Đó là lời nhấn mạnh của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery khi trả lời phỏng vấn báo chí về chuyến thăm chính thức Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex từ ngày 3-5/11/2021. Đại sứ Pháp mong chuyến thăm chính thức tới đây của Thủ tướng Việt Nam sẽ tạo nên cú hích trong quan hệ hợp tác song phương.
Đại sứ Nicolas Warnery cho biết, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính chọn Pháp là chuyến thăm chính thức Châu Âu đầu tiên ngay sau Hội nghị COP26 tại Glasgow (Anh), thể hiện sự coi trọng mối quan hệ song phương với Pháp, do đó hai bên mong muốn kết quả chuyến thăm này được cụ thể hóa bằng các dự án hợp tác cụ thể.
Pháp sẽ đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam với quy chế lễ tân cao nhất. Dự kiến, các nhà lãnh đạo của Pháp sẽ đón, hội đàm, thảo luận với Thủ tướng và đoàn cấp cao Việt Nam về những vấn đề hai bên quan tâm.
Đại sứ Nicolas Warnery chia sẻ, sau một thời gian bị gián đoạn bởi dịch COVID-19, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính càng trở nên có ý nghĩa bởi từ đầu năm 2019 đến nay lãnh đạo cấp cao hai nước mới có cuộc gặp trực tiếp.
Đại sứ Nicolas Warnery cho biết, trong chuyến thăm chính thức Pháp lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự lễ ký kết 4 khoản cho vay viện trợ của cơ quan phát triển Pháp dành cho Việt Nam trong lĩnh vực môi trường.
Đặc biệt hai nước sẽ ký kết công nhận bằng cấp giữa hai bên, tạo thuận lợi cho việc du học của sinh viên Việt Nam sang Pháp. Đại sứ Nicolas Warnery tin rằng thời gian tới, khi dịch COVID-19 được khống chế, các chuyến bay sẽ được nối lại thường xuyên hơn để tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước. Pháp mong muốn sẽ đón nhiều hơn nữa sinh viên Việt Nam sang du học.
Thời gian tới, Pháp và Việt Nam sẽ ưu tiên hợp tác các lĩnh vực truyền thống như văn hóa, y tế, môi trường, biến đổi khí hậu, kinh tế, quản trị, giao lưu nhân dân, đồng thời tập trung thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực mới như quốc phòng, năng lượng, hàng không vũ trụ…
Về công nhận hộ chiếu vaccine giữa hai bên, Đại sứ cho biết, các cơ quan y tế của các nước đang phối hợp chặt chẽ với nhau tìm ra giải pháp phù hợp với thực tiễn, để tạo điều kiện cho người dân đi lại giữa các nước.
Đại sứ Nicolas Warnery hy vọng trong Hội nghị COP 26 sắp tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo của các nước chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu sẽ có những chia sẻ thực chất để hạn chế nhiệt độ tăng cao trên Trái đất, cũng như hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến các hoạt động kinh tế, xã hội.
Ông Nicolas Warnery hy vọng chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Việt Nam sẽ tạo nên cú hích trong quan hệ hợp tác song phương; đồng thời khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác phát triển hơn nữa giữa Việt Nam và Pháp với định hướng và cam kết cụ thể, mở ra hướng hợp tác song phương trong thời gian tới.
Quan hệ kinh tế Việt Nam – Pháp phát triển tích cực
Mối quan hệ giữa Việt Nam – Pháp đã và đang phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại và đầu tư. Hiện nay, Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Âu, xếp thứ 2/25 quốc gia của Liên minh Châu Âu (EU) có đầu tư tại Việt Nam, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư.
Tính đến ngày 20/10, Pháp có 633 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 3,62 tỷ USD, đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Các dự án đầu tư của Pháp tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 135 dự án và 1,1 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm 30,9% tổng vốn đầu tư; đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với 11 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,07 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng vốn đầu tư.
Liên quan đến đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Pháp, tính đến 20/10, Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư sang Pháp và 2 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đăng ký đạt 37,95 triệu USD, xếp thứ 27/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư của Việt Nam.
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, Bộ Công Thương, nếu không tính khoảng thời gian có bối cảnh khó khăn đặc biệt do dịch COVID-19, kim ngạch thương mại Việt Nam – Pháp đạt mức tăng trưởng tốt với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,7%/năm trong giai đoạn năm 2011-2019.
Hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu sang Pháp tương đối phong phú, đa dạng, bao gồm: Giầy dép; dệt may; đồ gia dụng; hàng nông, lâm, thuỷ sản; đá quý, đồ trang sức; đồ điện, điện tử; dụng cụ cơ khí; gốm sứ các loại; cao su; than đá; sản phẩm nhựa; hàng mây tre đan… Năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp đạt 3,29 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Pháp đạt 1,52 tỷ USD.
Về nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu chủ yếu từ Pháp về Việt Nam đa phần là những mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng chất xám và công nghệ lớn, trong đó dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải luôn chiếm tỷ trọng đáng kể và kim ngạch nhập khẩu cao. Các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Pháp là dược phẩm, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, phương tiện vận tải khác và phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm hóa chất…
Cũng theo Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, sau 1 năm từ khi có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đã đem lại những kết quả tích cực đối với thương mại – đầu tư song phương của hai bên. Việt Nam đã đề nghị Pháp nói riêng và EU nói chung tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tận dụng tốt Hiệp định EVFTA đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân của hai bên.
Đồng thời, Việt Nam luôn khẳng định sự quyết tâm và dành nỗ lực cao nhất trong việc thực hiện đầy đủ những cam kết đã có trong Hiệp định EVFTA. Các cấp liên quan của Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Pháp và EU, tiếp tục xử lý những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực thi Hiệp định EVFTA đảm bảo hiệu quả cao nhất của quá trình triển khai Hiệp định. Pháp và EU ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam và sẽ dành thêm hỗ trợ kỹ thuật riêng cho Việt Nam để thực thi EVFTA.
Minh Ngọc-Thạch Huệ
Nguồn: Cánh cò