Thời gian gần đây, lời phát biểu “Lãnh đạo tỉnh nên vào facebook để biết dân cần gì” của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đang được dư luận quan tâm. Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Đồng Nai, Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh đã khuyến khích các cán bộ tận dụng thế mạnh của mạng xã hội để hiểu rõ hơn về tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Có thể khẳng định, lời phát biểu ông Nguyễn Hồng Lĩnh rất phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Hiện nay, với tốc độ phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, mạng xã hội đang dần trở thành một kênh quan trọng trong giao tiếp thông tin, mang tới cho người dùng rất nhiều tiện ích nhờ thông tin nhanh, nội dung phong phú, đa dạng, hình thức sinh động, hấp dẫn.
Từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát rồi lan rộng mạnh mẽ đến rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, chúng ta lại càng cảm nhận rõ hơn về vai trò tích cực của mạng xã hội. Cùng với hàng loạt đoạn video clip tuyên truyền phòng, chống dịch là các hình ảnh đẹp, bài đăng ý nghĩa về những nghĩa cử cao đẹp trong mùa dịch. Mạng xã hội đã góp phần truyền tải những thông điệp ý nghĩa, nhân văn về đất nước, con người Việt Nam với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái.
Đồng thời, mạng xã hội còn là kênh thông tin quan trọng góp phần đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân nhanh chóng, kịp thời. Như vậy việc tham gia vào mạng xã hội, Internet mang đến cho các nhà lãnh đạo rất nhiều lợi ích. Tại đây họ không chỉ tìm hiểu được những thông tin mới mà còn thêm gần dân, hiểu được những tâm tư, nguyện vọng của mỗi người dân. Để từ đó điều chỉnh, đưa ra những chính sách phát triển đất nước phù hợp nhất.
Tuy vậy, mạng xã hội cũng giống như con dao hai lưỡi, đi kèm theo lợi ích là những vấn đề tiêu cực. Nhiều loại tội phạm đang lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài sản, đánh cắp dữ liệu… hòng thu lợi bất chính. Không chỉ vậy, các thế lực thù địch, chống phá đã lập ra và sử dụng hàng ngàn trang mạng xã hội để tham gia vào các hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng. Với tốc độ phát triển nhanh chóng, giờ đây mạng xã hội đã trở thành công cụ “đắc lực”, miếng đất “màu mỡ” để những đối tượng “dân chủ” tăng cường hoạt động chống phá.
Điển hình là vào ngày 18/10 vừa qua, tổ chức Việt Tân đăng tải bài viết “Tư duy mới của lãnh đạo – Đảng viên về việc chơi facebook”. Trong bài đăng, tổ chức này đã cố tình cắt ghép lời phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai với mục đích chuyển hướng dư luận, chỉ trích sự “thờ ơ”, “thiếu thực tế” của nhiều nhà lãnh đạo hiện nay.
Thực chất, Việt Tân đã lợi dụng lời phát biểu của Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh để đưa ra những thông thông tin xuyên tạc, bịa đặt nhằm công kích lãnh đạo Nhà Nước. Điều này cho thấy, thực chất Việt Tân chỉ muốn mạng xã hội là nơi “vẫy vũng” của các phần tử chống phá đất nước. Đây không phải lần đầu tiên Việt Tân và các trang mạng chống phá bày ra những chiêu trò xuyên tạc, bịa đặt khi một quan chức, lãnh đạo tại Việt Nam đề cập đến việc sử dụng mạng xã hội trong công tác vận hành bộ máy nhà nước. Nhưng điều đó chỉ càng chứng tỏ chúng luôn sợ hãi thực tế chính quyền và người dân ngày càng xích lại gần nhau. Bởi đó cũng là lúc những luận điệu, chiêu trò chia rẽ đất nước của chúng ngày càng thảm bại. Có thể nói, càng ra sức xuyên tạc, bịa đặt về chuyện “quan dùng facebook”, Việt Tân lại càng lộ rõ mưu đồ chia cắt đất nước Việt Nam.
Do đó để phát huy được mặt tích cực, đưa mạng xã hội trở thành kênh thông tin tham khảo, điều chỉnh của cán bộ Nhà nước đòi hỏi các đơn vị quản lý, nhà lãnh đạo cần phải giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm khắc với các phần tử cơ hội chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cố tình đăng tải những thông tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội bộ.
Huyền Trang
Nguồn: Cánh cò