Trang chủ Luận bàn - Phản biện Bác sĩ mạng nên giải cục máu đông trong tư duy trước...

Bác sĩ mạng nên giải cục máu đông trong tư duy trước khi bịa đặt về biện pháp chống dịch

201
0

Sau làn sóng dịch thứ tư, Việt Nam đang bước vào giai đoạn bình thường mới, cuộc sống dần trở lại bình thường. Đây cũng là thời điểm các đối tượng cơ hội chính trị tiến hành chiêu trò “xét lại” hòng xuyên tạc, bôi lem, vấy bẩn công tác phòng, chống dịch.

Bác sĩ mạng nên giải cục máu đông trong tư duy trước khi bịa đặt về biện pháp chống dịch
“Bác sĩ mạng” Phan Xuân Trung là một trong những kẻ tích cực nhất trong việc bịa đặt, bỉ bôi biện pháp phòng dịch.

Trong mùa dịch, vấn nạn tin giả đã trở lên đáng báo động. Bên cạnh một số người sử dụng tin giả để câu like, câu view thì cũng có rất nhiều đối tượng xấu, chống đối, cơ hội chính trị đã tung ra các tin giả để phục vụ mục đích chống phá về chính trị. Trong đó, những kẻ này liên tục đưa ra các luận điệu xuyên tạc các giải pháp phòng, chống dịch của Việt Nam, vu khống chính quyền “bỏ mặc người dân”, tấn công công tác lãnh đạo, điều hành đất nước trong mùa dịch.

Trong một bài viết với tiêu đề “Những ‘cục máu đông xã hội’”, ông “bác sĩ mạng” Phan Xuân Trung tiếp tục tung ra nhiều luận điệu “xét lại”, đặt điều về các giải pháp phòng, chống dịch của Việt Nam. Phan Xuân Trung rêu rao rằng việc cách ly tập trung, phong toả vùng có F0, hạn chế tập trung đông người, kiểm soát việc đi lại vào vùng dịch, cách ly người về từng vùng dịch, yêu cầu phải tiêm vaccine… là các “cục máu đông xã hội”, ngăn cản các hoạt động bình thường của cuộc sống, khiến cho dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng hơn.

Bác sĩ mạng nên giải cục máu đông trong tư duy trước khi bịa đặt về biện pháp chống dịch
Luận điệu “xét lại”, đặt điều của “bác sĩ mạng” Phan Xuân Trung.

Nói về những giải pháp phòng, chống dịch mà ông Trung và các đối tượng rêu rao gọi là “cục máu đông”, cần hiểu rõ việc cách ly y tế tập trung, phong toả vùng có dịch… là để khoanh vùng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ra các vùng khác. Ngoài ra, qua việc cách ly, phong toả, các cơ quan chức năng sẽ có điều kiện để chăm sóc sức khoẻ, kịp thời áp dụng các biện pháp chữa bệnh cho người bệnh, tránh tình trạng bệnh diễn biến nặng. Dĩ nhiên, việc áp dụng các biện pháp như trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống bình thường của người dân. Tuy nhiên, tính mạng, sức khoẻ mới là điều quan trọng nhất và phải được xác định là ưu tiên hàng đầu. Không thể chỉ vì sự “thoải mái” một cách vô tội vạ, tuỳ tiện của cá nhân mà khiến cả xã hội phải vất vả.

Rõ ràng, những luận điệu được tung ra chỉ là kiểu “ăn theo, nói leo”, lợi dụng dịch bệnh và khó khăn của người dân để chống phá đất nước. Họ đang cố tình đánh lận bản chất vấn đề, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là lợi dụng tình hình phức tạp tại một số tỉnh miền Nam để phủ nhận những kết quả mà Việt Nam đã đạt được. Thẳng thắn đánh giá, TP.HCM và các tỉnh miền Nam không phải là địa phương đầu tiên ở Việt Nam có dịch. Trước đó, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh đã xuất hiện những đợt dịch với diễn biến phức tạp. Tại những địa phương này, việc thần tốc áp dụng các giải pháp như cách ly tập trung, phong toả vùng có F0, kiểm soát đi lại đã phát huy hiệu quả. Với sự phối hợp, chấp hành nghiêm túc của người dân, việc dập dịch đã diễn ra nhanh chóng. Đây là những kết quả không thể phủ nhận. Trong làn sóng dịch thứ 4, với biến chủng virus mới, tốc độ lây lan diễn ra nhanh chóng hơn khiến cho công tác phòng, chống dịch trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Chính vì vậy, Chính phủ, các địa phương đã triển khai các giải pháp hết sức quyết liệt, siết chặt việc kiểm soát đi lại giữa các khu vực để phòng, chống dịch. Suy cho cùng, mục đích cao nhất khi triển khai các biện pháp trên là để bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ của người dân chứ không phải phục vụ lợi ích cá nhân của ai.

Và cũng cần nói thêm, không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng triển khai các biện pháp phong toả, hạn chế đi lại, hạn chế tập trung đông người tại nơi công cộng để phòng, chống dịch. Đơn cử, theo Guardian, tính đến ngày 5/10, thành phố Melbourne của Úc đã trải qua 246 ngày phong tỏa để chống dịch Covid-19, là thành phố có thời gian phong tỏa lâu nhất trên thế giới.

Những kẻ từng ngày, từng giờ lên mạng “dạy đời”, “chỉ tay năm ngón” bàn tán về công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam nhưng lại chẳng hề động tay trên thực tế. Trong khi đó, tại các tâm dịch, các y, bác sĩ, cán bộ Công an, Quân đội, chính quyền địa phương đang nỗ lực từng giờ để bảo vệ nhân dân. Thiết nghĩ, nếu giỏi giang, nếu thực lòng vì người dân thì các “nhà bình loạn” hãy thôi nói phét, hãy trực tiếp lao vào tâm dịch để thực hiện nhiệm vụ. Rõ ràng, chính những kẻ đang làm loạn trên mạng xã hội, lợi dụng dịch bệnh để chống phá đất nước mới là các “cục máu đông xã hội”.

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Nó tác động, ảnh hưởng xấu, gây khó khăn cho cả thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, các “nhà bình loạn”, “nhà dân chủ” lại cố tình chĩa mũi nhọn công kích công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam. Suy cho cùng, đây cũng chỉ là một thủ đoạn chính trị để chống phá đất nước, kích động sự hoài nghi trong quần chúng nhân dân đối với chính quyền, tạo kẽ hở để lan truyền những quan điểm, tư tưởng sai trái. Vì vậy, cần hết sức cảnh giác với các luồng thông tin không chính thống được đưa ra.

Bảo An


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây