Trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam ở Anh, bên lề Hội nghị các nước tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng đã nhấn mạnh rằng “Không vì khó khăn mà Việt Nam không đưa ra cam kết với quốc tế, không đưa ra lộ trình hướng tới năm 2050 đưa lượng phát thải về 0. Nếu nói rằng khó lắm, chúng tôi không làm được thì làm sao giành được sự tôn trọng của các nước”.
Như đã biết, nguồn nhiệt điện than có mức giá rẻ để các thành phần kinh tế – xã hội sử dụng sản xuất, kinh doanh, trong khi các nguồn khác như năng lượng tái tạo có giá thành cao. Điện là đầu vào cho sản xuất hàng hóa, nếu giá tăng có thể tác động đến giá thành sản phẩm, chi phí chi trả của người dân. Bởi vậy đến cuối năm 2020, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn quốc đạt 69.342 MW thì nhiệt điện than 21.383 MW, chiếm 30,8% công suất. Dẫu biết, khi công nghiệp nhiệt điện than phát triển thì cũng không tránh khỏi việc phát khí thải ra môi trường. Nhưng với một tỷ lệ cao như trên thì có thể thấy, Việt Nam vẫn rất khó từ bỏ nhiệt điện than.
Hiện tại, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu nguồn đang nghiên cứu cho quy hoạch điện VIII có thể ở các mức 20%, 50%, thậm chí là 80% trong tương lai. Song điện gió và điện mặt trời phần nhiều do thời tiết quyết định, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật, trình độ lao động phục vụ cho ngành năng lượng tái tạo phải cao hơn ngành than. Đặc biệt, lộ trình giải quyết hợp đồng với nhà đầu tư để chuyển đổi sang nguồn năng lượng mới cùng với hợp đồng với hơn 100.000 người lao động làm việc cho ngành than là những vấn đề nan giải. Trong bối cảnh áp lực tăng trưởng điện tới năm 2030 vẫn còn rất lớn thì vai trò của nhiệt điện than vẫn là nguồn “cứu cánh” để thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội. Khó khăn là thế nhưng tại cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn tuyên bố mạnh mẽ rằng: “Không vì khó khăn mà Việt Nam không đưa ra cam kết với quốc tế, không đưa ra lộ trình hướng tới năm 2050 đưa lượng phát thải về 0. Nếu nói rằng khó lắm, chúng tôi không làm được thì làm sao giành được sự tôn trọng của các nước”.
Thoạt đầu, có lẽ ai cũng sẽ nghĩ Thủ tướng đang tự mua dây buộc mình trong hoàn cảnh đất nước hiện tại nhưng ngẫm lại sẽ thấy, Thủ tướng đã rất thành thực và thực tế về những khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt. Dẫu vậy, người đứng đầu Chính phủ vẫn dám cam kết trên diễn đàn quốc tế rằng Việt Nam sẽ đưa lượng khí thải về 0. Điều này ngay cả các quốc gia đã phát triển như Canada, Úc đã từng cam kết nhưng vẫn chưa thực hiện được. Từ đó cho thấy đây là vấn đề khó nhưng với tinh thần bảo vệ môi trường sống hết mình, Thủ tướng đang cho thấy, Việt Nam luôn là một đất nước có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Tổng Thư ký Antonio Guterres từng phát biểu tại hội nghị Liên Hợp quốc rằng: “Nếu khả năng phục hồi và thích ứng tiếp tục bị lãng quên, chúng ta sẽ không thể đạt được các mục tiêu chung về khí hậu, cũng như không đạt được hy vọng về hòa bình và an ninh lâu dài”. Hiện tại, nhiệt điện than có mặt ở 77 nước, trong đó có Việt Nam. Với vai trò thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ với chủ đề của Hội nghị COP26, ủng hộ các sáng kiến toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, cho dù đất nước còn nhiều khó khăn. Nhưng nếu chỉ một mình Việt Nam cố gắng thôi sẽ không đủ mà các quốc gia cần có sự chung tay hỗ trợ lẫn nhau để đưa toàn thế giới đạt được cam kết này, đặc biệt là với các quốc gia đang ở giai đoạn đầu phát triển, sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng than rất lớn như Việt Nam cũng như những khoản đầu tư khổng lồ mà Việt Nam phải đối mặt nếu muốn nhanh chóng chuyển đổi xanh.
Đặng Trường
Nguồn: Cánh cò