Không gian lộng lẫy vàng son một thuở của chùa Một Cột – Biểu tượng văn hóa ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội đã được hiện thực hóa bởi nhóm SEN Heritage thông qua dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu – Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo, công bố vào cuối năm 2020 đã được đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 14 – 2021.
Dự án cho thấy nỗ lực nghiêm túc và tình cảm của những con người “nặng lòng” với di sản cũng như văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Vào thời điểm ra mắt, dự án đã nhận được không ít ý kiến trái chiều. Một mặt dự án gây tranh cãi về tính thuyết phục của các giả thuyết khoa học. Mặt khác dự án cũng cho thấy triển vọng của một hướng đi mới trong bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị di sản.
Để hiểu hơn về tâm huyết của SEN Heritage trên hành trình “tái lập quá khứ, kiến tạo tương lai”, Ban tổ chức Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 14 – 2021 chia sẻ cuộc trò chuyện với PGS. TS Trần Trọng Dương – thành viên sáng lập SEN Heritage.
10 năm cho 1 tình yêu di sản
Được biết SEN Heritage lấy việc “Tái lập văn minh Đại Việt” làm mục tiêu, và mối quan tâm của nhóm tập trung vào văn hóa Lý-Trần. Ông có thể cho biết lý do SEN Heritage lựa chọn mục tiêu và hướng quan tâm này?
Văn hóa Lý – Trần là một giai đoạn phát triển rực rỡ trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Các nhà nghiên cứu đều khẳng định rằng, Đại Việt thời kỳ này phát triển ở mọi phương diện từ văn học đến nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Nhiều người còn cho rằng đây là giai đoạn vàng son một đi không trở lại, là giai đoạn phát triển đỉnh cao của văn hóa, với tinh thần khoan dung tôn giáo và hào khí Đại Việt.
Tuy nhiên, càng rực rỡ thì càng nhiều nuối tiếc. Trải qua gần nghìn năm lịch sử, với bao thiên tai, địch họa, chiến tranh, các di sản của văn hóa Lý – Trần còn lại đến nay đều chỉ là những phế tích với hàng triệu mảnh vụn chìm sâu dưới lòng đất. Đặc biệt, chùa tháp thời Lý và hàng trăm công trình kiến trúc giai đoạn này (kể cả Hoàng thành Thăng Long) đều không còn hiện diện trên mặt đất. Điều này khiến cho xã hội ngày nay ít người hiểu biết về văn hóa Lý – Trần, thậm chí nhiều người còn đem các kiến trúc thế kỷ 18 – 19, để hình dung về nó.
Vì vậy, việc nghiên cứu, phục dựng hay phỏng dựng lại hình hài của các công trình kiến trúc Đại Việt, từ đó “tái lập văn minh Đại Việt”, là một việc làm vô cùng cấp thiết. Nó không chỉ có ý nghĩa với nghiên cứu cơ bản, mà còn là công việc để lan tỏa những giá trị của tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với xã hội Việt Nam đương đại, và giới thiệu cùng bạn bè quốc tế.
Văn hóa Đại Việt khởi phát và hoàn mỹ ở Thăng Long, mở đầu là mỹ thuật kiến trúc với việc xây dựng thành Thăng Long và nhiều chùa – tháp quy mô lớn vào thời Lý – Trần. Giữa nhiều di sản văn hóa Đại Việt ở đất Thăng Long, tại sao SEN Heritage lại quyết định lựa chọn tái lập kiến trúc Chùa Diên Hựu – Một Cột để mở đầu dự án của mình?
Chùa Diên Hựu – Một Cột là công trình duy nhất của Thăng Long thời đại Lý – Trần còn hiện diện trên mặt đất. Hình thái một chiếc lầu hoa sen đặt trên một cột, tuy nhỏ nhắn về quy mô, nhưng lại có giá trị cao về nghệ thuật kiến trúc. Như tôi từng nói chuyện riêng với KTS Nguyễn Vĩnh Tiến, chùa Một Cột vì thế mới có thể đặt cạnh rất nhiều kỳ quan kiến trúc khác của thế giới như Vạn Lý Trường Thành, tháp Eiffel.
Trong con mắt của nhà kiến trúc, thì ý niệm nghệ thuật, loại hình kiến trúc, kĩ thuật kiến trúc là tiêu chí quan trọng để đánh giá về sự đóng góp cho lịch sử kiến trúc nhân loại. Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu từ đó mới trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam, trở thành một biểu tượng xuyên suốt từ văn minh Thăng Long cho đến Hà Nội ngày nay. Tuy nhiên, kiến trúc hiện còn của nó chỉ là dựng lại từ năm 1955 theo kĩ thuật và phong cách mĩ thuật thời Nguyễn.
Chính vì thế, ý tưởng phỏng dựng lại chùa Một Cột theo phong cách Lý – Trần, dựa trên các thành tựu của khảo cổ học trong hơn 50 năm qua, đặc biệt là dựa trên cột đá chùa Dạm, là một công việc gây hứng thú đối với SEN Heritage.
Trong quá trình thực hiện “Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu – Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo”, SEN Heritage gặp phải những khó khăn nào?
Khó khăn lớn nhất khi phỏng dựng chùa Diên Hựu – Một Cột chính là cứ liệu khảo cổ học và lịch sử kiến trúc, kĩ thuật kiến trúc Lý – Trần. Làm sao có thể từ 6 lỗ ngàm trên cột đá chùa Dạm – hiện vật duy nhất hiện còn vào thời Lý – để dựng lên một hình hài kiến trúc? Làm sao có thể từ hàng ngàn mảnh vụn khảo cổ, mĩ thuật… lắp ghép thành một tổng thể kiến trúc? Để làm được điều đó, các thành viên của SEN Heritage đã mất 10 năm đi điền dã khắp các di chỉ khảo cổ, các bảo tàng, và nghiên cứu về kinh điển Phật giáo, lịch sử kiến trúc Đông Á và Việt Nam, đặc biệt là về kĩ thuật học của thời đại Lý – Trần.
Một vấn đề khác là kinh phí. Trong giai đoạn này, SEN Heritage chưa huy động các nguồn lực tài trợ hay nguồn lực xã hội, mà 100% kinh phí làm dự án chủ yếu vẫn dựa vào “cây nhà lá vườn” với những thế mạnh vượt trội của các thành viên nòng cốt SEN Heritage chung tay đóng góp và cùng xây dựng, hoàn thiện dự án.
Nhìn lại hành trình của SEN Heritage, chúng tôi có nhiều chuyến điền dã bất kể ngày đêm, mưa gió đi khắp các tỉnh, thành phố, bảo tàng,… để tìm lại những mảnh ghép quá khứ, có nhiều giờ làm thêm không thể chấm công – và cũng chưa bao giờ “được chấm công” – cho tập thể hơn 50 thành viên SEN Heritage. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn chung một niềm tin, chung một mục tiêu với sứ mệnh “tái lập văn minh Đại Việt”, luôn làm việc và cống hiến theo phương châm “khoa học làm nền tảng, công nghệ làm mũi nhọn, văn hóa làm trung tâm, con người làm chủ thể”.
Qua dự án, nhiều người đánh giá những thành viên của SEN Heritage đều là những người có tâm với di sản, hơn thế là một tình yêu lớn đối với những giá trị văn hóa tinh hoa của cha ông từ trong quá khứ. Ông nghĩ sao về điều này?
Hành trình 10 năm của SEN Heritage đó là hành trình của giấc mơ, hành trình của những người yêu di sản, yêu văn hóa Thăng Long, văn hóa Đại Việt. 10 năm đó là tuổi thanh xuân của mấy chục con người, hàng ngày vẫn phải mưu sinh thường nhật, để nuôi những giấc mơ “tái lập quá khứ, xây đắp tương lai”.
Thực ra SEN Heritage mới thành lập được 3 năm. Còn trước đó, chúng tôi tự lao động, nghiên cứu, điền dã, bằng xoay xở cá nhân. KTS Đinh Anh Tuấn năm 2008 đã từng dựng 3D Hoàng thành Thăng Long, nhưng sống bằng nghề kiến trúc. NTK Trần Thanh Tùng từ 2010 đã lập Hội quán Di sản để đưa các vật phẩm văn hóa Lý – Trần vào đời sống, đây là một nỗ lực để “lấy di sản nuôi tình yêu di sản”. Nhiều thành viên khác, như Hiệu Sicula, Duy Nguyễn, Huy Nguyễn…, nhiều năm âm thầm theo mê mải với văn hóa Lý – Trần, ban ngày có thể vẽ thuê, hay làm thợ điện, nhưng rảnh ra lại đi điền dã, vẽ concept.
Chúng tôi như những đốm lửa từ những góc khác nhau trong cuộc sống này, nhờ tình yêu di sản, mà tập hợp lại với nhau, vượt qua “cơm áo gạo tiền”, để cùng nhau nuôi tiếp những giấc mơ về những giá trị văn hóa tinh hoa của cha ông từ trong quá khứ. Và với SEN Heritage luôn luôn có một tình yêu rất đặc biệt dành cho văn hóa Thăng Long – Hà Nội với biểu tượng văn hóa ngàn năm – chùa Một Cột.
“Công nghệ đang thúc đẩy bảo tồn di sản”
Được biết bằng công nghệ thực tế ảo, dự án của SEN Heritage có thể giúp công chúng của thế kỷ XXI dạo bước trong không gian vàng son của chùa Diên Hựu thời Lý cách đây 900 năm. Theo ông, công nghệ thực tế ảo này có lợi thế gì trong việc hiện thực hóa các di sản trong quá khứ mà nay đã không còn tồn tại?
Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) là những công cụ tuyệt vời cho việc nghiên cứu và phỏng dựng di sản. Trước đây, các kiến trúc sư thường phải làm mô hình thu nhỏ, khá tốn kém. Nhưng với công nghệ, chúng ta có thể xây dựng Liên Hoa Đài hay tổng thể chùa Diên Hựu trong một không gian ảo. Sản phẩm tuy ảo, nhưng phải xây thật, từ các số liệu cụ thể, từ từng viên gạch, từng mộng mẹo, lỗ ngàm, từng hoa văn trang trí. Tất cả phải khớp với số liệu khảo cổ, và đúng với phong cách, kĩ thuật thời Lý – Trần.
Công nghệ là một cách hiện thực quả kết quả khoa học, giả thuyết khoa học. Trong số hơn 10 giả thuyết, SEN Heritage chọn 1 giả thuyết sát hợp nhất với tư liệu, đó là hình thái “lầu sen một cột sáu cạnh” (độc trụ lục giác liên hoa chung lâu). Đồng thời, công nghệ giúp ta có thể thực hiện các giả thuyết khác như hình thái bốn cạnh.
Sản phẩm của nó bao gồm các bản vẽ kĩ thuật (của từng chi tiết, cho đến tổng thể kiến trúc) và hướng đến có thể xây dựng trên thực tế, hoặc in ra thành các mô hình, các vật phẩm. Nó có thể ứng dụng cho nhiều công tác khác nhau như triển lãm thực tế ảo, bảo tàng ảo, du lịch thực tế ảo, có thể làm giáo cụ để giảng dạy về văn hóa Việt Nam trong nhà trường, có thể làm phim trường ảo, hoặc xây dựng game về lịch sử văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Thực tế ảo nói riêng, rộng ra là những thành tựu khoa học công nghệ nói chung đang là một hướng đi đầy tiềm năng để bảo tồn, phát huy và mang giá trị di sản đến gần hơn với xã hội hiện đại. Nhìn từ dự án “Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu – Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo”, ông đánh giá ra sao về triển vọng dùng công nghệ để thực hiện các hoạt động quảng bá di sản?
Trong hơn 30 năm qua, công nghệ đang thúc đẩy việc bảo tồn di sản, phục dựng di sản ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt ở Nhật, Pháp, Đức, Italia, Trung Quốc, Hàn Quốc… Trào lưu số hóa di sản (digital heritage) nở rộ ở khắp nơi. Ở Việt Nam, việc áp dụng công nghệ đã khởi động gần 15 năm nay, và bước đầu đã có những thành tựu.
Hệ thống bảo tàng nhà nước (Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Mỹ thuật,…) đã có những khu trưng bày ảo song song với trưng bày thực tế. Một số công ty (như 3D Art, Holomia-VNI,…) đã thực hiện nhiều sản phẩm công nghệ quan trọng. Viện Nghiên cứu Kinh thành mới đây cũng vừa cho ra mắt bản phục dựng 3D về Hoàng thành Thăng Long dựa trên kết quả nghiên cứu khảo cổ học. Ngoài ra nhiều cá nhân (như Nguyễn Trí Quang,…) đã triển khai một số Bảo tàng thực tế ảo, hay các bản scan di sản đặt ở chế độ mở (open access) để mọi người khắp nơi trên thế giới có thể truy cập.
Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đưa bản số hóa Kinh thành Huế vào hoạt động du lịch. Công nghệ như vậy không chỉ giúp việc nghiên cứu, bảo tồn di sản, mà còn đang thúc đẩy việc phát huy các giá trị văn hóa từ trong quá khứ đến đời sống, xã hội hiện đại. Thậm chí, các sản phẩm công nghệ còn giúp các những cơ quan chức năng và những người yêu di sản có cơ hội có thể sống bằng di sản.
Trong tương lai, liệu SEN Heritage có tiếp tục với các dự án khác liên quan đến các di tích, di sản gắn liền với văn hóa Thăng Long – Hà Nội?
SEN Heritage đã và đang triển khai một số dự án liên quan đến văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Đầu năm nay, chúng tôi đã thực hiện công bố bản phỏng dựng cột đá Ngọc Hà. Đây là một long trụ tinh mĩ nhất vào thời Lý, là một kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc Đại Việt. Bản phỏng dựng gồm phiên bản Tu Di tòa Thích Ca sơ sinh, Tu Di đăng (đài đèn) với các phương án đĩa đèn, bốn mái, tám mái,… và các sản phẩm VR- AR và vật phẩm ứng dụng.
Trong tương lai, SEN Heritage vẫn tiếp tục đi trên con đường đã chọn, tiếp tục tái lập các công trình kiến trúc quan trọng của văn hóa Thăng Long – Hà Nội, như tháp Báo Thiên, chuông Quy Điền,… để đưa những giá trị tinh hoa của cha ông đến với xã hội ngày nay.
Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện.
1. Dự án Tái lập kiến trúc chùa Diên Hựu – Một Cột bằng công nghệ thực tế ảo.
2. Ý tưởng xây dựng cao tốc ngầm và cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử, văn hóa, tâm linh.
3. Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.
4. Ý tưởng Biến các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo cho Hà Nội,
Nguồn: Báo Tin tức