Vừa qua, Hội nghị cấp cao ASEAN đã được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, nhiều vấn đề nóng đã được đưa ra thảo luận. Với tinh thần đoàn kết, hợp tác, sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp, ý kiến tại Hội nghị. Như một điệp khúc, khi có vấn đề liên quan đến Việt Nam, các đối tượng xấu lại ngay lập tức tiến hành công kích, hướng lái dư luận để đánh lận bản chất vấn đề.
Cụ thể, trang Tiếng Dân news đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Việt Nam hát giai điệu nào tại các Thượng đỉnh?” với những nhận định, đánh giá chủ quan, phiến diện của bản thân nhằm hướng lái dư luận đi lệch bản chất vấn đề. Thông qua việc điểm lại một số vấn đề nổi bật tại Hội nghị như việc Myanmar không tham gia Hội nghị, việc ASEAN đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về các vấn đề trên biển Đông, việc một số thành viên của ASEAN lên tiếng ủng hộ liên minh quân sự AUKUS, việc Tổng thống Mỹ trực tiếp tham gia hội đàm (trực tuyến) với các thành viên của ASEAN, các đối tượng tung ra nhận định rằng Đảng cộng sản Việt Nam đang “xoay trục” trong quan hệ quốc tế. Dĩ nhiên, các đối tượng cũng không ngừng tung ra thông tin mang tính chất ám chỉ liên quan đến mối quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam – Trung Quốc, cho rằng Việt Nam đang “ngả” về phía Hoa Kỳ và các nước phương Tây.
Ngoài ra, những thông tin mang tính cóp nhặt, đánh giả chủ quan cũng được tung ra như: “Tại hội nghị cấp cao vừa rồi hầu như không có nước nào phản đối công khai AUKUS… Việt Nam vẫn duy trì lập trường “trung dung” đối với “tân Liên minh bộ tam” nhưng có thể tính đến sự ủng hộ ngầm của Hà Nội đối với Hiệp ước”; “Hà Nội “tẩy chay” Myanmar không phải vì thay đổi trong tâm thức mà chẳng qua vì áp lực quốc tế, ngoài ASEAN còn là Mỹ và châu Âu. Việt Nam biết, lần này nếu hành động như ở Hội đồng bảo an liên hợp quốc, ngả theo quyền lợi của Trung Quốc và Nga thì sẽ rất nguy hiểm”,…
Liệu rằng có phải Việt Nam đang “chuyển hướng”, “xoay trục” trong quan hệ quốc tế hay không?
Nói thẳng, Việt Nam không có sự “xoay trục”, “đổi chiều”, nghiêng bên này, ngả bên kia như những thông tin được các đối tượng xấu tung ra. Đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đại hội XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, vì lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền quốc gia”.
Mặc dù hoà bình, ổn định vẫn là xu thế chung, tuy nhiên tình hình khu vực và quốc tế thời gian vừa qua có những diễn biến hết sức nhanh chóng, khó lường, có ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh, ổn định của Việt Nam. Trong đó, việc cạnh tranh giữa các nước lớn, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, việc xung đột vũ trang tại một số quốc gia là những điều Việt Nam hết sức quan tâm.
Trong mối quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn xác định quan điểm sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy với những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác mà Việt Nam tiến hành hợp tác. Ngược lại, bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng để đấu tranh. Vì vậy, Việt Nam luôn xác định tính độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào bất cứ nước nào. Khi Việt Nam xác định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, sẵn sàng làm bạn với tất cả những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, lợi ích của Việt Nam thì làm gì có chuyện “xoay trục”, “nghiêng ngả” như những gì các đối tượng xấu cố tình tung ra?
Xung quanh việc liên kết quân sự AUKUS, Việt Nam vẫn luôn nhất quán quan điểm không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Đối với vấn đề Myanmar hay vấn đề biển Đông, quan điểm rõ ràng của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế, không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Như vậy, căn cứ nào để các “nhà bình loạn” đưa ra nhận định Việt Nam “xoay trục”?
Thực tế, các đối tượng xấu luôn muốn đặt Việt Nam vào thế lựa chọn chơi với nước này, xa cách nước kia. Tuy nhiên, mưu đồ này sẽ không thể trở thành hiện thực, bởi điều Việt Nam chọn là độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Bảo An
Nguồn: Cánh cò