“Không thuyết phục” nếu Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi phải chờ tới giữa năm 2023 mới áp dụng vì chưa kịp có văn bản hướng dẫn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật để tháo gỡ các điểm nghẽn, các vướng mắc để thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.
Theo đề xuất của cơ quan soạn thảo, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) sẽ thi hành từ ngày 1/7/2023, tức hơn một năm sau thời gian dự kiến được Quốc hội thông qua (kỳ họp tháng 5/2022), với lý do chính là không chuẩn bị kịp các văn bản hướng dẫn.
Tại phiên họp tổ sáng nay (25/10), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan không nên để tình trạng “luật ban hành xong cả thị trường, cả nước phải ngồi chờ văn bản hướng dẫn thi hành”, nhất là trong thời gian tới vừa phải phòng, chống dịch vừa phải phục hồi, phát triển kinh tế.
“Chắc chắn không có đại biểu nào chấp nhận lý do này. Tôi đề nghị hiệu lực thi hành Luật là 1/1/2023”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói. Theo ông, việc một luật mới được thực thi ngay có thể thúc đẩy thị trường, cũng là một giải pháp thiết thực cho việc phục hồi kinh tế hậu đại dịch.
Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành đã ban hành 20 năm nên việc sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ các quy định không còn phù hợp. Với dư địa phát triển còn rất lớn, thị trường bảo hiểm, theo Chủ tịch Quốc hội, nếu được tháo gỡ sẽ góp phần thúc đẩy cả thị trường vốn.
Mặt khác, bảo hiểm là loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao và ngày càng hiện đại. “Chủ trương, mong muốn của chúng ta là tốc độ tăng trưởng của các loại hình dịch vụ phải nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và đặc biệt chú trọng vào các loại hình dịch vụ có giá trị gia tăng cao”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Về tổng thể, với quá trình chuẩn bị vừa qua, trên cơ sở thảo luận của Quốc hội, ông Huệ tin rằng dự thảo luật trình tại kỳ họp tới sẽ đáp ứng tối đa yêu cầu đặt ra. Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ ra một số nội dung cần tiếp tục rà soát để nâng cao hơn nữa chất lượng.
Trong bảo hiểm phi nhân thọ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần quan tâm đến sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp do đặc thù đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh khiến lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp chịu thiệt hại lớn. Nhưng hiện nay, khắc phục điều này chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước và hoạt động thiện nguyện của xã hội, việc bù đắp qua bảo hiểm còn rất ít, thậm chí mới đang thí điểm.
Để tính toán được phí bảo hiểm trong các lĩnh vực này rất khó nhưng Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không thể không làm. “Về lâu dài, phải hướng đến việc bù đắp thiệt hại bằng bảo hiểm để người nông dân yên tâm hơn, có bệ đỡ để khôi phục sản xuất khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về bảo hiểm vi mô, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu thêm như chiến lược tài chính toàn diện để thể chế hóa bảo hiểm vi mô. Loại hình bảo hiểm này phải đến được với người dân vùng sâu, vùng xa, người nghèo, người yếu thế, do đó cần đánh giá cả việc thực hiện hình thức bảo hiểm vi mô do các tổ chức chính trị xã hội thực hiện thời gian qua.
Các quy định về hợp đồng bảo hiểm, theo Chủ tịch Quốc hội, cũng phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo hướng bảo đảm sự bình đẳng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cả người cung cấp dịch vụ và người mua bảo hiểm. Đồng thời, liên quan đến doanh nghiệp bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải đánh giá kỹ kết quả đề án cơ cấu lại, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào quản trị của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm mà cần nâng chuẩn hoạt động, không chấp nhận các doanh nghiệp kinh doanh dưới chuẩn.
Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh (đoàn Hà Nội) cho rằng cần có sự phân biệt giữa bảo hiểm có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm bắt buộc như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội) với bảo hiểm có tính chất kinh doanh, bởi khi kinh doanh là có cạnh tranh. Người mua bảo hiểm có quyền được hướng dẫn những rủi ro tổn thất, còn doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải làm hết trách nhiệm, các biện pháp để đề phòng tổn thất.
Cùng quan điểm, đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, thực tế trong lúc đàm phán mua bảo hiểm, người mua chưa được giải thích rõ quyền và lợi ích dẫn đến khi mua xong phát hiện bên bán bảo hiểm không cung cấp đủ quyền và lợi ích của người mua.
Là người từng mua bảo hiểm, ông Thuận cho rằng nhiều trường hợp dễ bị nhầm, tưởng làm cho mình có lợi nhưng thực chất lại không rõ ràng. “Cần quy định cụ thể để người mua bảo hiểm được biết quyền lợi đầy đủ. Hợp đồng rất dày, nhưng quyền lợi đặt ở vị trí phía dưới nên nhiều khi người mua không biết hết được quyền của mình”, đại biểu Trần Đức Thuận cho biết.
Tùng Lâm
Nguồn: Cánh cò