Trang chủ Chính trị Chính quyền số giúp đào thải cán bộ không hiệu quả, thiếu...

Chính quyền số giúp đào thải cán bộ không hiệu quả, thiếu trách nhiệm

175
0

Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết việc điều hành bằng chính quyền số sẽ giúp đánh giá đúng năng lực, phát hiện cán bộ làm tốt và đào thải những người không làm tốt, không hiệu quả, thiếu trách nhiệm.

Sáng 4/11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dự Lễ ký kết giữa quận 7 với Tập đoàn FPT và báo cáo nội dung hoạt động của Trung tâm điều hành kiểm soát dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và dịch vụ hành chính công.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, trong tình hình khó khăn của dịch bệnh, việc quận 7 ra mắt Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 và khôi phục kinh tế những ngày đầu tháng 9, đặt nền móng cho sự thay đổi mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trong tình hình mới.

Chính quyền số giúp đào thải cán bộ không hiệu quả, thiếu trách nhiệm
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi lễ

“Tôi đánh giá cao việc xây dựng mô hình trung tâm điều hành bằng công nghệ. Đây là công trình lịch sử, không chỉ của quận mà còn là mô hình thí điểm đầu tiên của TP. Nó phù hợp với công thức phòng, chống dịch: Vắc xin, 5K, thuốc và công nghệ”, ông Nên nói.

Ông khẳng định, mô hình Trung tâm kiểm soát dịch bằng công nghệ tại quận 7 như những hạt giống quý giá. Sự thành công của mô hình (như báo cáo của quận 7) sẽ được nhân lên toàn TP trong thời gian tới.

Bí thư TP.HCM chỉ đạo quận 7 trong giai đoạn bình thường mới hiện nay, mô hình của trung tâm không chỉ quản lý F0, quản lý dữ liệu, cung cấp và giao dịch hành chính công bằng công nghệ… mà phải nâng lên việc quản lý nguồn lây, nguy cơ lây nhiễm… để ngăn chặn nguồn lây một cách chủ động hơn.

Phải đặt ra 3 mục tiêu chính, đó là: Sức khỏe người dân, sức khỏe nền kinh tế và sinh hoạt đời sống của con người. Do đó, đòi hỏi công nghệ phải đáp ứng được sự phát triển của cuộc sống hiện nay.

Ông cho rằng, thay đổi tư duy làm việc, lãnh đạo, chỉ đạo bằng công nghệ thể hiện được mục tiêu chính quyền số; giải quyết nhanh thủ tục hành chính.

Cũng theo ông Nên, lâu nay, việc đánh giá xã hội bằng sản phẩm và định lượng rất khó khăn, nhất trong khối Đảng, có người làm đầu tắt mặt tối thì đánh giá kiểu gì? Ngược lại, có người không làm hết trách nhiệm cũng không đánh giá được.

“Do đó, bằng công nghệ, bằng việc chuyển đổi chính quyền số thì chúng ta sẽ quan sát được, hiểu được và đánh giá đúng năng lực làm việc của hệ thống hành chính công. Từ đó, phát hiện cán bộ làm tốt, có năng lực, ngược lại, cũng phát hiện và đào thải thành phần làm việc không tốt, không hiệu quả, không có trách nhiệm”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Biến quận 7 thành hạt nhân chuyển đổi số của TP.HCM

Còn theo Bí thư quận 7 Võ Khắc Thái, với mô hình trung tâm công nghệ, lần đầu tiên trong 24 năm từ ngày thành lập quận, tất cả dữ liệu về tình hình kinh tế xã hội, xây dựng chính quyền, an ninh trật tự mà đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 được cập nhật hằng ngày, hằng giờ, thể hiện trực quan trên màn hình Trung tâm.

Chính quyền số giúp đào thải cán bộ không hiệu quả, thiếu trách nhiệm
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên chứng kiến lễ ký kết phát triển Trung tâm giai đoạn 2

Đây là bước tiến quan trọng, góp phần cụ thể hóa việc chuyển đổi số trong công tác chính quyền, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số theo tinh thần Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ông Thái cho biết, trong giai đoạn 2, Trung tâm tiếp tục là hạt nhân trong việc chuyển đổi số tại quận, từng bước hoàn chỉnh mô hình trung tâm điều hành thông minh cấp quận.

Thứ nhất, tăng tính tương tác, phản hồi, kiểm soát, trao đổi thông tin 2 chiều trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của lãnh đạo và cán bộ công chức; cán bộ công chức đối với người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn.

Thứ hai, thực hiện số hóa dữ liệu, lưu trữ… trong tất cả các lĩnh vực gắn với đánh giá mức độ hài lòng, phản hồi của người dân, doanh nghiệp.

Thứ ba, giám sát, điều hành, mô phỏng diễn biến tình hình dịch bệnh, xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là việc vận hành các hệ thống thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trực tuyến trong đánh giá vùng nguy cơ Covid-19; nắm tình hình các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, trật tự đô thị…

Thứ tư, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số đặc biệt trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến mức độ 4; cải cách hành chính trên các lĩnh vực; quản lý các Tổ dân phố theo địa giới hành chính; tình hình cán bộ, công chức; thi đua, khen thưởng, kỷ luật, nâng lương…

Minh Ngọc


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây