Chuyến công du đến Paris của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery chia sẻ về mục đích, những nội dung làm việc chính trong chuyến công du đến Paris lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay sau COP26.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Pháp
Sau khi tham dự Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có chuyến thăm chính thức đến Pháp từ ngày 3 đến 5 tháng 11.
Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex, Thủ tướng sẽ có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháo từ 3/11 đến 5/11. Đây là chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên tới một quốc gia châu Âu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện kể từ ngày nhậm chức.
Chuyến đi có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 nước, đưa quan hệ hai phía đi vào chiều sâu và thực chất.
Sau lễ đón chính thức, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Jean Castex sẽ có buổi hội đàm, cùng chứng kiến lễ ký các văn bản hợp tác. Ngoài ra, dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Pháp.
Việt Nam và Pháp chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ ngày 12/4/1973, ký tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược từ tháng 9/2013.
Pháp sẽ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính với nghi thức lễ tân rất cao
Trao đổi với báo chí trước chuyên thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ Pháp Nicolas Warnery khẳng định người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ được Paris đón tiếp bằng nghi thức lễ tân cao nhất.
“Pháp sẽ đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam với nghi thức lễ tân cấp cao. Cụ thể là Tổng thống, Thủ tướng và các lãnh đạo Thượng viện, Quốc hội Pháp sẽ đón, hội đàm, thảo luận với Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam về những vấn đề hai bên quan tâm”, Đại sứ Nicolas Warnery nhấn mạnh.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Hà Nội – Paris đang hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2023.
Đại sứ Warnery bày tỏ rất vui mừng và hân hạnh khi ngay sau Hội nghị COP26 tại Glasgow (Anh), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã chọn Pháp là quốc gia đầu tiên ở châu Âu để thực hiện chuyến thăm chính thức.
“Quyết định này thể hiện tầm quan trọng, vị thế của quan hệ song phương và khu vực của cả hai bên”, Đại sứ Pháp nhận định.
Ông Nicolas Warnery cho rằng, cả Pháp và Việt Nam đều mong muốn, nhân chuyến thăm lần này sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
“Về phía Pháp, chúng tôi mong muốn đây là cơ hội để cụ thể hoá các chương trình hoạt động, dự án hợp tác trong khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước”, Đại sứ nói.
Đối tác chiến lược Việt – Pháp: Quan hệ khăng khít
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đánh giá, Việt Nam và Pháp có mối quan hệ với bề dầy truyền thống và những gắn kết sâu sắc về lịch sử, văn hóa. Trải qua các giai đoạn lịch sử, quan hệ giữa hai nước đã có những chuyển biến sâu rộng và ngày càng phát triển toàn diện.
Pháp là nước sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam được ký năm 1973. Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, thời kỳ Việt Nam bị bao vây cấm vận, Pháp là nước phương Tây duy nhất duy trì quan hệ hợp tác văn hoá, khoa học-kỹ thuật, giáo dục và đào tạo với Việt Nam.
Khi công cuộc Đổi mới của Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu và Việt Nam tăng cường hội nhập vào cộng đồng quốc tế, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Francois Mitterand vào tháng 3/1993 đánh dấu một bước chuyển trọng tâm quan trọng dành cho quan hệ với Việt Nam trong chính sách của Pháp hướng tới khu vực.
Quan hệ Việt-Pháp vượt qua khuôn khổ song phương để dựa vào quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Việt Nam sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ chính thức với EU năm 1990 và ký Hiệp định khung hợp tác năm 1995.
“Pháp luôn là một trong các đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu cũng như trên thế giới. Pháp coi trọng vị trí của Việt Nam tại khu vực cũng như trong các chiến lược, chính sách mà Pháp đã và đang triển khai tại Đông Nam Á và khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng cho hay, khi Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013 không chỉ phản ánh một mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng và thúc đẩy trong nhiều thập kỷ trước đó, mà còn thể hiện mong muốn và quyết tâm của hai bên đưa quan hệ song phương phát triển vượt bậc hơn, sâu rộng hơn với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc.
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp từ đó thực sự đã có những bước triển khai cụ thể, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên về cả chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp. Hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực đã được ký kết.
Các chuyến thăm chính thức Pháp tháng 3/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tháng 4/2019 của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cũng như chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe tháng 11/2018 đã đánh dấu 5 năm phát triển hiệu quả của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp.
Theo Đại sứ Thắng, việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gửi thư chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ XIII và các cuộc điện đàm tiếp đó giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Macron, giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Pháp Jean Castex, giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean Yves Le Drian là sự thể hiện “quan hệ chính trị khăng khít” giữa hai nước.
Pháp ủng hộ Việt Nam trong tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông
Đại sứ Nicolas Warnery cho rằng, Việt Nam-Pháp đã có sự hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong ASEAN. Pháp rất vinh dự khi trở thành đối tác phát triển của ASEAN.
“Cả Việt Nam và Pháp đều có mối quan hệ chiến lược và cách tiếp cận tương đồng trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Ví dụ như Pháp luôn ủng hộ Việt Nam trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế trong vấn đề Biển Đông, không chỉ bằng lời nói mà cả hành động cụ thể”, Đại sứ Warnery bày tỏ.
Theo Đại sứ, Việt Nam là một nước nằm ở khu vực trung tâm Đông Nam Á, nói rộng hơn là khu vực trọng tâm của Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong chính sách đối ngoại chung của các nước Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Pháp.
Về vấn đề này, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cũng chia sẻ cùng quan điểm. Ông Thắng nhấn mạnh Việt Nam và Pháp có sự phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề quốc tế và trên các điễn đàn đa phương quan trọng như Liên hợp quốc, hợp tác ASEAN-EU, Hội nghị Á-Âu (ASEM), Pháp ngữ.
“Hai nước cũng duy trì các trao đổi về nhiều vấn đề an ninh khu vực, có sự đồng quan điểm về sự tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, về tự do hàng hải, hàng không, đảm bảo hòa bình, an ninh và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh.
Theo Đại sứ, sự phối hợp giữa hai nước để cùng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu, đảm bảo phát triển bền vững được đẩy mạnh.
“Quan hệ Việt – Pháp có sự tích lũy quan trọng cả về chất và lượng”
Theo Đại sứ Thắng, hợp tác kinh tế là một lĩnh vực quan trọng nhiều dấu ấn. Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương vốn viện trợ trực tiếp chính thức (ODA) hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019.
Tính đến tháng 8 năm nay, Pháp đang đứng thứ ba trong số các nước châu Âu và đứng thứ 16/141 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 605 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,6 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư là 3,04 triệu USD.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết, hiện đang có hơn 300 doanh nghiệp Pháp hoạt động trong rất nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam, nhưng đồng thời cũng đang có những doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam đã và đang triển khai hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Pháp.
Tuy nhiên, Đại sứ lưu ý, kết quả này được đánh giá là còn khá “khiêm tốn” so với tiềm năng hợp tác của quan hệ Việt-Pháp, so với thế mạnh của các doanh nghiệp Pháp cũng như so với nhu cầu đầu tư, phát triển của Việt Nam.
Hai nước có nhiều chương trình trao đổi và hợp tác đào tạo đại học và sau đại học phong phú và đa dạng với hàng trăm thỏa thuận đã được ký kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hai bên. Hiện có khoảng 7.000 sinh viên Việt Nam theo học tại Pháp. Hợp tác y tế đã trở thành lĩnh vực chủ chốt với số lượng 30 hội hợp tác y học Pháp-Việt tập hợp theo chuyên khoa hoặc theo địa bàn các địa phương, trao đổi hợp tác thường xuyên.
Về hợp tác y tế, Chính phủ Pháp vừa qua đã chia sẻ đợt đầu hơn 670.000 liều vaccine Covid-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Quan hệ hợp tác giữa các địa phương hai nước cũng được mở rộng với sự tham gia của 24 địa phương của Pháp và 33 tỉnh, thành của Việt Nam với 11 hội nghị hợp tác phi tập trung đã được tổ chức trong những năm qua.
Trong khi đó, Đại sứ Warnery đánh giá hợp tác y tế là lĩnh vực đã có bề dày truyền thống giữa Việt Nam và Pháp. Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Việt Nam dự kiến sẽ thăm Viện Pasteur đầu tiên trên thế giới tại thủ đô Paris. Đây là nơi có mối liên hệ mật thiết với Việt Nam, vì Viện Pasteur thứ 2 được đặt tại TP. Hồ Chí Minh và Viện Pasteur thứ 3 đặt tại Nha Trang.
Đồng thời, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ thăm một cơ sở công nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm ở ngoại ô Paris, là một tập đoàn có nhà máy đặt tại TP. Hồ Chí Minh.
Đối với hợp tác về môi trường, theo Đại sứ Nicolas Warnery, chuyến công du tới Paris lần này, Thủ tướng Việt Nam sẽ ký kết ít nhất 4 khoản viện trợ cho vay của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) liên quan đến vấn đề môi trường.
Đó là dự án mở rộng đập thủy điện Hòa Bình; dự án liên quan đến chống ngập úng tại Điện Biên Phủ, dự án liên quan đến việc kết nối mạng điện lưới quốc gia của các trạm phát điện từ nguồn điện tái tạo.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nêu quan điểm, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam và Pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ.
“Quan hệ Việt Nam-Pháp đã có một sự tích lũy quan trọng cả về lượng cũng như về chất. Những kết quả tích cực đạt được và những nội hàm phong phú cùng các nhận thức chung giữa hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối của mình sâu rộng hơn”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nói.
Cùng với đó, các chính sách đối ngoại của hai nước cũng đang có điểm giao thoa quan trọng. Pháp tiếp tục là nước nòng cốt tại châu Âu, đang tích cực triển khai một chính sách năng động và toàn diện hướng tới khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương.
EU, một khuôn khổ hành động quan trọng của Pháp, cũng ngày càng quan tâm và có nhiều biện pháp mạnh mẽ để tăng cường sự hiện diện cũng như các mối quan hệ đối tác tại đây. Trong khi đó, Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, có vai trò quan trọng trong ASEAN và trong các cơ chế hợp tác tại châu Á-Thái Bình Dương.
“Việt Nam chủ trương tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có các nước đối tác quan trọng tại châu Âu và trong EU”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho biết.
Do đó, phải làm sao để phát huy được những kết quả và nền tảng quan hệ đã đạt được cũng như triển khai một cách hiệu quả các định hướng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra, nhằm đưa hợp tác Việt Nam-Pháp ngày đi vào chiều sâu, ngày càng chặt chẽ hơn và nhất là đáp ứng được yêu cầu của cả hai nước trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Mục đích chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính là gì?
Nói về mục đích chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Chính phủ, Đại sứ Đinh Toàn Thắng cho hay, chuyến công du lần này của lãnh đạo Chính phủ đặt trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt – Pháp đã và đang có những kết quả hết sức tích cực, nhưng cũng đang đứng trước những yêu cầu phát triển cao hơn.
Đại sứ Thắng đánh giá đây là một bước triển khai quan trọng của Việt Nam về đối ngoại sau Đại hội Đảng lần thứ XIII cả về đa phương và song phương, vì trước khi đến Pháp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là bước tiếp tục cụ thể hóa chính sách của chúng với các đối tác quan trọng ở châu Âu cũng như với EU.
“Mục tiêu bao trùm của chuyến thăm là thể hiện ở cấp cao đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của đất nước mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định, đồng thời nhằm thắt chặt và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp”, Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh.
Theo lời Đại sứ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Pháp Jean Castex và dự kiến sẽ có buổi hội kiến với các lãnh đạo cấp cao của Pháp. Hai bên sẽ trao đổi các biện pháp để đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, kinh tế, đầu tư, thương mại, giáo dục đào tạo, khoa học, kỹ thuật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ trao đổi với ban lãnh đạo Pháp về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế, một yêu cầu cấp bách đang nổi lên và phù hợp với thế mạnh hợp tác Việt Nam-Pháp. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ trao đổi các biện pháp hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp vào năm 2023.
Một số văn bản, thỏa thuận sẽ được ký kết giữa hai bên nhằm hiện thực hóa cũng như định hướng cho các những mục đích và các lĩnh vực hợp tác nêu trên. Trong khuôn khổ chuyến thăm, triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ gặp mặt gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Pháp và châu Âu, động viên các đóng góp của bà con đối với đất nước thời gian qua.
Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ dự kiến sẽ có cuộc gặp gỡ, trao đổi với các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu của Pháp và châu Âu để thông tin về những nỗ lực thúc đẩy sản xuất, phát triển và thúc đẩy hợp tác về đầu tư, thương mại của Việt Nam với các đối tác.
Thủ tướng Chính phủ dự kiến cũng sẽ có các cuộc trao đổi với lãnh đạo Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Năm 2021, Việt Nam kỷ niệm 45 năm ngày gia nhập UNESCO và hai bên đang xây dựng một chương trình hợp tác sâu rộng trong giai đoạn tới. Với vai trò tiên phong trong xây dựng Chiến lược Kinh tế Pháp ngữ, Việt Nam được chọn là điểm đến cho chương trình xúc tiến kinh tế-thương mại trong Pháp ngữ.
Đại sứ Warnery tiết lộ, thời gian tới, hai bên kỳ vọng có sự đột phá trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, đặc biệt là thông qua kí kết văn bản hợp tác 3 bên giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) với Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) và Tập đoàn Airbus.
Hai bên cũng sẽ đề cập việc triển khai Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) trong chuyến thăm của ông Phạm Minh Chính. Đối với lĩnh vực năng lượng, Đại sứ Warnery cho biết, nhiều doanh nghiệp Pháp mong muốn tham gia dự án phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam. Ngoài ra hai bên có triển vọng xây dựng những dự án hướng tới phát triển bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, chống biến đổi khí hậu.
“Chúng tôi coi Việt Nam là một Đối tác chiến lược không chỉ trên câu chữ mà còn trong hành động cụ thể. Vì vậy, chúng tôi mong chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng Việt Nam sang Pháp sẽ thúc đẩy hành động thiết thực hơn nữa cho quan hệ song phương”, Đại sứ Nicolas Warnery nhấn mạnh.
Đại sứ Warnery cho rằng, phía Pháp hy vọng, lời hứa và cam kết của hai bên sẽ được thực hiện cụ thể, đồng thời mở ra một hướng hợp tác mới cho quan hệ song phương trong thời gian tới.
Tùng Lâm
Nguồn: Cánh cò