Chống dịch đã khó, đối phó với những nhóm đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp ra sức xuyên tạc còn khó hơn. Mới đây, Chân trời Media có đăng tải bài viết: “Câu chuyện Cột điện từ Mỹ về Việt Nam là có thật”. Bài viết đã thể hiện rõ âm mưu “ăn cây táo, rào cây sung”, đề cao Mỹ, phủ nhận trắng trợn nỗ lực chống dịch tại Việt Nam.
Trong bài viết, Chân Trời Media đã nói: “Việc hàng ngàn người Việt ở Mỹ về VN tránh dịch là có thật. Nhưng việc nước Mỹ đã hỗ trợ cho nhân dân Mỹ lúc đó như thế nào thì Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc không nói”. Đối tượng xuyên tạc Việt Nam “ngạo nghễ, giễu cợt” công tác chống dịch của Mỹ.
Thực tế hoàn toàn trái ngược. Không có chuyện Việt Nam “giễu cợt” công tác chống dịch của Mỹ hay bất kỳ một đất nước khác. Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Nó không chỉ tác động tiêu cực đến một mình Mỹ mà ảnh hưởng đến rất nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cũng càng không có chuyện, Việt Nam che giấu thông tin Mỹ trợ cấp cho người dân. Không khó để tìm kiếm những thông tin đại loại như “Ngân sách các nước dành bao nhiêu tỷ đô hỗ trợ doanh nghiệp, người dân ảnh hưởng bởi Covid-19?” trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng.
Lợi dụng người dân khó khăn trong đợt dịch thứ 4, Chân trời Media đưa ra giọng điệu trách cứ “nhà nước chỉ nói không làm”. Vậy, hàng loạt các gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ được Chính phủ bơm ra giúp người dân gọi là gì? Tiền thật, người thật đấy! Thậm chí, mới đây thôi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với đề xuất Chính phủ về sử dụng 30.000 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ người lao động ảnh hưởng bởi Covid-19.
Không chỉ vậy, Chân trời Media còn xuyên tạc: “Theo nguồn tin một số người Việt tại Mỹ cho biết: Lao động ở Mỹ được Tiểu bang hỗ trợ trung bình khoảng 1.500 USD/ người/ tháng. Còn Liên bang hỗ trợ khoảng 600 USD tiền ăn/ người/ tháng. Việc hàng ngàn người Việt ở Mỹ về Việt Nam là nhất cử lưỡng tiện, vừa trốn dịch, vừa thăm quê hương và đi du lịch.”
Thử hỏi Chân trời Media, nguồn tin đó các đối tượng lấy từ ai, bằng chứng đâu? Người Việt nào đang ở tại Mỹ được hỗ trợ 600-1.500 USD mỗi tháng mà phải “nhất cử lưỡng tiện” về Việt Nam trốn dịch? Các đối tượng không thấy luận điệu của mình quá mâu thuẫn và vô lý hay sao?
Dù chống dịch rất khó khăn, vất vả nhưng Việt Nam vẫn cố gắng tạo điều kiện để đón các du học sinh, kiều bào về nước. Hành động này không chỉ thể hiện thiện chí mà còn mang đậm ý nghĩa nhân văn, tinh thần đoàn kết người Việt. Ấy vậy mà các đối tượng lại nói những người Việt ở Mỹ về Việt Nam là “nhất cử lưỡng tiện”, vừa trốn dịch, vừa thăm quê hương và đi du lịch. Đây là giọng điệu tráo trở, vô ơn, đáng bị lên án.
Cuộc chiến chống dịch là cuộc chiến trường kỳ. Sắp tới đây, với các biến thể khôn lường, đây là cuộc chiến khốc liệt và khó khăn hơn bao giờ hết. Nguy hiểm hơn, có những đối tượng sẵn sàng lợi dụng khó đất nước để xuyên tạc, chia rẽ niềm tin người dân. Vì vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo hơn bao giờ hết trước những âm mưu chia rẽ các đối tượng.
Đinh Thảo
Nguồn: Cánh cò