Trang chủ Tin tức Người đưa nghề nuôi tằm, ươm tơ ở Phùng Xá vươn xa

Người đưa nghề nuôi tằm, ươm tơ ở Phùng Xá vươn xa

221
0

Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, người làng Phùng Xá thuộc huyện Mỹ Đức thành phố Hà Nội là người không chỉ giúp cho nghề nuôi tằm, ươm tơ ở địa phương này sống lại mà còn nâng lên một tầm cao mới với ý tưởng độc đáo là huấn luyện những con tằm trở thành “thợ dệt”. 

Người đưa nghề nuôi tằm, ươm tơ ở Phùng Xá vươn xaCác sản phẩm của nghệ nhân Phan Thị Thuận được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh

Nhờ ý tưởng độc đáo đó đã tạo ra những chiếc chăn tơ, áo bông tơ tằm, khẩu trang… “độc nhất vô nhị” trên thị trường. Các sản phẩm này đã có chỗ đứng tại thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu, Trung Đông hay Trung Quốc – một đất nước có nghề dệt lụa nổi tiếng. Khi vào mùa vụ, Công ty TNHH Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động với thu nhập trung bình 4,5 triệu đồng/tháng. 

Với những đóng góp đó, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã được UBND thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 9 Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2021.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, bà cũng đã trải qua không biết bao nhiêu cơ cực, trắng đêm cùng với những con tằm “thợ dệt”. Bà chia sẻ, những năm 70 của thế kỷ trước, vùng đất này một thời được mệnh danh là “Thủ đô dâu tằm” của miền Bắc với hàng chục nghìn héc ta ruộng dâu trải dài qua nhiều làng xã ven sông Đáy.
 
Ngày ấy, hầu hết các xã trong huyện Mỹ Đức đều làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Nhưng đến năm 1984, dâu tằm bị “thất sủng”, nhà máy ươm tơ Mỹ Đức bỏ thu mua kén, hợp tác xã chặt phá toàn bộ diện tích trồng dâu chuyển sang trồng lúa, hàng loạt thợ bỏ nghề.

Trong khi, cả làng Phùng Xá không còn coi “tằm tang” là nghề mưu sinh, người phụ nữ có thân hình nhỏ bé này vẫn quyết giữ lấy nghề truyền thống cha ông để lại. Bà đã âm thầm một mình gây dựng lại nghề nuôi tằm, ươm tơ, tìm đầu ra cho tơ tằm. Đồng hành với bà trên con đường đầy khó khăn này chính là những người thợ đặc biệt – những “đấu tằm”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống lâu đời làm nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, bà được bố mẹ trực tiếp truyền dạy nghề từ khi còn nhỏ. Sau hơn 40 năm nghiên cứu, quan sát con tằm làm tơ, đan kén, nó ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào, bà bỗng nảy ra sự so sánh và muốn biến con tằm thành những công nhân tự dệt nên tấm chăn tơ. Bà quyết định huấn luyện những con tằm tự nhả tơ và dệt mà không cần đến “canh cửu”.

Thông thường, vào mùa thu, một con tằm chứa trong bụng khoảng 400-450 m tơ. Còn vào mùa hè thì tằm chứa trong bụng khoảng 300 m tơ. Từ đó, bà tạo khoảng cách thích hợp, đặt tằm lên một mảnh vải được trải phẳng trên một tấm khung dài 4 m, rộng 2m để cho con tằm vươn cổ, nhả tơ vừa tầm mà không vướng vào nhau.

Bà Thuận chia sẻ, cứ đến kỳ tằm nhả tơ thì phải tạo ổ rơm hoặc nong lứa ở góc khuất tạo ổ, giúp con tằm có điểm tựa để nhả tơ. Vì vậy, những ngày đầu tiên khi được thả trên một tấm vải trải phẳng, do không có nơi bấu víu nên tằm cứ bò theo bản năng đi tìm điểm tựa. Con tằm bò liên tục trong 2 ngày, lúc đó, bà lại phải tự tay bắt về, sắp xếp chúng vào đúng vị trí.
 
Sang đến ngày thứ ba, một phần do đã mệt, cộng với chức năng buộc phải nhả tơ khi đến kì nên chúng không còn cách nào khác, đành phải nhả vào không gian. Thế là hàng nghìn, hàng vạn con tằm cần cù, miệt mài vươn cổ, rút ruột nhả tơ để dệt thành những tấm mềm bông tơ tằm tự dệt bền đẹp.

Sau 6 ngày đêm ăn ngủ cùng tằm, bà Thuận đã thu được sản phẩm, đó chính là tấm kén phẳng gồm rất nhiều sợi tơ, được đan xen một cách tự nhiên vào nhau, sợi tơ đều tăm tắp. Người thợ dệt có kỹ thuật tài giỏi hay kinh nghiệm lâu năm đến mấy cũng có thể mắc phải những lỗi sai ở đường dệt ngang, nhưng ở con tằm, quy luật nhả tơ không bao giờ sai lệch, miệng con tằm được ví như mũi kim đan lên rồi lại đan xuống miệt mài chăm chỉ.

Khi được 1 tấm kén phẳng, bà lại phải nghĩ cách làm thế nào để tách được lớp hồ keo trên tấm kén này. Trước đây, khi là con kén, người thợ dệt thường dùng phương pháp ươm để tách hồ nhưng khi chúng đan khít lại với nhau thành một tấm kén phẳng lớn thì đây thực sự là một bài toán khó.
 
Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, bà đã tìm ra phương pháp tẩy chuỗi. Khi tẩy xong, tấm tơ vàng sẽ thành tấm chăn bông xốp, mềm, giữ được vẻ mềm mại của tơ mà các đường dệt của tằm không hề thay đổi. Kỹ thuật này đã tạo ra những chiếc chăn mền bông, tiết kiệm được nhiều công đoạn như ươm, kéo tơ, cào bông, trần vải, đan, dệt mà lại có độ gắn kết bền chắc tự nhiên, bông không bị xô lệch.

Mền bông tơ do tằm tự dệt là một trong những sản phẩm mới, độc đáo của Công ty Dâu Tằm Tơ Mỹ Đức do bà Phan Thị Thuận là người sáng lập. Đây cũng là sản phẩm sản xuất 100% từ tơ tằm và được đăng ký độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ. 

Không chỉ nổi tiếng là người biến con tằm thành thợ dệt chăn bông, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn được biết đến qua những sản phẩm lụa tinh xảo, có giá trị cao từ tơ sen. Tơ sen mong manh, se được sợi rồi nhưng khi đưa vào khung dệt đứt liên lục, bởi sợi thuần từ thực vật không có cái dai dẻo như tơ tằm. 

Bà Thuận cho biết, để dệt chiếc khăn dài 1,7 m rộng 0,25 m cần tới 4.800 cuống sen. Trong khi đó, một người thợ chăm chỉ, thạo việc một ngày cũng chỉ làm được từ 200-250 cuống sen. Tính ra để hoàn thiện một chiếc khăn cũng phải mất khoảng 1 tháng. Sợi tơ sen mảnh, dễ đứt nên phải rất khéo léo, tỉ mẩn mới có thể rút được sợi tơ. Đặc biệt, tất cả các cuống sen đều phải xử lý trong vòng 24 tiếng đồng hồ nếu không cuống sẽ bị khô, tơ bị rút sợi hỏng hoàn toàn.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, nghệ nhân Phan Thị Thuận đã nâng tầm nghề dệt lụa truyền thống của quê hương. Từ những sản phẩm độc đáo của bà, thương hiệu dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức ngày càng được nhiều người biết đến.

Mới đây, sản phẩm khăn tơ tằm, chăn tơ tằm tự dệt và khăn tơ sen của xã Phùng Xá đã được huyện Mỹ Đức và thành phố Hà Nội đánh giá là sản phẩm tiềm năng 5 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với kết quả này, thành phố sẽ hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương tiếp tục đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao – thứ hạng cao nhất trong thang bậc đánh giá sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Bên cạnh đó, bà còn là hội viên Hội nông dân xã Phùng Xá, có nhiều đóng góp cho việc khôi phục làng nghề dệt vải tơ tằm truyền thống. Với những ý tưởng sáng tạo và độc đáo, bà đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương trao giải Nhất sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6 năm 2015 cho đề tài Nghiên cứu làm ra sợi tơ sen và dệt ra lụa và được cấp bằng độc quyền sáng chế, hữu ích do Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng chứng nhận “Đã có công trình, giải pháp sáng tạo khoa học và công nghệ được công bố trong sách và sáng tạo Việt Nam năm 2016″…

Nam Giang (TTXVN)

Người đưa nghề nuôi tằm, ươm tơ ở Phùng Xá vươn xa

Phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Trấn Yên, Yên Bái

Nhiều năm nay, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã chú trọng phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm nên đã hình thành được vùng trồng dâu rộng lớn với quy mô 760 ha và gần 2.000 hộ nuôi tằm.

Nguồn: Báo Tin tức

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây