Trang chủ Tin tức TP Hồ Chí Minh kết nối thị trường du lịch miền sông...

TP Hồ Chí Minh kết nối thị trường du lịch miền sông nước

158
0

Tiếp tục thực hiện kế hoạch phục hồi du lịch, ngành Du lịch TP Hồ Chí Minh đã và đang đẩy mạnh triển khai các nội dung trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025.

Bên cạnh sự nỗ lực không ngừng của chính quyền các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành cũng chủ động, linh hoạt sản phẩm tuyến tour liên kết phù hợp với diễn biến mới của thị trường du lịch hiện nay. 

TP Hồ Chí Minh kết nối thị trường du lịch miền sông nướcBến Nhà Rồng là nơi thu hút khách du lịch. Ảnh: vietnam.vnanet.vn

Khai thác đặc trưng vùng miền

Cụ thể, vừa qua Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng đã có chuyến khảo sát và hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh Bến Tre và Long An. Qua đó, Đoàn công tác đã khảo sát đa dạng điểm đến của tỉnh Bến Tre như làng nghề, khu du lịch sinh thái, dịch vụ lưu trú…; tại Long An là Khu bảo tồn và nghiên cứu dược liệu Đồng Tháp Mười, Khu du lịch sinh thái làng nổi Tâp Lập…

Theo bà Phan Thị Thắng, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh cần tăng cường mở rộng xây dựng, chào bán những sản phẩm liên tuyến, liên vùng, nhất là những vùng xanh. Ngoài Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ngành Du lịch các địa phương phải đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp để tổ chức thêm phong phú chương trình du lịch kết nối liên vùng. Điển hình, các địa phương phải khuyến khích doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành tham gia mở tuyến tour kết nối giữa vùng Đông Nam Bộ – TP Hồ Chí Minh – Bến Tre, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, kích thích nhu cầu đi du lịch và giải trí của du khách sau thời gian dài giãn cách. 

Bà Phan Thị Thắng cũng cho rằng, các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động phối hợp chuẩn bị sản phẩm cho kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2022 sắp đến trên cơ sở đảm bảo tiêu chí an toàn phòng, chống dịch bệnh. Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cho một số tỉnh, thành mở cửa đón khách quốc tế đảm bảo tiêu chí thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn tạm thời thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam. Do đó, với du khách đăng ký tour trên 7 ngày, sau khi được xét nghiệm âm tính trong ngày thứ 7, có thể kéo dài hành trình du lịch sang địa phương khác được phép đón khách nhưng vẫn phải theo tour trọn gói, khép kín. Chủ trương này sẽ mở ra cơ hội đón khách quốc tế đến TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020-2025.

TP Hồ Chí Minh có lợi thế là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế trên cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không… Bên cạnh lợi thế về hạ tầng giao thông, TP Hồ Chí Minh còn có lợi thế về cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành và đội ngũ nhân sự hoạt động trong ngành du lịch chuyên nghiệp và chất lượng. Sản phẩm du lịch chủ lực của TP Hồ Chí Minh khá đa dạng, vừa có du lịch đô thị, du lịch nông nghiệp sinh thái, du lịch mua sắm, ẩm thực, thể thao, vui chơi giải trí và cả văn hóa – lịch sử.

Những lợi thế này, có ý nghĩa rất lớn trong việc liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long. Trong nhiều năm qua (trước khi dịch COVID-19 bùng phát) TP Hồ Chí Minh luôn đóng góp gần 50% lượng khách quốc tế của cả nước, 1/3 lượng khách du lịch nội và 1/4 doanh thu du lịch của cả nước. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, trong tháng 10/2021, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều chương trình du lịch “nội thành” và chương trình du lịch liên tỉnh đầu tiên với địa phương ở vùng Đông Nam Bộ như Tây Ninh theo các tiêu chí an toàn thích ứng với COVID-19. Hay Bến Tre là một địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch nhất là du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, làng nghề gắn với các sản phẩm đặc trưng từ cây dừa… cách TP Hồ Chí Minh không xa. 

Gia tăng trải nghiệm du lịch

Ngành Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng nên liên kết du lịch là một vấn đề tất yếu cần phải hiện thực. Đặc biệt, ngành Du lịch không thể phát triển nếu không có sự liên kết ngành và liên kết vùng. Trong xu hướng gia tăng trải nghiệm của du khách với chương trình du lịch “một hành trình nhiều điểm đến”, thì việc liên kết lại càng cần thiết. Điển hình, liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã có từ rất sớm. Trong bối cảnh dịch COVID-19, toàn bộ các tỉnh, thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội dẫn đến liên kết du lịch vùng cũng phải tạm gián đoạn trong khoảng  thời gian qua.

TP Hồ Chí Minh kết nối thị trường du lịch miền sông nướcDu khách tham quan kênh rạch Nam Bộ. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN

Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho biết, Vietravel dự kiến triển khai hàng loạt sản phẩm hướng đến thúc đẩy phát triển du lịch liên vùng TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long qua nhiều hành trình như TP Hồ Chí Minh-Khu du lịch Xẻo Quýt-Sắc màu Làng hoa kiểng Tân Quy Đông (1 ngày); TP Hồ Chí Minh-Long An-Khám phá con đường xuyên rừng tràm Tân Lập (1 ngày); TP Hồ Chí Minh-Cần Giờ-Bến Tre (3 ngày)… với giá trọn gói chỉ từ 790.000 đồng/khách. Song song đó, là sản phẩm tour miền Tây truyền thống gồm: Mỹ Tho – Thới Sơn – Bến Tre (1 ngày); Tiền Giang – Cần Thơ – Sóc Trăng – Bạc Liêu – Cà Mau – Đất Mũi (4 ngày); Năm Căn – Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau – Vườn Quốc gia U Minh Hạ – Bạc Liêu (4 ngày); Châu Đốc – Rừng tràm Trà Sư – Hà Tiên – Rạch Giá – Cần Thơ (4 ngày)… có giá từ 499.000 đồng- 3.990.000 đồng/khách.

Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho hay, từ tháng 11/2021 trở đi, du khách Việt Nam có “Thẻ xanh COVID” sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn khi đi du lịch trong nước. Hiện đa số tỉnh, thành đang khẩn trương thống nhất phương án mở cửa đồng loạt nhưng vẫn đảm bảo tiêu chí an toàn.

Trong tình hình mới, tất cả nhân sự phục vụ trong ngành du lịch từ đơn vị lữ hành đến đơn vị cung ứng dịch vụ và du khách đều phải được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine và tuân thủ nguyên tắc 5K khi phục vụ hay tham gia tour… Cùng với đó, nhiều địa phương triển khai “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ nên hoạt động thương mại trong nước và vận tải dần khôi phục trở lại ngay trong tháng 10/2021. 

Hiện nay, ngành Du lịch cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng cũng đã nhanh chóng triển khai đa dạng chương trình xúc tiến phát triển du lịch liên vùng, để kịp thời vực dậy ngành du lịch trong nước, tạo đà cạnh tranh với các nước trong khu vực. Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú tháng 10/2021 của thành phố đạt 598 tỷ đồng, tăng 12,8% so với tháng trước và giảm 92,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động du lịch lữ hành phát sinh doanh thu là 11 tỷ đồng, giảm 15,4% so với tháng trước và giảm 97,7% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp hoạt động lữ hành đã và đang xây dựng và triển khai các tour du lịch nội tỉnh như tour tới huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, nhằm khởi động lại ngành du lịch sau nhiều tháng liên tục không phát sinh doanh thu do tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19.

Mỹ Phương  (TTXVN)

TP Hồ Chí Minh kết nối thị trường du lịch miền sông nước

Trải nghiệm mở trong các tour khép kín – bước chuẩn bị để phục hồi du lịch

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, Nguyễn Thanh Hồng cho biết, tỉnh là một trong những địa phương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lộ trình mở lại hoạt động du lịch quốc tế theo ba giai đoạn.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây