Khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung. Thủ tướng, một số bộ trưởng và thành viên Chính phủ sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp này.
Sáng nay 20/10, các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV tại điểm cầu Nhà Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, Quốc hội họp phiên trù bị để thông qua chương trình kỳ họp. Đúng 9h, Kỳ họp thứ 2 chính thức khai mạc và nội dung này được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Trước khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc, các đại biểu Quốc hội mặc niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh do dịch COVID-19.
Cũng tại phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe các Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.
Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (11 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021). Quốc hội làm việc 2 ngày thứ Bảy, 1 ngày Chủ nhật.
Đại biểu Quốc hội ở địa phương nào sẽ tham dự ở điểm cầu tại địa phương đó; đại biểu Quốc hội công tác tại các cơ quan Trung ương (bao gồm cả Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) tham dự tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Đợt 2, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (6 ngày, từ 8- 13/11/2021). Quốc hội làm việc 1 ngày thứ bảy.
Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội thứ 2
Có 59 nhóm vấn đề được các ĐBQH quan tâm. Đây là kỳ họp cuối năm nên Thủ tướng Chính phủ sẽ trả lời chất vấn.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 2, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Bùi Văn Cường cho biết, việc quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn thuộc thẩm quyền quyết định của tất cả đại biểu Quốc hội.
Hiện tại bước đầu đã tổng hợp 59 nhóm vấn đề, dự kiến đến thời điểm cuối đợt họp trực tuyến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội, sau đó quyết định nhóm vấn đề chất vấn và thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời. Theo thông lệ, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ trong danh sách trả lời chất vấn.
“Theo quy định của pháp luật, các tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Không chất vấn những vấn đề đã có trong Nghị quyết về chất vấn và Nghị quyết về giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn và phải phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên chất vấn”, ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Tại phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ khi cho ý kiến về chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, ngày 13/10, ông Bùi Văn Cường cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20/9/2021, Tổng Thư ký Quốc hội đã đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội đề xuất vấn đề chất vấn.
54 Đoàn đại biểu Quốc hội và 3 đại biểu Quốc hội có văn bản với 59 nhóm vấn đề chất vấn. Tổng Thư ký đã tổng hợp đề xuất chất vấn để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 4, Tổng Thư ký sẽ căn cứ quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Quy chế về tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội để lựa chọn nhóm vấn đề và người trả lời chất vấn, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Về xây dựng dự thảo Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, ông Bùi Văn Cường cho biết, do việc chuẩn bị, trình và thông qua Nghị quyết về chất vấn rất ngắn (1 ngày) nên Tổng Thư ký đề nghị cho phép xây dựng dự thảo Nghị quyết theo hướng rút ngắn thời gian xin ý kiến giữa các quy trình để bảo đảm tiến độ ban hành Nghị quyết.
Ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, có dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo Nghị quyết (theo quy trình tại một kỳ họp); xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; xem xét hàng loạt báo cáo của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
Quốc hội dự kiến xem xét, quyết định Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025); Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Tùng Lâm
Nguồn: Cánh cò