Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, là một trong những nội dung quan trọng được bàn thảo và quyết định tại Hội nghị Trung ương 4 Khoá XIII.
Trong 5 năm qua, cả nước đã có hơn 87 nghìn đảng viên bị xử lý, kỷ luật. Riêng trong nhiệm kỳ XII của Đảng cũng đã có tới hơn 30 sỹ quan cấp tướng, 27 ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương, bao gồm 4 Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý, kỷ luật. Và ngay trước khi Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII diễn ra, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát Biển Việt Nam, nhiệm kỳ 2015 – 2020, khai trừ Đảng 2 tướng, cắt hết tất cả chức vụ trong Đảng của 7 tướng lĩnh khác. Tuy con số kể trên chỉ chiếm chưa tới 2% tổng số đảng viên, nhưng lại gây ra những tác hại không nhỏ, thiệt hại cho xã hội lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng và nguy hại hơn là làm sói mòn lòng tin của người dân.
Việc thi hành kỷ luật đối với những đảng viên sai phạm âu cũng là điều bất đắc dĩ. Cành sâu thì phải chặt, chặt để cứu cây. Nếu không cả thân cây sẽ bị làm mục ruỗng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phải nói “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của Nhân dân. Đây là bài học sâu sắc, bài học đắt giá cho tất cả chúng ta”.
Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tuy nhiên, trước những biến động không ngừng của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của thế giới và khu vực. Đặc biệt là những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra đã tác động không nhỏ đến đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhiều người đã không tránh khỏi việc chùn bước, hoang mang, dao động trước những khó khăn đang ngày càng chồng chất. Vì lẽ đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII để bổ sung những điểm mới, yêu cầu mới không ngoài mục đích để tạo ra những thay đổi thực chất hơn, hiệu quả hơn.
Xử lý nghiêm cán bộ tiêu cực, tham nhũng, chặt những cành sâu để cứu cây là tất yếu. Những quan trọng hơn là vẫn phải làm tốt công tác phòng ngừa, không để những con sâu len lỏi, phá hoại, đục khoét. Những khuyết điểm, vi phạm của cán bộ, đảng viên cần được phát hiện, ngăn chặn ngay từ khi mới mạnh nha. Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Cũng chính vì lẽ đó, nên cách đây chưa đầy 1 tháng, Bộ Chính trị đã thống nhất bổ sung tên “Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” thành “Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Việc bổ sung nội hàm tiêu cực ngay trong tên gọi của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mang ý nghĩa bao quát hơn, hoàn thiện hơn trong phòng, chống tiêu cực. Trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ, lãnh đạo, quản lý các cấp.
Sau hội nghị Trung ương 4 khóa XIII này, kỳ vọng sẽ có một nghị quyết mới được ra đời. Từ đó có thêm những liều “vaccine đủ mạnh” trong phòng ngừa và xử lý những cán bộ, đảng viên không giữ được mình, ngã lòng trước những xa hoa, cám dỗ. Quan trọng hơn là không còn phải đau lòng khi thi hành kỷ luật những người từng là đồng chí, từng một thời có công lao cống hiến cho nước, cho dân.
Diệu Hương
Nguồn: Cánh cò