Đúng vào ngày 20/10, tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” sẽ ra mắt khán giả, như một lời tri ân của các nghệ sỹ múa trên khắp mọi miền đất nước với lực lượng tuyến đầu trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19.
Tổng đạo diễn chương trình là biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam, một nghệ sỹ đa tài. Chị đã có nhiều vở diễn lớn thành công, được giới chuyên môn và công chúng đánh giá cao về nghệ thuật. Nữ nghệ sỹ cho biết sẽ dành tâm huyết, năng lực trí tuệ và trái tim yêu thương chân thành để sáng tạo tác phẩm để mang lại hạnh phúc cho mọi người…
Mong muốn lưu giữ các giá trị tinh hoa của dân tộc bằng ngôn ngữ múa
Biên đạo múa Tuyết Minh sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật nên có cơ hội làm quen với sân khấu từ rất sớm. Tuyết Minh theo học múa ballet tại Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam).
Năm 2000, Tuyết Minh bước vào nghề với vở diễn ballet “Kẹp hạt dẻ” của biên đạo Phillip Cohen. Năm 2001, trong Cuộc thi Tài năng múa trẻ, chị đã gây được sự chú ý trong giới làm nghề khi tự dàn dựng tiết mục thi. Kết quả là tiết mục “Trần Quốc Toản” do chính chị biên đạo và sáng tạo, kết hợp giữa múa với vũ đạo tuồng cổ đã mang lại nhiều cảm xúc mới lạ cho khán giả và được Ban giám khảo đánh giá cao.
Thành công bước đầu đã tạo động lực cho biên đạo trẻ Tuyết Minh cảm hứng sáng tạo tiếp theo. Chỉ một năm sau đó, chị mạnh dạn sáng tạo và cho ra mắt vở ballet cổ kinh điển “Carmen”, khiến nhiều người nể phục vì một nghệ sỹ trẻ mà “dám” đụng đến một tác phẩm kinh điển của thế giới, thậm chí còn Việt hóa khá nhiều chi tiết… Khi đó, Nhà hát Lớn có 700 ghế thì đều kín người đặt mua vé, Tuyết Minh phải xin với Ban Giám đốc cho phát hành thêm vé đứng…
Năm 2003, khi Đoàn múa Khám phá ra đời, Tuyết Minh đã về đầu quân ở đây bởi đây là một đơn vị xã hội hóa, hoạt động với tiêu chí mang hơi thở đương đại của nhảy múa đến gần hơn với công chúng. Tại đây, Tuyết Minh cùng đồng nghiệp đã sáng tạo nhiều vở diễn và dàn dựng theo phong cách thử nghiệm độc đáo, ấn tượng như “Quan âm Thị Kính”, “Chiến thắng mùa hoa đào”, “Hai người bạn”, “Bên trong – Bên ngoài”, “Con tạo xoay”…, tạo nên một luồng gió mới cho nghệ thuật múa lúc đó.
Tuyết Minh còn xuất hiện trong vai trò giám khảo trách nhiệm, uy tín suốt 4 mùa của chương trình “Thử thách cùng bước nhảy” (So you think you can dance); Giám khảo của thần đồng âm nhạc – Wonderkids; khởi xướng hàng loạt các dự án liên quan đến múa, trong đó có Festival Múa… Năm 2016, Tuyết Minh tạo ra tour lưu diễn S-Dance Tour 2016, tập hợp những tài năng nhảy múa của Việt Nam và đi biểu diễn trên toàn quốc. Thông qua S-Dance Tour, khán giả đã có cái nhìn gần gũi hơn, sâu sắc hơn về nghệ thuật múa Việt Nam.
Năm 2018, Tuyết Minh đưa tác phẩm văn học nổi tiếng “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài lên sân khấu múa. Vở kịch múa “Mỵ” ngay khi ra mắt đã gây ấn tượng bởi nó không khắc sâu nỗi đau của Mỵ mà làm nổi bật lên văn hóa đặc sắc của dân tộc vùng cao với phiên chợ tình, trò chơi dân gian. Không chỉ nhạc cụ truyền thống như đàn môi, khèn lá, sáo pí-thiu, trống, mõ trâu… được đưa lên sân khấu, mà ngay cả vật dụng sinh hoạt hằng ngày của đồng bào dân tộc Mông như chảo thắng cố, dao thớt, cối giã gạo, ống bương nước… cũng được Tuyết Minh đưa vào làm đạo cụ biểu diễn. Một vùng văn hóa của đồng bào Mông đã được tái hiện sống động trong kịch múa “Mỵ”. Tác phẩm đã giành giải “Chương trình ấn tượng và biên đạo múa xuất sắc” tại Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018.
Sau đêm công diễn, nhiều tour du lịch đã đặt hàng biểu diễn “Mỵ” để phục vụ khách du lịch, nhằm giới thiệu với du khách vẻ đẹp của nghệ thuật cũng như văn hoá Việt…
Năm 2019, Tuyết Minh lại một lần nữa khiến giới trong nghề và những người yêu múa nể phục khi đưa kiệt tác “Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du lên sân khấu trong vở kịch múa ballet “Kiều”. Trong tác phẩm này, biên đạo Tuyết Minh khéo léo kết hợp giữa kỹ thuật nền tảng của ballet đương đại với “chất” văn hoá trong nghệ thuật trong tuồng, chèo. Múa dân tộc, âm nhạc cũng được chắt lọc, hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, âm nhạc truyền thống tuồng và làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, thập lục, trống…
Chị đưa các tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam như “Truyện Kiều”, “Vợ chồng A Phủ”… lên sân khấu múa với mong muốn lưu giữ các giá trị tinh hoa của dân tộc bằng ngôn ngữ múa.
Đưa múa đến gần hơn với khán giả
Thành công mà biên đạo Tuyết Minh gặt hái được là xuất phát từ sự say mê, tâm huyết với nghệ thuật múa. Chị lao động và sáng tạo nghệ thuật một cách nghiêm túc, cẩn trọng. Để có được những tác phẩm múa để lại dấu ấn trong lòng công chúng, chị cùng các cộng sự đã dành rất nhiều thời gian tìm kiếm nội dung, đề tài thể hiện. Mỗi khi có ý tưởng và dự định sáng tạo một tác phẩm, chị dành trực tiếp đến từng vùng, miền để tìm hiểu về văn hoá, con người của vùng đất ấy, rồi nghiên cứu để đưa những nét văn hoá đậm chất truyền thống ấy vào các vở diễn…Chính những chất văn hóa ấy đã gây ấn tượng đặc biệt với công chúng, như vở “Mỵ” là một ví dụ. Những dấu ấn văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, từ trang phục, đến đạo cụ là các đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đều được đưa lên sân khấu, để lại ấn tượng sâu sắc đối với khán giả trong và ngoài nước.
Biên đạo múa Tuyết Minh chia sẻ, với chị, nghệ thuật phải “vị nhân sinh”. Ở đó, nghệ sỹ lưu giữ những giá trị truyền thống, nhưng cũng phải lắng nghe tiếng nói của thời đại. Dựng một vở diễn phải đi vào tâm tư tình cảm của con người hôm nay chứ không thể xa rời quần chúng… Chính vì vậy, chị bỏ qua những câu chuyện của cá nhân, dành thời gian, tình yêu của mình cho múa và tìm con đường để giới thiệu nghệ thuật múa đến với khán giả.
“Múa là một người bạn tri kỷ chân thành, chung thủy nhất luôn song hành bên cuộc đời tôi, luôn có mặt khi tôi vui, hạnh phúc, buồn, thậm chí là đau khổ, cô đơn nhất. Những lúc quá mệt mỏi vì cuộc sống, tôi lại tự cho phép mình ngưng lại, lặng lại một chút để múa, để cảm nhận lại về sự khó hiểu và phức tạp của chính mình, nhắc mình hãy sống và suy nghĩ đơn giản để hạnh phúc hơn”, biên đạo múa Tuyết Minh nói.
Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp múa, với những nỗ lực, với sự tìm tòi, sáng tạo và quyết tâm vượt lên chính mình, bảng thành tích của nghệ sỹ múa, biên đạo múa Tuyết Minh khiến nhiều người phải nể phục. Chị giành tới 14 huy chương Vàng, 14 huy chương Bạc trong nước, quốc tế ở cả vai trò là diễn viên biểu diễn và biên đạo múa.
Tuyết Minh còn tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, giữ chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Thể nghiệm, rồi sau đó là chuyên viên của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Tài năng, tâm huyết và những đóng góp của nghệ sỹ Tuyết Minh với nghệ thuật múa đã được giới chuyên môn và công chúng ghi nhận. Năm 2020, chị được các nghệ sỹ múa tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam.
Biên đạo múa Tuyết Minh cho biết, khi nhận nhiệm vụ là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, chị thấy sự cống hiến của mình thật nhỏ bé so với sự hy sinh của các bậc tiền bối đi trước – những nghệ sỹ đã sống thật giản dị, lao động hết mình với tình yêu nghệ thuật múa.
“Tôi thấy trách nhiệm của mình và sẽ dành tâm huyết, năng lực trí tuệ và trái tim yêu thương chân thành để sáng tạo những tác phẩm múa nói riêng, tác phẩm nghệ thuật nói chung mang lại sự hạnh phúc cho mọi người, hạnh phúc đó bắt nguồn từ tâm hồn trong sáng, nhân văn”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam bày tỏ.
Chia sẻ về mong muốn với sự phát triển của nghệ thuật múa nước nhà, chị luôn muốn tạo ra không gian để những tài năng trẻ được thử sức, sáng tạo và thể hiện đam mê với nghệ thuật, tìm tòi để vượt lên nỗi sợ và giới hạn bản thân. Chị muốn kết nối họ làm việc nhóm, cống hiến cho cộng đồng, vì sự nghiệp chung của ngành múa Việt Nam. Ðó là cách các bạn trẻ trưởng thành, sáng tạo ra những tác phẩm có ý nghĩa cho cộng đồng – chìa khóa để nghệ sỹ và tác phẩm nghệ thuật của đi vào trái tim khán giả…
Nguồn: Báo Tin tức