Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII; Liên hoan hát Văn, hát chầu Văn tỉnh Bắc Giang; dự án tái dựng vở kịch kinh điển Chén thuốc độc của tác giả Vũ Đình Long kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật kịch nói Việt Nam (1921 – 2021)… Nhiều hoạt động văn hóa trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19 “làm nóng” không gian văn hóa trong nước.
Khôi phục dần các sự kiện văn hóa
Đánh dấu sự trở lại của các sự kiện văn hóa trong nước sau giãn cách phải kể đến loạt hoạt động nhân Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921 – 2021). Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các nhà hát kịch thực hiện dự án tái dựng vở kịch kinh điển “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long trung tuần tháng 10. Sau chưa đầy 20 ngày (từ 2 đến 21/10/2021), cả ê-kíp nghệ sĩ đã nỗ lực cao nhất để hoàn thiện buổi biểu diễn vở kịch đầy công phu đúng thời điểm kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam tái hiện đầy thành công trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội.
Tại các địa phương, các hoạt động văn hóa cũng dần trở lại. Sau thời gian dài tạm dừng tổ chức để phòng, chống dịch COVID-19, Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn tỉnh Bắc Giang lần thứ IV năm 2021 khai mạc vào tối 20/10. Liên hoan có sự tham gia của 10 đoàn huyện và thành phố cũng đã kết thúc thành công góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Tháng 11 tới, một sự kiện lớn của văn hóa trong nước là Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ XXII cũng sẽ diễn ra từ ngày 18 – 20/11/2021 tại thành phố Huế.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Tạ Quang Đông nhấn mạnh: Trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát trên toàn quốc, đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong bối cảnh đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đã thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời, tỉnh đã rất tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực… sẵn sàng tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XXII thành công và an toàn.
Với khẩu hiệu “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, LHP sẽ có các sự kiện chính: Chương trình phim dự thi, các chương trình hội thảo, lễ trao giải thưởng cùng các sự kiện bên lề như Tuần phim chào mừng LHP Việt Nam lần thứ XXII tại TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, chương trình chiếu phim ngoài trời kết hợp trình diễn áo dài và giao lưu nghệ sĩ…
Đánh giá về các thành tựu văn hóa 10 tháng năm 2021, Chánh Văn phòng Bộ VH,TT&DL Lê Đức Trung cho biết: “Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các đơn vị nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương đã đổi mới hình thức biểu diễn trực tuyến trên các nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội, phát triển mô hình hoạt động biểu diễn “Nhà hát online”. Các chương trình nghệ thuật với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”,”Ở nhà cùng vui” được livestream trên Youtube đã tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch và mang đến món ăn tinh thần phục vụ khán giả.”
Sân khấu thích ứng an toàn
Mặc dù các hoạt động văn hóa đang trở lại nhưng trước những diễn biến của dịch bệnh, hầu hết các sự kiện này đều không mở cửa cho công chúng nói chung. Để bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19, Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn tỉnh Bắc Giang lần thứ IV năm 2021 hay các sự kiện trong Tuần lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam (1921 – 2021). Các đại biểu khách mời, ban tổ chức, ban giám khảo, các đoàn tham gia Liên hoan; tất cả thành phần tham gia liên hoan phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 72 giờ và thực hiện đo thân nhiệt trước, sau tham dự sự kiện.
Thích ứng an toàn là yêu cầu tiên quyết của sự trở lại mọi hoạt động đời sống trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Với LHP Việt Nam lần thứ XXII, sự kiện này cũng phải rút ngắn thời gian diễn ra nhưng công tác chuẩn bị, tuyên truyền vẫn cần được đẩy mạnh.
Các đài truyền hình trung ương và địa phương, các cơ quan báo chí đã tuyên truyền rất tích cực về công tác chuẩn bị LHP, đồng thời kỳ vọng về một LHP Việt Nam lần thứ XXII ấn tượng, hiệu quả, thành công, để lại dấu ấn trong lòng các đại biểu, người yêu mến điện ảnh, nhân dân Huế….
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Tỉnh xác định LHP là cơ hội quảng bá hình ảnh, cơ hội phục hồi các hoạt động văn hóa, du lịch trong thời gian sắp đến. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra nhiều phương án để chủ động ứng phó một cách phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh bởi số lượng khách mời sẽ lên tới khoảng 300 đại biểu gồm nghệ sĩ có phim dự thi, phim chiếu trong các chương trình của LHP, các BGK, các nhà sản xuất, các đơn vị điện ảnh, báo chí…
Để đảm bảo an toàn, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị ban tổ chức áp dụng quy tắc một cung đường, hai điểm đến đối với tất cả các khách mời tham dự các sự kiện của LHP nhằm kiểm soát lịch trình và hỗ trợ việc kiểm tra dịch tễ theo quy định phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế. Cụ thể, khách mời phải tiêm đủ 2 mũi vaccine (thẻ xanh COVID-19) trước 14 ngày tham dự LHP, phải tuân thủ 5K, khai báo y tế, có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh sau khi đến tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nỗ lực đưa các hoạt động văn hóa trở lại với đời sống sân khấu, biểu diễn, liên hoan thường nhật đang là nỗ lực của toàn ngành văn hóa. Những sự kiện được tổ chức một cách chỉn chu, chi tiết từng quy định, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ là hình mẫu để các sự kiện lớn về văn hóa trở lại đản bảo an toàn.
Nguồn: Báo Tin tức