Trang The Times of India vừa có bài viết với tiêu đề “Growing US Vietnam relations: Converging interests provide new opportunities for expanding cooperation” (Quan hệ Mỹ-Việt Nam ngày càng phát triển: mang lại cơ hội mới mở rộng hợp tác với nhiều lợi ích song phương) để nói về mối quan hệ “thân thiết” giữa Mỹ và Việt Nam sau nhiều năm và những lợi ích song phương.
Sau đây, Cánh Cò xin được lược dịch bài viết của Tiến sĩ S D Pradhan, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Ấn Độ, đăng tải trên trang The Times of India.
Quan hệ song phương Việt – Mỹ đang trên đà phát triển mãnh mẹ. Sự hội tụ của các lợi ích đang thúc đẩy cả hai quốc gia xích lại gần nhau hơn với tư cách là đối tác chiến lược. Hơn nữa, những hành động gây hấn của Trung Quốc nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền phi pháp của họ ở Biển Đông (SCS) sẽ là trọng tâm của mối quan hệ đang phát triển, bởi vì mối quan hệ này đã chuyển từ hòa giải sang quan hệ đối tác toàn diện bởi vì những mục tiêu chung.
Ngay từ những ngày đầu thế kỷ 21, Mỹ đã nhận thức rõ rằng Việt Nam rất quan trọng trong khu vực để chống lại các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc. Hầu hết các cựu Tổng thống Mỹ đều đã đến thăm Việt Nam từ năm 2000: ông Bill Clinton thăm Việt Nam năm 2000, ông Bush năm 2006, ông Barah Obama năm 2016 và Donald Trump hai lần vào năm 2017 và 2019.
Những chuyến thăm này phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của Mỹ đối với Việt Nam và Mỹ đánh giá rằng Việt Nam chính là quốc gia chiếm vị trí trung tâm trong chính sách ‘Tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương’/Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Năm 2013, Mỹ và Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Toàn diện bao gồm tất cả các lợi ích chung của hai nước: hợp tác kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, an ninh, quốc phòng, giao lưu nhân dân, nhân quyền, hỗ trợ nhân đạo.
Mỹ từ thời ông Obama đã bắt đầu xem xét nghiêm túc việc xây dựng khả năng quốc phòng của Việt Nam. Như trong chuyến thăm Việt Nam của Obama vào năm 2016, lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam đã được dỡ bỏ, mở đường cho việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. Trong Tuyên bố chung với Chủ tịch nước Việt Nam lúc bấy giờ là Trần Đại Quang, ông Obama nhấn mạnh rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm “sẽ đảm bảo rằng Việt Nam được tiếp cận với các trang thiết bị cần thiết để tự vệ và xóa bỏ vết tích còn sót lại của Chiến tranh Lạnh.” Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí có ý nghĩa chính trị và ngoại giao hơn là đối với lĩnh vực quân sự.
Gần đây, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin vào cuối tháng 7, hai nước đã ký một biên bản ghi nhớ theo đó Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam xác định vị trí, xác định danh tính và quy tập hài cốt quân nhân Việt Nam hy sinh trong Chiến tranh Việt Nam được binh sĩ Mỹ chôn cất nhưng vẫn còn chưa được tìm thấy.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ-ASEAN, Ngoại trưởng Mỹ Blinken tái khẳng định sự ủng hộ đối với Triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “như một phần trong tầm nhìn của Mỹ về một khu vực tự do và cởi mở”. Sau đó, vào ngày 5/8, Blinken tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á cấp bộ trưởng, nơi ông gọi các tuyên bố chủ quyền ngày càng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông là “bất hợp pháp” và qua đó vạch rõ ràng cách tiếp cận của Chính quyền Biden là ủng hộ các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam trong vấn đề này.
Gần đây nhất là chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam, chuyến thăm này cũng có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả Mỹ và Việt Nam. Cả thế giới đều không thể coi thường nhu cầu của Mỹ trong việc trấn an bạn bè và đồng minh về những cam kết của mình trong bối cảnh hiện nay.
Những thách thức địa chính trị ngày càng gia tăng do các hoạt động gây hấn liên tục của Trung Quốc đòi hỏi sự hiểu biết và phối hợp chặt chẽ hơn với các nước Đông Nam Á không chỉ đối với Biển Đông mà còn đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bà Kamala Harris tuyên bố rằng Mỹ sẽ hợp tác vô cùng chặt chẽ với Việt Nam để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm tự do hàng hải, một vấn đề mà Mỹ rất coi trọng, trong đó bao gồm cả những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Bà cũng nhấn mạnh về sự cần thiết phải tìm cách gây áp lực và gia tăng sức ép buộc Trung Quốc phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, đồng thời chấm dứt các hành vi bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của nước này.
Đặc biệt hơn, bà Kamala Harris cũng chỉ ra rằng Mỹ mong muốn giúp Việt Nam phát triển năng lực an ninh hàng hải và trong bối cảnh đó, bà tuyên bố rằng yêu cầu của Việt Nam về những hỗ trợ kinh tế, an ninh, quân sự sẽ luôn được Mỹ ủng hộ tích cực.
Đáng chú ý, trong bài phát biểu khai mạc cuộc gặp với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bà nói “Chúng ta cần tìm cách gây áp lực và nâng cao sức ép, nói thẳng ra là Trung Quốc phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, chấm dứt sự bắt nạt và yêu sách hàng hải quá mức của nó.” Bà cũng tuyên bố công khai rằng hai nước nên xem xét làm những gì có thể để nâng cấp mối quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược.
Ngoài ra, bà Kamala Harris cũng thông báo về việc ra mắt văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, biến nơi đây trở thành một trong bốn văn phòng khu vực duy nhất của cơ quan y tế công cộng Mỹ trên toàn cầu.
Đó là những diễn biến cho thấy mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa Việt Nam và Mỹ để ứng phó với những nguy cơ từ phía Trung Quốc, ngoài ra quan hệ tốt với Mỹ còn đem lại cho Việt Nam lợi ích về kinh tế và cả những vấn đề khác.
Với Mỹ, nhu cầu tôn trọng các lợi ích chính trị của Việt Nam là điều cần thiết trong việc tăng cường quan hệ với Việt Nam. Mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn dựa trên hợp tác kinh tế, xã hội, công nghệ và quân sự sẽ giúp tăng cường quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, từ đó sẽ giúp duy trì hòa bình ở toàn bộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Việt Nam không chỉ là đối thủ mạnh nhất đối với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc mà còn có ảnh hưởng đáng kể trong ASEAN. Tình hình hiện nay mở ra những cơ hội mới để mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực nêu trên. Một số bước đã được thực hiện nhưng cần nỗ lực hơn nữa để tận dụng các cơ hội mới, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Việt Nam cũng cần đảm bảo rằng hệ thống của mình đủ hấp dẫn đối với các tập đoàn của Mỹ và cả các tập đoàn toàn cầu. Vì cả Mỹ và Việt Nam đều cần nhau, nên đã đến lúc cả hai nên nâng cấp mối quan hệ lên quan hệ lên “Đối tác chiến lược” như đã đề ra trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ.
Bảo Trâm (Theo The Times of India)
Nguồn: Cánh cò