Ngày 30/10, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Tập đoàn Sun Group tổ chức hội thảo với chủ đề “Du lịch Quảng Ninh giai đoạn bình thường mới: Cơ hội và Thách thức”.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch Quảng Ninh cùng đại diện các Sở Du lịch các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Ninh và đại diện các doanh nghiệp lớn, uy tín hoạt động trên địa bàn Quảng Ninh.
Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Quý Phương giá cao Quảng Ninh đi đúng hướng có du lịch biển, sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch sức khỏe… nên tỉnh sẽ là vùng trọng điểm du lịch, kết nối với các điểm du lịch trong cả nước và quốc tế.
Ông Phương thông tin: Tổng cục Du lịch đã có lộ trình trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế trở lại để khôi phục du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, du lịch nội địa mà khởi sắc, an toàn sẽ tạo nền tảng tốt cho việc mở cửa thị trường du lịch quốc tế.
Ông Phạm Ngọc Thủy- Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết: Đại dịch COVID-19 xảy ra kéo theo nhiều hệ lụy đối với ngành du lịch Việt Nam trong đó Quảng Ninh. Quảng Ninh đã và đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử phát triển ngành du lịch. Từ một trong những trung tâm thu hút khách du lịch hàng đầu Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, lượng khách và doanh thu du lịch Quảng Ninh đã sụt giảm nghiêm trọng và chỉ bằng khoảng 35% với thời điểm trước dịch; hàng loạt doanh nghiệp du lịch, dịch vụ phải đóng cửa, người lao động mất việc làm và còn nhiều những khó khăn khác không thể kiểm đếm hết.
Quảng Ninh đã sớm chủ động mở cửa các hoạt động du lịch có kiểm soát chặt chẽ về dịch để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Tỉnh tiếp tục thực hiện chính sách miễn toàn bộ phí tham quan vịnh Hạ Long và một số điểm tham quan khác, miễn phí xe bus từ sân bay Vân Đồn vào nội thành, nội thị…
Ông Thủy nhấn mạnh: Quảng Ninh đã mở cửa lại du lịch, song chủ trương của tỉnh là kinh doanh phải an toàn bằng việc làm cụ thể như xây dựng bộ tiêu chí an toàn (24 tiêu chí bắt buộc và 11 tiêu chí khuyến khích thực hiện) về đón tiếp khách du lịch đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ.
Hội thảo đã ghi nhận những thành tựu nổi bật trong thời gian qua của du lịch Quảng Ninh, khi mô hình chuyển đổi tăng trưởng từ nâu sang xanh, lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đã đem đến cho Quảng Ninh những bước tiến đột phá, với những hệ sinh thái du lịch đồng bộ, hiện đại từ hạ tầng giao thông đến nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… cùng nhiều sản phẩm đặc trưng, khác biệt và đẳng cấp, đưa miền di sản trở thành điểm đến hấp dẫn cả bốn mùa trong năm.
Ngay trong giai đoạn khó khăn như thời gian qua bởi đại dịch COVID-19, Quảng Ninh cũng là một trong số ít địa phương địa phương duy trì việc kiểm soát dịch bệnh an toàn, với nhiều biện pháp bảo vệ vùng xanh đặc biệt hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng để du lịch Quảng Ninh có thể nhanh chóng bứt phá trong giai đoạn bình thường mới, hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, trở thành một trong những trung tâm du lịch quốc tế vào năm 2030.
Ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Điều hành Sun Group vùng Đông Bắc chia sẻ những nỗ lực vượt trội thời gian qua của Sun Group để có thể duy trì sự phát triển của doanh nghiệp và đóng góp không nhỏ cho sự phục hồi của du lịch Quảng Ninh sau mỗi đợt dịch. Tại Quảng Ninh, Sun Group có những dự án mới ấn tượng để không chỉ bổ sung sản phẩm mới có tính đòn bẩy cho du lịch Quảng Ninh như Yoko Park mà còn nâng tầm mỹ quan đô thị với các dự án bất động sản có giá trị thẩm mỹ và giá trị xã hội cao như Sun Marina Town và định hình lối sống, dẫn dắt xu hướng mới tại địa phương như du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với trị liệu wellness, staycation…
Ông Hiệp đưa ra những kiến giải trong việc định vị thương hiệu cho du lịch Quảng Ninh như một “Kỳ quan bốn mùa” với những góc nhìn mới mẻ, sáng tạo cho công tác marketing điểm đến, cũng như kêu gọi các doanh nghiệp trên địa bàn cùng kết nối, để có thể xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng bốn mùa, phù hợp với mọi phân khúc khách hàng, nhằm đóng góp, thúc đẩy sự phát triển vượt trội của Quảng Ninh trong thời kỳ mới.
Tại hội thảo, các diễn giả đã thảo luận, chia sẻ các giải pháp giúp du lịch Quảng Ninh thích ứng linh hoạt trong điều kiện bình thường mới – “sống chung với COVID”, đồng thời đưa ra đề xuất, kiến nghị phát huy thế mạnh, khắc phục tồn tại, hạn chế, đưa vùng di sản trở thành điểm đến hấp dẫn cả bốn mùa trong năm.
Các đại biểu nhất trí cho rằng Quảng Ninh cần nhanh chóng áp dụng mở cửa đón khách quốc tế có hộ chiếu vaccine; xây dựng các chương trình kích cầu với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn tại các điểm đến tham quan nổi tiếng; xây dựng bộ tiêu chí về đánh giá mức độ an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động du lịch; Tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa lễ hội quy mô, đẩy mạnh chuyển đổi số; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giới thiệu quảng bá điểm đến Quảng Ninh “An toàn, thân thiện, hấp dẫn” đến du khách trong nước và quốc tế.
Bàn về giải pháp đưa Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn cả bốn mùa trong năm, các diễn giả cho rằng, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển các sản phẩm du lịch trái mùa như du lịch văn hóa, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị), du lịch tâm linh… Do đó, ngành du lịch cần xây dựng chính sách phù hợp, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch theo từng mùa. Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều lợi thế phát triển du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe wellness, một loại hình du lịch đang được ưa chuộng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đại diện lãnh đạo sở du lịch Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Phòng cũng đã có những chia sẻ về tiềm năng kết nối khách du lịch từ tỉnh của mình tới với Quảng Ninh, đồng thời kiến nghị các giải pháp phối hợp để thúc đẩy sự hồi phục du lịch giữa các tỉnh trong giai đoạn bình thường mới.
Nguồn: Báo Tin tức