Sáng 21/10, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch, bàn giải pháp mở cửa đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong điều kiện “bình thường mới”.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết: Do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, trên 90% doanh nghiệp du lịch ở Quảng Nam tạm dừng hoạt động, chỉ còn khoảng 90 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Có khoảng 14.000 lao động ngành du lịch mất việc làm. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản. Trong 9 tháng của năm 2021, du lịch Quảng Nam thiệt hại khoảng 15 nghìn tỷ đồng.
Để mở cửa đón khách trong điều kiện “bình thường mới”, ngành du lịch Quảng Nam công bố dự thảo hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đối với hoạt động du lịch trên địa bàn. Theo đó, ngoài thực hiện thông điệp 5K, khai báo y tế, tuân thủ các điều kiện về tiêm chủng và xét nghiệm SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khách du lịch đến Quảng Nam cần đáp ứng một số điều kiện khác. Cụ thể: Đối với khách du lịch nội địa đến từ “vùng cam”, là người trên 18 tuổi phải tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong thời gian theo quy định. Đối với khách dưới 18 tuổi thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong thời gian theo quy định. Ngoài ra, chỉ định xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ.
Khách du lịch quốc tế nhập cảnh bằng đường hàng không, thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc chuyến bay quốc tế và thực hiện chương trình du lịch theo hình thức trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức, đảm bảo các tiêu chí về an toàn phòng, chống dịch COVID-19; có hộ chiếu vaccine còn hiệu lực không quá 12 tháng; đã tiêm đủ hai mũi vaccine và có giấy chứng nhận tiêm chủng hoặc đã có giấy chứng nhận khỏi bệnh do cơ quan điều trị cấp; phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh và được cơ quan có thẩm quyền thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận.
Để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch an toàn vừa phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh Quảng Nam xác định lộ trình mở cửa từng bước, theo tiêu chí “An toàn đến đâu mở cửa đến đó, mở cửa phải an toàn” và phù hợp với chỉ đạo chung của Chính phủ. Với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, để có thể khôi phục trở lại hoạt động kinh doanh du lịch trong bối cảnh “bình thường mới” và mở cửa đón khách du lịch một cách an toàn, bền vững; cần sự định hướng của các cấp lãnh đạo; sự chung tay, đồng hành, hiến kế của các địa phương, đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp. Ngành du lịch cùng với tất cả các ngành, địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, phương án, kế hoạch để đón bắt cơ hội phục hồi ngay khi có điều kiện.
Dịch bệnh dần được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, buộc ngành du lịch phải nghiên cứu các giải pháp phục hồi du lịch một cách thấu đáo, phù hợp. Trong đó, yếu tố an toàn phải đặt lên hàng đầu, từ an toàn ở tuyến điểm, an toàn trong chuỗi dịch vụ, an toàn trong tổ chức điều hành tour và trong cả công tác kiểm soát. Đây là những điều kiện cần thiết để phát triển tour du lịch đến Quảng Nam trong điều kiện bình thường mới.
Mặt khác, để chuẩn bị điều kiện mở cửa đón khách du lịch, tỉnh Quảng Nam đang tập trung nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có; xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới. Tỉnh cũng tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có như: Phố cổ Hội An, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù lao Chàm – Hội An, mở rộng không gian phố cổ và chợ đêm Hội An, tổ chức chương trình “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” tại khu đền tháp Mỹ Sơn, làng du lịch cộng đồng Trà Nhiêu (Duy Xuyên), làng bích họa Tam Thanh, địa đạo Kỳ Anh (Tam Kỳ), làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú, khu du lịch sinh thái rừng Hà Gia (Điện Bàn), khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh (Phú Ninh)… Đồng thời, tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch mới theo hướng du lịch xanh, bền vững để thu hút khách, tạo nét độc đáo, khác biệt phù hợp với thị trường khách.
Quảng Nam cũng chú trọng xây dựng, triển khai gói kích cầu du lịch; đẩy mạnh truyền thông giới thiệu, quảng bá các gói kích cầu du lịch trên các ấn phẩm du lịch, trên các trang mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Tỉnh phát động các chương trình người Quảng Nam đi du lịch trong tỉnh, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đi tham quan, du lịch tại các điểm đến trong tỉnh vào các dịp cuối tuần với các gói ưu đãi, hấp dẫn. Cùng với đó, Quảng Nam đẩy mạnh triển khai chương trình liên kết hành động khôi phục và phát triển du lịch 3 địa phương: Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế; tăng cường công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các trung tâm du lịch lớn trong cả nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Nguồn: Báo Tin tức