Chỉ cần một mẫu chất phóng xạ hoặc một mẫu chất nổ được gắn trên thiết bị máy bay không người lái như Flycam, thông qua điều khiển từ xa thì kẻ phá hoại cũng có thể thực hiện được hành vi tấn công có chủ đích vào các mục tiêu. Tuy nhiên, trước những tình huống khẩn cấp, đe dọa đầy nguy hiểm này, cảnh sát cơ động (CSCĐ) lại rơi vào thế bị động, khi các văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cụ thể việc xử lý các phương tiện bay không người lái xâm phạm mục tiêu của CSCĐ bảo vệ.
Hiện nay, CSCĐ Trung ương và các địa phương được giao bảo vệ cố định gần 650 mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội trên phạm vi toàn quốc theo danh mục do Chính phủ quy định. Ngoài ra, trong những tình huống đột xuất, lực lượng CSCĐ còn bảo vệ các sự kiện quan trọng của chính quyền, Hội nghị các tôn giáo, cuộc thi thể dục thể thao… Có thể nói, bất kỳ sự kiện trọng đại nào liên quan đến công tác ngoại giao – phát triển kinh tế – an ninh quốc gia đều có cần sự hiện diện của CSCĐ, bảo vệ an toàn cho mục tiêu và giữ an ninh trật tự.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đối diện với vô vàn các chiến dịch chống phá, tấn công của các thành phần phản động lưu vong thò bàn tay về nước. Những thủ đoạn hủy diệt của những thành phần này diễn ra không khác gì khủng bố khi xúi giục “tay chân” tạo bom xăng đốt cháy cơ quan công quyền, đốt kho xe Công an, đặt bom sân bay để gây tiếng vang… Khi mà các thành phần kể trên vẫn ra rả hàng ngày tập hợp lực lượng, lôi kéo người trong nước để gia nhập vào tổ chức, thực hiện các hành vi phá hoại thì nguy cơ phá hoại an ninh đất nước ngày càng cao. Công nghệ kỹ thuật ngày càng phát triển, hiện đại, nếu như không chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp đối phó thì rất nguy hiểm.
Với một chiếc flycam, người ta có thể để trên đó những mẫu thuốc n.ổ, chất phóng xạ, đủ sát thương trên diện rộng; có thể trở thành công cụ rải truyền đơn từ phía xa; đủ chức năng để lắp các thiết bị thực hiện việc quay phim, chụp ảnh các cứ điểm trọng yếu từ trên không, thậm chí để dễ dàng chụp ảnh ở nơi cấm bay, từ trại giam đến các hãng xưởng khu công nghiệp, người điều khiển tắt đi hệ thống định vị GPS.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm đã nói lên trăn trở về sự hạn chế hiện nay của lực lượng CSCĐ trong công tác nghiệp vụ: “Những trường hợp phản động và tội phạm lợi dụng các phương tiện này để có thể mang chất nổ, chất hóa học, sinh học phá hoại hoặc gây nguy hại cho các mục tiêu. Nếu lực lượng trực tiếp bảo vệ không được quyền ngăn chặn mà chờ lực lượng khác đến xử lý thì sẽ gây ra hậu quả về nhiều mặt, nhất là các mục tiêu quan trọng về chính trị, ngoại giao”.
Dự án Luật CSCĐ vừa được Bộ Công an bổ sung thêm hai quyền hạn mới cho CSCĐ. Trong đó, đáng chú ý CSCĐ có quyền hạn ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ.
Trên hệ thống Fanpage thông tin của Chính phủ, nhiều người dân ủng hộ trao quyền lực lượng CSCĐ vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái nếu tấn công, xâm phạm vào các mục tiêu CSCĐ bảo vệ. Thông qua đây, người dân cũng mong cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm với cá nhân sử dụng thiết bị không người lái xâm phạm, không chỉ dừng ở việc phạt, tịch thu công cụ mà còn truy tố hình sự.
Việc sử dụng máy bay không người lái được quy định chặt chẽ tại nhiều quốc gia. Tại Singapore, những người sở hữu thiết bị bay điều khiển từ xa nếu như điều khiển nó bay vào khu vực cấm hoặc những nơi mà chưa được cấp phép, người vi phạm lần đầu có thể bị phạt tiền tối đa 50.000 SGD (khoảng 860 triệu đồng) và đối mặt án tù 2 năm.
Tại Hà Lan, sự quản lý của nhà chức trách nghiêm ngặt đến mức, thiết bị bay không người lái không được phép bay phía trên khu vực đông đúc, gần sân bay hoặc những khu vực bị cấm bay. Tương tự như vậy, tại Nhật Bản khung hình phạt đủ tính răng đe đến mức trước khi sử dụng máy bay không người lái thì người sử dụng phải mở Google Maps xem ở vị trí đó có được sử dụng máy bay không người lái hay không.
Tại Việt Nam, theo điều 5, 6, Nghị định 36/2008/NĐ-CP, cá nhân có thể bị phạt đến 60 triệu đồng; từ 80 – 100 triệu đồng đối với tổ chức, đồng thời tịch thu thiết bị khi vi phạm các quy định về sử dụng flycam tại Việt Nam. Đối với cá nhân vi phạm không làm thủ tục xin phép bay trước khi tổ chức bay sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt từ 500.000 – 1 triệu đồng, đồng thời tịch thu phương tiện.
Có lẽ vì khung hình phạt này chưa đủ tính răng đe nên thời gian qua, nhiều trường hợp thách thức pháp luật, điều khiển máy bay không người lái vào hẳn sân bay. Báo cáo chưa đầy đủ, trong 9 tháng đầu năm 2021 phát hiện 3 vụ phương tiện bay không người lái xâm phạm khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (1 vụ) và Nội Bài (2 vụ). Chỉ trong tháng 2-2020, các lực lượng chức năng phát hiện có 3 lần vật thể bay không người lái vào sân bay lớn của cả nước và năm 2019 là 20 vật thể lạ trên khu bay, 9 sự cố máy bay liên quan đến phương tiện bay không người lái.
Sinh ra luật là để tạo hành lang pháp lý để ngăn chặn những cái xấu, đẩy lùi những nguy cơ đe dọa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, bảo vệ an ninh quốc gia. Với những nguy cơ đe dọa không lường từ Flycam, cùng với quyền lực còn hạn chế của CSCĐ có thể trở thành yếu điểm để các thành phần chống phá, phản động lợi dụng tấn công vào các thành trì trọng yếu. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng tăng cường hành lang pháp lý, trao thêm “thanh kiếm” cho lực lượng cơ động cũng đồng nghĩa tạo thêm “lá chắn” vô hiệu hóa những hành động đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân.
Thái Thanh
Nguồn: Cánh cò