Ngôn ngữ là sản phẩm của đời sống con người với tư cách là phương tiện giao tiếp, phương tiện trao đổi ý kiến trong xã hội, phương tiện giúp cho người ta hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau tổ chức công tác chung trên mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội. Việc sử dụng ngôn ngữ như thế nào là thói quen từng người, miễn là tôn trọng người khác và đạt hiệu quả giao tiếp là được. Vậy mà lại có những người dùng đôi mắt đen tối để rồi soi mói ngôn từ và phỉ báng người khác, như bà Song Chi trong bài viết mới đây chẳng hạn.
Trong bài viết trên tài khoản cá nhân của mình, bà Song Chi cho rằng “ngôn từ trong công văn và báo chí hiện nay bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ chiến tranh nên dùng quá nhiều từ mang ý nghĩa chiến đấu”, rồi từ đó bà cho rằng những người dùng các ngôn từ ấy nhất định là rất “bạo lực”. Thật là oan cho ngôn ngữ, bởi vốn dĩ nó chỉ là công cụ trung tính được sử dụng tùy từng hoàn cảnh phù hợp với thực tế. Ngôn ngữ không có tính cá nhân và không phụ thuộc vào cá nhân, mà nó là sản phẩm của tập thể, nó tồn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của xã hội.
Ngôn ngữ là sản phẩm của đời sống xã hội
Các nhà ngôn ngữ học đã đưa ra định nghĩa về ngôn ngữ như sau: “Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu âm thanh đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng người; ngôn ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy. Truyền đạt truyền thống văn hoá – lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác.”
Thật vậy, ngôn ngữ hình thành và phát triển từ đời sống, kế thừa văn hóa và lịch sử của các thế hệ đi trước truyền lại cho đời sau. Chúng ta có những thể loại như thành ngữ, tục ngữ, ca dao với nội dung thường phản ánh những kinh nghiệm về lao động sản xuất, ghi nhận các hiện tượng lịch sử xã hội loài người, hoặc thể hiện triết lý dân gian của dân tộc. Rất nhiều câu thành ngữ được thế hệ trước làm ra, dùng chất liệu ngôn từ mộc mạc của đời sống thời xưa, nhưng vẫn phù hợp để dùng trong đời sống thời nay, dù nếu bóc tách ngôn từ ra thì nhiều người thời nay sẽ không hiểu. Ví dụ:
“Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng”, chỉ việc không đáng làm, để đạt được việc nhỏ bỏ công sức quá to.
“Biết đâu ma ăn cỗ”, chỉ việc làm không ai biết, ai biết được ma ăn cỗ lúc nào.
“Bụt chùa nhà không thiêng”, ý nói cách dùng người, luôn xem thường người tài bên cạnh, tung hô người ở nơi khác.
Ngôn ngữ “thời chiến” mà Song Chi đề cập là di sản để lại của người Việt Nam thời hiện đại qua hàng ngàn năm chiến đấu dựng nước và giữ nước. Những từ như “mặt trận”, “chiến sĩ” đã trở nên gần gũi, bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ với đa số mọi người. Những thành tựu trong cuộc sống được gọi bằng “chiến thắng”. Quá trình phấn đấu gian khổ có thể được ví von là “trường kỳ kháng chiến”. Ta có thể nghe lời các bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, “dậy mà đi hỡi đồng bào ơi” trên khán đài trong mỗi trận thi đấu thể thao. Những cá nhân giành danh hiệu mang vinh quang về cho Tổ quốc được gọi là “anh hùng”. Điều đó đâu có nhất thiết là phải đánh nhau?
Ngôn ngữ trong đời sống vốn biến đổi liên tục từ thế hệ nay sang thế hệ khác. Sẽ có những ngôn từ không ai dùng, không hiểu nữa, và có những ngôn từ mới được sinh ra. Điều đó không phụ thuộc cá nhân lãnh đạo hay ai đó thích dùng, mà nó phụ thuộc vào đời sống. Ta cũng có thể nói nếu những ngôn từ “chiến đấu” mà bà Song Chi liệt kê còn được sử dụng nhiều trong đời sống hôm nay, đó là bởi nó có sức sống mãnh liệt, gắn với niềm tự hào một thời và bản sắc văn hóa của người Việt Nam.
Trong chiến tranh, ngôn từ là sức mạnh tinh thần
So sánh giữa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và chế độ ngụy quyền gọi là Việt Nam Cộng Hòa trong thời chiến tất nhiên là một khoảng cách rất xa. Giữa một bên chiến đấu để giải phóng dân tộc, chiến đấu vì lòng yêu nước, “tất cả vì tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng” với một bên hủ bại, suy đồi trong hưởng thụ.
Trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn, những người dân Việt Nam “chân trần, chí thép” với ý chí nghị lực phi thường đã làm nên nhiều chiến công, khiến kẻ thù phải ngã mũ, thế giới kính phục. Có nhà văn Mỹ nói đại ý “Tôi không hiểu vì sao người Việt Nam có thể bền bỉ đến thế, họ chiến đấu hàng trăm năm với kẻ thù xâm lược, từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không ngơi nghỉ”. Cái gì đã khiến những người dân thường, thiếu ăn thiếu mặc, trang bị cũng thiếu thốn lại có thể huy động được tinh thần và nhiệt huyết lên đến mức độ ấy? Đó là nhờ công tác tư tưởng, bằng những bài thơ, bài hát, khẩu hiệu.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã đặc biệt quan tâm công tác tư tưởng, coi đó là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với sự tham gia của toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng chuyên trách làm nòng cốt. Công tác tư tưởng đã được triển khai thống nhất, thường xuyên, liên tục, hình thành nên mặt trận tư tưởng rộng khắp trong cả nước.
Quảng Bình, mảnh đất oằn mình trong gió Lào, cát bỏng, mảnh đất đòn gánh hai đầu đất nước, trong những năm tháng chống Mỹ ác liệt, con người mảnh đất ấy đã không tiếc máu xương, vừa sản xuất, vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Theo cuốn “Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình” thì từ trong cuộc chiến đấu đầy hy sinh, gian khổ đã xuất hiện nhiều khẩu hiệu hành động sắc bén được đúc thành phương châm chỉ đạo: “Tay cày, tay súng – tay búa, tay súng – tay chèo, tay súng”, “Bám làng mà chiến đấu, bám đồng ruộng mà sản xuất, bám hố bom mà thâm canh”; “Hợp tác xã là pháo đài, chi bộ là cốt thép, xã viên là chiến sỹ”; “Đâu khó có chỉ huy, đâu gian nguy có lãnh đạo”; “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; “Đứt dây như đứt ruột, gãy cột như gãy xương”; “Trận địa là nơi đường xấu, lý tưởng chiến đấu là lúc gian nguy”… Nhờ vậy, trong phong trào thi đua “Hai giỏi”, quân dân Quảng Bình đã xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu.
Trong sản xuất nông nghiệp, những khẩu hiệu như “Vững tay cày, chắc tay súng”, “Địch đến là đánh, địch đi là sản xuất”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Mất cây này, trồng cây khác”, “Trời làm mất, bắt đất bù”, … đã làm nên khí thế sôi nổi trên mảnh đất kiên cường.
Ta cũng nhớ đến nhà thơ Tố Hữu với các bài thơ “Đi cùng đất nước”. Những vần thơ đầy tâm huyết trong bài “Đi”: Đi bạn ơi, đi sống đủ đầy/ Sống trào sinh lực, bốc men say thực sự là lời giục giã, thôi thúc, khích lệ quần chúng cách mạng, đặc biệt thế hệ trẻ phải biết tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông. Rồi thì “Chín năm kháng chiến thánh thần/ Gậy tầm vông đánh tan quân bạo tàn” để tổng kết 9 nắm kháng chiến chống thực dân Pháp. Và những câu thơ thật xúc động nhắc nhớ mỗi người về một thời gây dựng đầy khó khăn và gian khổ: Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá/ Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô/ Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!… đồng thời cũng là lời nhắc nhở những thế hệ sau biết quý trọng, nâng niu từng chút hạnh phúc đơn sơ, từng thành quả nhỏ bé, từng sự hy sinh, đóng góp của “những người lao động quang vinh”, xây dựng hậu phương miền Bắc vững mạnh, đủ tiềm lực để “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Có như vậy mới có được “cơ đồ” Việt Nam như hôm nay.
Rồi những câu hát đi cùng năm tháng “Gặp em trên cao lộng gió, rừng Trường Sơn ào ào lá đổ”, “Anh vào mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch/ Bồi hồi đêm xuất kích chợt nghe tiếng pháo ran…”
Chúng ta chẳng ngại ngần gì mà không nói rằng những khẩu hiệu, ngôn từ giàu sức chiến đấu, giàu tình yêu quê hương đất nước trong thời chiến thật là đẹp, thật là đồng cảm, đã giúp đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để đi tới thắng lợi cuối cùng.
Trong thời bình, ngôn ngữ “chiến đấu” không hẳn là chiến đấu
Ngày 12/2/2021 tại Mỹ diễn ra một sự kiện đặc biệt. Đó là ngày diễn ra phiên tranh luận trong phiên tòa xét xử của Thượng viện Mỹ đối với cựu Tổng thống Donald Trump. Ông ta bị cáo buộc dùng những ngôn từ “chiến đấu” để kích động những người ủng hộ xông vào tòa quốc hội khi ông nói “Và chúng ta chiến đấu. Chúng ta chiến đấu quyết liệt.” (“And we fight. We fight like hell.”)
Để phản bác lập luận của phe Dân chủ, luật sư biện hộ của Trump phát video dài hơn 10 phút cho thấy nhiều thượng nghị sĩ đảng Dân chủ như Elizabeth Warren, cùng với Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris sử dụng từ “chiến đấu” hàng trăm lần trong các bài phát biểu và trên truyền hình khi vận động tranh cử năm 2020. Video cũng cho thấy các “công tố viên” trong phiên tòa luận tội từng kêu gọi “chiến đấu” chống lại Trump về nhiều vấn đề. “Các đảng viên Dân chủ sẽ chiến đấu chống lại ông ấy và thách thức ông ấy bằng mọi cách mà chúng ta có thể, trong quốc hội, tại tòa án và trên đường phố”, lời nói của nghị sĩ Joaquin Castro được đưa vào video. Video kết thúc với cảnh Biden thúc giục người ủng hộ: “Đừng bao giờ từ bỏ cuộc chiến này”.
“Tất cả mọi người ở đây đều dùng nó”, luật sư của Trump là David Schoen nói, chỉ vào các nhà lập pháp trong Thượng viện. “Nhưng ổn thôi, các ông các bà không làm gì sai cả. Đó là từ mà mọi người đều dùng”, Schoen nói với họ. “Nhưng làm ơn, đừng đạo đức giả nữa”.
Kết quả của màn bào chữa này là ông Trump được Thượng viện Mỹ tha bổng. Cần hiểu, những ngôn từ “chiến đấu” đơn thuần là những ngôn từ có sức nặng, có khả năng thuyết phục mạnh mẽ mọi người, và ai cũng có thể hiểu, nên tính ứng dụng phổ biến cũng không có gì lạ.
Đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã gây bao hậu quả nghiêm trọng cho xã hội và thiệt hại không biết bao nhiêu sinh mạng của nhân loại. Ngay trên trang chủ, Tổ chức y tế thế giới WHO kêu gọi mọi người đoàn kết “to unite the world in the fight against coronavirus” (để đoàn kết thế giới trong trận chiến chống coronavirus). Vậy thì Việt Nam ta với khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” cũng gọi là đi theo đúng trào lưu quốc tế đấy chứ, phải không bà Song Chi?
Còn trong cuộc chiến chống những kẻ phá hoại, các thế lực thù địch gây “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, việc sử dụng những ngôn ngữ chiến đấu cũng chẳng cần bàn cãi. Có chăng, nó gây khó chịu với những “ai đó” vốn không có những thiện cảm sẵn.
Nhà văn Nam Cao từng có một tác phẩm xuất sắc tên là “Đôi mắt” kể về một nhân vật nhà văn Hoàng nhưng cũng là một tay “chợ đen rất tài tình”. Anh ta sống bên cạnh những người nông dân và thường xuyên chê bai họ vì họ hay nói những ngôn từ và khẩu hiệu mộc mạc. Có những đoạn trích như thế này: “Ở nơi ở mới, sống bên cạnh những người nông dân, trong đôi mắt Hoàng, người dân quê “toàn là những người đần độn, lỗ mãng, ích kỷ, tham lam, bần tiện cả”.
“Hoàng đã tự chọn lối sống “khép kín”, lạc lõng trước thời cuộc của đất nước. Ngày ngày, Hoàng sống trong căn nhà có màn tuyn trắng toát, chăn bông thoang thoảng mùi nước hoa, nghĩ các món ăn, đọc tiểu thuyết trước khi đi ngủ và giao du với những trí thức ‘rởm’”.
Và Nam Cao đã đúc kết: “Hoàng với cái nhìn phiến diện, một chiều, chỉ nhìn thấy những xấu xa của người nông dân và thấy cuộc sống “chua chát”.
An Diễm
Nguồn: Cánh cò