Nhiều năm qua, các thế lực chống phá luôn tập trung vào là vấn đề “nhân quyền” với nhiều hình thức tinh vi, thâm độc, xảo trá. Chúng rêu rao khái niệm “tù nhân lương tâm”, đồng thời không quên xuyên tạc rằng những đối tượng đó “bị tra tấn và đối xử tàn tệ”.
Như thường lệ, sau khi cơ quan điều tra ra các quyết định tố tụng đối với những đối tượng có hành vi chống phá Nhà nước, xâm phạm an ninh quốc gia thì những “người đồng hành” bên ngoài như RFA và Tổ chức Ân xá quốc tế lại ra rả điệp khúc “Chính phủ Việt Nam trấn áp dân quyền”. Không cần nói đâu xa, ngay sau khi đối tượng Trịnh Bá Tư bị bắt vì vi phạm Khoản 1, Điều 117 Bộ Luật Hình sự về tội “Làm và phát tán tài liệu chống Nhà nước”, RFA đã ngay lập tức đưa thông tin sai rằng đối tượng này bị Chính phủ sử dụng “nhục hình” để ép cung.
Phải làm rõ ngay từ đầu rằng, Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, mà thực chất đó chỉ là những người vi phạm pháp luật. Mà đã là phạm nhân thì chỉ bị hạn chế về quyền con người chứ không bị tước hoàn toàn. Trong Luật Thi hành án hình sự 2019, Điều 27 quy định phạm nhân được hưởng các quyền như: Được bảo hộ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm… Và để thực hiện được nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ quyền của phạm nhân, Điều 8 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải “thường xuyên kiểm tra tính hợp pháp và sự cần thiết của những biện pháp đã áp dụng, kịp thời hủy bỏ hoặc thay đổi những biện pháp đó nếu xét thấy có vi phạm pháp luật hoặc không còn cần thiết”.
Vậy nên, những lời buộc tội về việc Trịnh Bá Tư “bị đánh đập, dụ cung” là vô căn cứ. Về việc người nhà Trịnh Bá Tư bảo y bị “bể thận”, xin hỏi bệnh án đâu? Bằng chứng chứng minh thương tật đâu? Chiêu trò “ăn không nói có” này muôn đời vẫn vậy, lời nói mà không có bằng chứng thì thuyết phục được ai? Còn về thẩm vấn phạm nhân, việc khuyên răn phạm nhân hợp tác để được hưởng khoan hồng là điều đương nhiên, có gì là sai mà bị gọi là “dụ cung”? Những điều thẩm tra viên nói và làm trong cuộc thẩm vấn đề được ghi hình lại và nằm trong sự kiểm soát của cơ quan chức năng, nếu cán bộ thẩm vấn có làm gì trái với quy tắc, phạm đến các quyền con người cơ bản của Trịnh Bá Tư thì đã ngay lập tức bị xử lí rồi chứ không phải đợi RFA “lên tiếng”.
Qua đây, có thể thấy rằng, những lời bịa đặt của RFA thật sự chẳng phải vì “dân chủ cho nhân dân” hay vì lợi ích của Trịnh Bá Tư. Chúng chẳng qua chỉ xem y và các đối tượng khác như những “con tốt”, là vật thế thân để chống phá chính quyền Việt Nam. Điều đáng bàn là những người được các thế lực thù địch gọi là “tù nhân lương tâm” khi bị bắt và khai trước tòa hầu hết đều thừa nhận rằng do không có kiến thức pháp luật, không lường hết hậu quả của những việc đã làm, do nhận tiền và bị xúi giục, thậm chí bị đe dọa nên buộc phải tham gia. Màn kịch này cần phải được dừng lại ngay lập tức, sự thật và pháp luật ở Việt Nam cần được các thế lực bên ngoài tôn trọng, không xâm phạm cũng như xuyên tạc, bịa đặt.
Rõ ràng, quốc gia nào cũng phải đảm bảo mọi hoạt động diễn ra theo khuôn khổ luật pháp, không ở đâu dung túng những kẻ mượn danh nghĩa “dân chủ, nhân quyền” để phá hoại đất nước, xâm hại sự ổn định chính trị, xã hội. Chính vì vậy, mỗi người trong chúng ta phải cực kì tỉnh táo trước những lời tuyên truyền độc hại đội lốt “dân quyền, nhân quyền”, đừng trở thành con rối trong tay kẻ chống phá, làm điều phản nước, hại dân.
LS Lê
Nguồn: Cánh cò