“Muốn làm được việc, người lãnh đạo đừng bao giờ nhìn xuống 4 chân ghế mà phải nghĩ mình sẽ làm được gì cho dân” – Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho lời khuyên với ông Nguyễn Bá Thanh, khi Quảng Nam Đà Nẵng vừa chia tách tỉnh.
Khi đó, ông Bá Thanh được đưa sang làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Đó là bữa ông Bá Thanh đến chào ông Kiệt và xin ông có lời khuyên để giúp thành phố phát triển.
Ngẫm lại chuyện cũ với những gì diễn ra trong cuộc chiến chống đại dịch, tôi càng hiểu vì sao biện pháp phòng chống dịch của các tỉnh thành trong cả nước lại không giống nhau, nhiều khi còn “vênh” đến độ khó hiểu.
Dè dặt, thận trọng thái quá
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao quyền tự quyết cho các địa phương và người đứng đầu mỗi nơi phải tự chịu trách nhiệm trước công việc mà mình chỉ đạo.
Chúng ta cũng có thể chia sẻ với một số lãnh đạo địa phương khi thấy đâu đó trong cách làm có những lúc họ tỏ ra khá dè dặt.
Bộ Chính trị vừa chính thức ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Chúng ta đang trải qua hơn 5 tháng chiến đấu với biến chủng Delta đầy nguy hiểm; cũng chứng kiến sự kiệt sức của nền kinh tế nước nhà khi phải căng mình chống dịch nhưng cũng vẫn cố gắng hạn chế tổn thất để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng thị trường.
Chúng ta vừa phải chứng kiến cảnh dân “nín thở” chờ ngày giảm bớt giãn cách xã hội ở nhiều tỉnh thành và cuối cùng, trong khoảng chục ngày qua là sự bất lực trước cảnh dân lao động trở về quê bằng mọi cách… Nếu chúng ta có sự chủ động và chuẩn bị trước thật kỹ sẽ có cách đưa họ trở về an toàn chứ không đến mức như vừa qua.
Rồi chỉ một tỉnh như Đồng Tháp, với cả trăm ngàn người trở về, tỉnh tổ chức thăm dò đã có đến 35% tuyên bố sẽ không trở lại thành phố dù dịch kết thúc. Điều này sẽ là gánh nặng sắp tới cho địa phương vì phải tìm và giới thiệu việc làm cho họ. Chưa kể trước đó tỉnh này đã có hàng trăm ngàn người thiếu việc làm và tỉnh cũng quyết tâm lắm mà chưa giải quyết xong.
Việc mỗi tỉnh có cách nhìn, một hướng giải quyết khác nhau về đón hay từ chối người trở về quê thật không ổn. Bên cạnh Phú Yên, Ninh Bình… đón người dân trở về chu đáo thì cũng có tỉnh từ chối thẳng thừng. Cách phòng chống dịch cũng có chuyện. Tình trạng cát cứ, cô lập giữa tỉnh này với tỉnh lân cận nhiều khi gây khó cho lưu thông hàng hoá.
Để tiến tới trạng thái bình thường mới
Đó cũng chỉ là “việc nhỏ” trong vô vàn thứ khác cần mở nhưng chậm. Ví dụ như lĩnh vực vận tải hàng không, đường bộ và đường sắt. Như ngành hàng không, hầu hết các hãng bay đang vay nợ và rất khó trả vì không có nguồn thu. Ngành gửi văn bản cho các địa phương xin ý kiến mà sau cả tuần cũng chỉ có chục tỉnh, thành phố hồi âm và không phải tỉnh thành nào cũng ủng hộ.
Trong khi đó, nhiều nước đang hối hả tìm nhiều giải pháp để phục hồi. Chẳng hạn như Thái Lan. Họ chờ du khách vào Phuket nghỉ mát theo lối khép kín nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Sau 7 ngày nghỉ yên tại chỗ, chính quyền chấp nhận cho họ được vào sâu đất liền trong cả nước. Vậy thôi mà sau ít ngày họ đã có nguồn thu cả trăm triệu USD.
Nước nào chậm chân vì quá thận trọng sẽ bị thua thiệt bởi lúc này, sự khao khát thay đổi không khí của du khách trên thế giới là cực lớn.
TP.HCM đã mở, sao Hà Nội phải lo lắng? Nếu trung bình số ca nhiễm của đợt 1 giãn cách là 71,2 ca/ngày, thì tính từ 21/9 đến nay, số ca mắc chỉ còn 5-7 ca/ngày.
Theo thống kê đến nay, Hà Nội đã tiêm được 8,68 triệu mũi, đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP.HCM với hơn 12 triệu liều. Bộ Y tế cũng đã khẳng định quan điểm Hà Nội tiếp tục được ưu tiên phân bổ vắc xin thời gian tới.
Tất cả những yếu tố trên được xem là thuận lợi để Hà Nội có thể trở thành địa phương tiên phong mở cửa các hoạt động. Song, trong buổi tiếp xúc cử tri chiều 6/9, trước kiến nghị của cử tri về việc cho phép trẻ em đi học trở lại hay việc mở lại hàng không, đường sắt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhiều lần nhấn mạnh “cân nhắc một cách thận trọng” hay mở phải “theo lộ trình”.
Cho rằng thận trọng là cần thiết, song theo TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội không nên quá thận trọng với việc nới lỏng thêm hoạt động, bởi tỷ lệ tiêm chủng đã ở mức cao.
Theo chuyên gia dịch tễ này, TP chỉ còn 1 ổ dịch nguy cơ cao là bệnh viện Việt-Đức song đã được phong tỏa. Ổ dịch này có thể coi như một sự cố trong phòng dịch tại bệnh viện, nguy cơ lây lan ra cộng đồng không cao. Đặc biệt, hơn nửa tháng qua, một vài ca cộng đồng vẫn xuất hiện lốm đốm, cho thấy không thể “Zero Covid”, Hà Nội phải chấp nhận sống chung và tiếp tục chiến lược khoanh vùng nhanh, phong tỏa hẹp.
TS Nguyễn Huy Nga cũng đề xuất TP nên cho phép trẻ em đến trường mà không cần phải đợi tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-18 tuổi, hay phủ vắc xin mũi 2 cho người dân vì sẽ phải chờ đợi quá lâu. Lý do, trẻ em nếu lây nhiễm Covid-19 không nặng bằng sởi hay thủy đậu, mức độ tác động của virus với trẻ càng nhỏ thì triệu chứng càng nhẹ. Để đảm bảo an toàn, TP có thể tạo các “bong bóng trường học”, tức là thầy cô giáo và nhân viên trong trường phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin, thực hiện nghiêm ngặt 5K, sẽ tạo được khu vực an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm…
Chuyện ông Võ Văn Kiệt và ông Nguyễn Bá Thanh
Trở lại chuyện cũ của Đà Nẵng, chúng ta đã thấy, với sự bứt phá ngoạn mục với một thời gian ngắn mà được như bây giờ, không thể không nhắc tới vai trò cá nhân ông Bá Thanh.
Sau những năm Đà Nẵng “sóng gió nơi chính trường” cho thấy cả hai mặt. Mặt nào mà ông làm vì sự phát triển của TP thì trung ương và địa phương luôn ghi nhận, đánh giá cao. Những gì ông cùng một dàn lãnh đạo đương thời làm chưa đúng, vi phạm thì đương nhiên cũng đã rõ. Nhưng dù có thế nào thì ông cũng đã để lại một “dấu ấn Nguyễn Bá Thanh” trên nhiều bình diện.
Những lời khuyên chân tình, thẳng thắn của ông Võ Văn Kiệt năm xưa với ông Nguyễn Bá Thanh theo tôi, đều xuất phát từ một nhà lãnh đạo chân tình, trung thực từng một lòng vì dân, vì nước tuyệt vời như ông Sáu Dân Võ Văn Kiệt.
Trong sự nghiệp chính trị của mình, không ít lần ông Võ Văn Kiệt đã có những quyết định mạnh mẽ, táo bạo nhưng khá nhạy cảm. Đó là chuyện sau ngày giải phóng ít năm, thấy cảnh nhiều gia đình trí thức nổi tiếng vượt biên, khi tỉnh bạn bắt được, Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt đều cho người đến xin về “để chính quyền TP.HCM thụ lý”. Thế nhưng ông chẳng bắt bớ một ai mà họ về với lời khuyên chân thành: hãy ráng chịu đựng thêm một thời gian nữa. Nếu đời sống không khá hơn thì lúc đó, ông hứa dứt khoát, sẽ tạo điều kiện cho lên máy bay ra đi đàng hoàng.
Đó là trường hợp ông vào trại giam thăm kỹ sư ngành dệt Phạm Văn Hai, người rất giỏi chuyên môn mà đất nước đang cần. Ông đã nói như thế và rồi bảo lãnh cho ông Hai được thả ra. Sau đó ông kêu thư ký đi làm lại hộ khẩu cho họ (theo cuốn “Ông Sáu Dân trong lòng dân”/NXB Tri thức).
Ông đã dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm trước những quyết định quá ư khó khăn nhưng thấm đẫm tình người này…
Rồi cả chuyện hệ trọng về phát triển kinh tế mà ông gặp phải với tư cách là Thủ tướng. Ông đã thuyết phục Bộ Chính trị và Quốc hội cho phép làm đường dây điện cao áp 500KV Bắc Nam khi còn rất nhiều lực cản. Thành công có được quả là một kỳ tích, nếu thất bại thì xem như ông cũng khó trụ nổi cương vị Thủ tướng.
Hy vọng với việc Đảng ta có Kết luận 14/ KL-TW của Bộ Chính trị hỗ trợ, sẻ chia, bảo vệ thì đất nước sẽ xuất hiện được những vị lãnh đạo như thế.
Quốc Phong
Nguồn: Cánh cò