộ 80 trên địa phận Đồng Tháp để tạo thuận lợi cho việc lưu thông của các phương tiện vận chuyển khách du lịch. TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp cần tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi các dự án đầu tư cơ sở dịch vụ lưu trú, ăn uống và mua sắm đặc sản địa phương đạt chuẩn để phục vụ khách du lịch, góp phần tăng chi tiêu của du khách đi và đến giữa hai tỉnh.
“Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra thì việc phát triển du lịch phải gắn với việc đảm bảo an toàn phòng dịch. Cụ thể, các doanh nghiệp giữa các tỉnh cần tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch, tiếp tục kích thích nhu cầu đi du lịch của người dân nhưng vẫn đảm bảo thành quả phòng, chống dịch của hai địa phương. Chấp hành nghiêm các tiêu chí “du lịch phải an toàn, an toàn trong du lịch” và tận dụng lợi thế của từng địa phương để phát triển kinh tế du lịch trong tình hình mới”, bà Phan Thị Thắng đề xuất.
Nguồn: Báo Tin tức