Trang chủ Chính trị Nếu không muốn bị chỉ mặt gọi tên trong hồ sơ Pandora...

Nếu không muốn bị chỉ mặt gọi tên trong hồ sơ Pandora thì đừng làm bậy

195
0

Dạo gần đây, chúng ta thường được nghe nói nhiều về “Hồ sơ Pandora”, đó là các tài liệu phơi bày những góc khuất, những vấn đề được coi là “thâm cung bí sử” chưa từng được tiết lộ của giới quan chức, doanh nhân, động chạm đến vấn đề đạo đức và thậm chí, có thể quyết định đến địa vị xã hội của những cá nhân bị điểm tên. Từ vụ rò rỉ hồ sơ Pandora mà rõ thấy rằng, không có một định chế pháp luật nào có đủ khả năng kiểm soát tất cả mọi thủ đoạn trốn thuế, che giấu tài sản và nếu ai đó cố gắng che giấu cỡ nào thì cuối cùng bị phơi bày ra ánh sáng.

Nếu không muốn bị chỉ mặt gọi tên trong hồ sơ Pandora thì đừng làm bậy
Hồ sơ Pandora có thể phơi bày tất cả những bí mật, bao gồm cả những sai phạm của rất nhiều chính trị gia trên toàn thế giới.

Ví dụ điển hình, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã có định chế kiểm soát thuế, chống rửa tiền, tham nhũng,… rất nghiêm khắc nhưng vẫn có khoảng từ 5.600 tỷ USD đến 32.000 tỷ USD được ẩn giấu ở các thiên đường thuế. Ông bà ta có câu “vỏ quýt dày có móng tay nhọn” chẳng hề sai, gần 1.000 công ty ở các thiên đường thuế nước ngoài với hơn 330 chính trị gia của 90 quốc gia có thể lách được định khung pháp chế rất tinh vi nhưng không thể nào tránh được cặp mắt dòm ngó, soi xét của Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) và hồ sơ Pandora gần như đã bóc trần tất cả. Qua đó có thể thấy, các quy định giám sát, phòng chống tham nhũng tiêu cực vẫn còn khe hở, chưa đủ sức để giám sát hết tất cả hành vi của người sai phạm.

Hiện nay, hồ sơ Pandora chưa xuất hiện cái tên nào ở Việt Nam nhưng có thể thấy ở nước ngoài đã như vậy thì nước ta cũng khó mà đứng ngoài lề. Tham nhũng hay không đều thể hiện ở tài sản, nếu cán bộ vi phạm che giấu tài sản thành công thì rất khó để chứng minh được hành vi tham nhũng của họ. Đó là lý do vì sao cả hệ thống chính trị nước ta đã quyết tâm, nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng cho bằng được những cơ chế kiểm kê, giám sát tài sản của cán bộ, đặc biệt là những cán bộ mang chức danh lãnh đạo. Đây cũng là một trong những yêu cầu đặt ra với công cuộc phòng chống tham nhũng của đất nước trong suốt thời gian qua và bước đầu cũng đã nhận được kết quả tích cực.

Mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã thêm nhiệm vụ chống tiêu cực để bao quát được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban. Đây tiếp tục là những nỗ lực cần thiết để siết chặt kỷ cương, xây dựng niềm tin của nhân dân đối với chính quyền.

Nếu không muốn bị chỉ mặt gọi tên trong hồ sơ Pandora thì đừng làm bậy
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp của Bộ Chính trị, sáng 10/9.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh rằng: “Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống”. Có thể trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ còn xem xét cả hành vi cố tình che giấu tài sản, xem đó là một trong những dấu hiệu tiêu cực, suy thoái đạo đức, lối sống để tiến hành điều tra, xử lý. Bởi lẽ, nếu cán bộ minh bạch, trong sáng, chính trực thì chẳng có gì phải che giấu tài sản của mình cả.

Không có một sai phạm nào là giấu được mãi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Nếu một hành vi tiêu cực nào đó may mắn thoát khỏi định chế của quốc gia thì tin rằng đến một ngày nào đó nó  có thể bị phơi bày trong hồ sơ điều tra khác. Thế nên, muốn che đậy, muốn không ai biết, nếu không muốn phải “tái mặt”, “tim đập chân run” thì cách duy nhất là ngay từ đầu không làm bậy. Còn nếu đã nhúng chàm thì hãy xác định sẵn tinh thần phải đứng trước vành móng ngựa để chịu trách nhiệm pháp lý thôi.

Đặng Trường


Nguồn: Cánh cò

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây